Thanh niên làm chủ chương trình khởi nghiệp quốc gia

TP - Đoàn Thanh niên cần tập trung đi sâu thêm vấn đề tập hợp thanh niên, khởi nghiệp của doanh nghiệp, thành lập các tổ hợp hợp tác xã; cần có chương trình khởi nghiệp quốc gia chung cho thanh niên để từ đó có thêm những hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp khoa học công nghệ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Như Ý.

Đoàn cần kiến nghị và chủ trương thực hiện chương trình Khởi nghiệp Quốc gia”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội nghị do T.Ư Đoàn tổ chức tối 21/10 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, lực lượng doanh nhân, trí thức, khoa học trẻ… Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Ý kiến thanh niên (TN) cả nước đối với Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 là góp phần định hướng phát triển tương lai cả đất nước, thể hiện sự quan tâm của T.Ư Đoàn, tuổi trẻ nhìn về khát vọng của đất nước. TN có chung lòng yêu nước, có mục tiêu chung ấy sẽ hướng tới cách làm chung, lấy gốc của lòng yêu nước để phát huy sáng kiến, lao động trên tất cả các lĩnh vực”.

Vượt bẫy thu nhập trung bình

Góp ý về công tác TN, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đề xuất Đảng, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi cho TN để TN đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế xã hội.

“Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong bối cảnh phát triển mới: Xác lập thể chế đảm bảo quyền tài sản cá nhân và cạnh tranh lành mạnh” là kiến nghị của TS Bùi Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Để đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến cùng thời đại, TS Giang có hai đề xuất về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta: Thứ nhất, cần ưu tiên xây dựng và ban hành Luật về Quyền tài sản cá nhân để xác lập rõ ràng và bảo vệ chắc chắn hơn quyền sở hữu tài sản của mỗi cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày. Việc xác lập rõ ràng và bảo vệ chắc chắn quyền sở hữu tài sản là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Thứ hai, phải tăng cường tính độc lập của cơ quan đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của các quan hệ thị trường có tính hội nhập, liên kết ngày càng sâu rộng. Do đó, cần nghiên cứu tách Cục Quản lý Cạnh tranh thành Cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ với chức năng chủ yếu là đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các tác nhân tham gia thị trường và điều tiết, trừng phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thống lĩnh thị trường bất hợp lý, gây hại cho người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh và nền kinh tế.

TS Mai Hữu Tín.

Theo TS Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc U&I Group, cần có chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển bởi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. “DN trẻ chúng tôi thường so sánh mình với DN các nước để xem mình làm được gì? So về vốn, về kỹ năng quản lý và công nghệ thông tin, DN trẻ Việt Nam đều thua xa. Vậy yếu tố gì giúp chúng tôi làm được để DN đứng vững, đó là tinh thần và quyết tâm. 


Khi chúng ta đang thua mọi mặt thì chúng tôi phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Nhưng để tinh thần được giữ gìn thì chúng tôi cần phải có niềm tin, được nhà nước bảo vệ, tạo điều kiện, sự hỗ trợ về môi trường kinh doanh cho DN nhỏ và vừa phát triển”, TS Tín nói. TS Tín đề xuất, chính sách ưu đãi cần đi kèm trong môi trường minh bạch, tạo điều kiện cho DN phát triển. Khi DN tư nhân phát triển chính là xúc tác kích thích TN vươn lên, học hỏi và động lực để người trẻ khởi nghiệp và làm giầu.

Vai trò của kinh tế tập thể, tổ hợp HTX có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước, đó là góp ý của ông Đinh Huy Chiến, Phó  Chủ tịch Hội DN Trẻ Việt Nam. Theo ông Chiến, để thực hiện được kinh tế HTX cho TN lập thân, lập nghiệp thì phải coi đó là doanh nghiệp.  Hiện cả nước có hơn 500 nghìn DN, có 18.689 HTX, có gần 200.000 loại hình tổ hợp kinh tế HTX nhưng còn rất nhiều chính sách cần tháo gỡ. Ông Chiến kiến nghị: “Cần có Ban chỉ đạo T.Ư để chỉ đạo các cấp tỉnh thành chỉ đạo rà soát, đánh giá lại vai trò, tầm chiến lược của HTX, tổ hợp kinh tế tập hợp HTX của các tỉnh thành tiêu chí đánh giá hàng năm; Kiến nghị Chính phủ giao liên minh HTX chủ trì xây dựng một số đề án để đầu tư hỗ trợ xây dựng kinh tế HTX, nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả; Chỉ đạo các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo kinh tế tập thể”.

Bổ sung ý kiến ông Chiến, PGĐ Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa nói rằng, muốn có HTX thành công phải có đội ngũ lãnh đạo có năng lực quản trị, đưa được ứng dụng khoa học kỹ thuật và quan trọng có nguồn vốn để đầu tư và Đoàn TN lãnh đạo đội ngũ TN làm kinh tế HTX.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn, khảo sát tại trường ĐH Kinh tế Hà Nội, có tới 97% số TN được khảo sát chỉ mong muốn có công việc ổn định, họ không có tinh thần khởi nghiệp. Vì thế, cần phải có chương trình khởi nghiệp quốc gia thúc đẩy TN khởi nghiệp, kinh doanh. Ngoài xây dựng HTX kiểu mới, cần chuyển đổi doanh nghiệp hộ gia đình thành các DN nhỏ, vệ tinh trong phát triển kinh tế tư nhân. Cần có chính sách chuyển đổi mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho các tổ chức Đoàn, Hội tổ chức thực hiện.

Về chính sách bồi dưỡng và phát triển cán bộ trẻ, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra T.Ư khẳng định, trong báo cáo chính trị cần thể hiện sự tin tưởng, đào tạo cán bộ trẻ. Cần thiết phải có liều lượng chữ nghĩa trong văn kiện để khẳng định Đảng tôn trọng và sử dụng thế hệ trẻ làm chủ tương lai.

Cơ quan nghiên cứu nhu cầu lao động

“Nếu nền kinh tế nước ta chỉ trông chờ vào nguồn tài nguyên ngày càng hạn chế, nguồn lao động giá rẻ thì khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Vì thế, cần phải lấy khoa học công nghệ để phát triển DN, đồng thời DN cần đặc biệt quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ”, TS Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong, Nhà nước cần tăng cường xã hội hóa giáo dục và tập trung đầu tư cho cấp mầm non, tiểu học nhiều hơn.

“Công tác hướng nghiệp hiện nay chưa thực sự hiệu quả để người học xác định lựa chọn ngành học đúng với mong muốn, lựa chọn chương trình học phù hợp với khả năng. Giáo dục cấp học phổ thông phải vừa sức với độ tuổi học sinh, giáo dục cấp đại học phải chuyên sâu, thực hành sát với thực tế nhiều hơn để mang lại giá trị đào tạo tốt hơn cho người trẻ”, anh Phong nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, kiến nghị chú trọng công tác xây dựng đội ngũ công chức, có những chính sách đột phá phát huy nguồn nhân lực trẻ, tài năng. “Hiện có nguồn lực được đầu tư từ gia đình một cách bài bản, tuy nhiên nhà nước đang bỏ phí nguồn nhân lực chất lượng cao này”. 

Tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, nền giáo dục nước ta đang đào tạo thiếu địa chỉ, thiếu cơ quan làm công tác nhu cầu của lao động. Do đó, những ý kiến đề xuất của TN là cần có cơ quan nghiên cứu nhu cầu lao động để đưa ra cơ cấu ngành học cho phù hợp với thế hệ trẻ.