Hằng là cô gái “quá khổ” ôm nỗi khát khao làm mẹ, mà ai nghe qua cũng phải lắc đầu khi cô bị khuyết tật và luôn giữ mức cân nặng nhiều gấp đôi, gấp ba người bình thường. Vượt qua bao trở ngại, người mẹ hơn 140kg đã chào đón cậu con trai khỏe mạnh ra đời.
Chưa từng mặc cảm, muốn có chồng con
Trong căn nhà nhỏ sạch sẽ, ngăn nắp nằm ở con hẻm chật chội, không khó để nhận ra Hằng thời thơ ấu qua những bức ảnh “ú na ú nần” treo ở phòng khách. Mẹ Hằng, bà Nguyễn Thị Hạnh kể Hằng chào đời chỉ nặng 2,7kg, một tháng sau bắt đầu mập lên, cứ tưởng cháu “trộm vía” nhưng lạ thay cân nặng cứ tăng vù vù. Lúc 5 tháng tuổi bà cắt sữa mẹ, chỉ cho uống nước cơm, ăn cháo loãng mà con bé vẫn tròn quay. Thấy bất thường, bà ôm con đi khắp các bệnh viện khám. “Bác sĩ kết luận cháu bị rối loạn nội tiết tố. Tôi cũng mơ hồ, chả hiểu bệnh tình như vậy là sao. Hơn nữa thời đó còn khó khăn, bác sĩ bảo ôm con về thì về thôi. Tôi cho cháu thuốc thang, ăn uống kiêng khem mà vẫn không đỡ, ngày một phì ra. Bốn tuổi cháu đã hơn 40kg, lên lớp 9 thì cán mốc 100kg rồi”, bà nhớ lại.
Không chỉ mập, Hằng còn bị u xương bánh chè khiến việc đi lại rất khó khăn, suốt quãng đời học sinh mẹ phải chở đến trường hoặc ngồi xe lăn. “Được cái nó không bao giờ tự ti mặc cảm, đúng hơn chưa biết tự ti là gì. Nó đi học bạn bè rất nhiều, có phong trào gì cũng tham gia. Năm lớp 12 còn được giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp thành phố”, bà Hạnh khoe. Nghe mẹ nói, Hằng tủm tỉm cười, tâm sự thời đi học bạn bè vẫn hay chọc ghẹo “răng mi mập kinh rứa?” nhưng cô chẳng buồn lòng, vì mình… mập thật. Hằng nghĩ đơn giản mình khác họ thôi. Từ năm thứ 2 đại học, để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ, Hằng đã mở lớp dạy thêm ngay tại nhà. Hằng tự tin: “Được cái em dạy tốt nên mùa hè lớp luôn trên 10 em tiểu học, trong năm thì 6, 7 đứa. Mà dân quanh đây nhiều nhà còn khó nên em lấy học phí ít lắm, có em còn miễn phí luôn”. Đến khi ra trường, cô gái “quá khổ” nặng gần 120kg, chân vẫn đau đi lại hết sức nhọc nhằn. Chưa tìm được công việc, cô tiếp tục dạy học để có thu nhập.
Cuộc sống bình lặng cho tới một ngày cô “trúng sét” ái tình với anh Võ Văn Lắm (quê Bình Phước). Hai người quen nhau trên mạng xã hội, mà như lời Hằng nói thì “tưởng ổng nói chơi chơi”, nào ngờ anh Lắm đón xe ra Đà Nẵng gặp mặt cho bằng được. “Tôi thấy cô ấy trên Facebook, với một năng lượng sống rất tích cực. Tôi thật sự tò mò làm sao một người ngồi xe lăn, mập ú lại có được tinh thần ấy? Lúc ra gặp em, thú thật cũng khá sốc vì… mập quá”, anh hài hước. Thế rồi duyên số đưa đẩy, hai người tới với nhau trong nỗi âu lo của cả hai bên gia đình.
“Tui nói với thằng Lắm lấy con mình thì xác định khổ. Nó làm vợ sẽ không được trọn vẹn như những người phụ nữ khác. Mai này phải chăm sóc đỡ đần, lo cho nó thường xuyên. Rồi cũng đừng nghĩ tới chuyện có con vì con bé béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường… Nhắm được thì lấy chứ đừng bước vô đời nhau rồi bước ra khổ cả hai”, bà Hạnh kể. Vậy mà một đám cưới đầu năm 2022 được tổ chức rộn ràng. Bà con hàng xóm không mời cũng tới chật kín hôn trường, chứng kiến chú rể đẩy cô dâu trên xe lăn, vừa thương vừa mừng.
Mỗi ngày một bước cùng con
Hôm biết tin Hằng có bầu, cả nhà mừng ít hơn lo. Hằng bị người ta dội cho mấy lời chua cay “ức cái chi mà có bầu”, “lo thân còn chưa xong”… nhưng người mẹ “quá khổ” chấp nhận, bỏ ngoài tai. Con đến là điều diệu kỳ, Hằng bắt đầu cuộc chiến giữ con trong mình. Hai vợ chồng chở nhau tới mấy phòng khám, bác sĩ cũng lắc đầu vì tình trạng bệnh nền của Hằng rất đáng ngại. Cơ thể Hằng bắt đầu tăng cân, ứ nước, và không thể đi lại được. Lúc đó, hơi thở với cô cũng khó khăn, chưa kể vì chỉ nằm một chỗ nên cơ thể bị lở loét, hoại tử đau đớn. Nhưng cô không hề than vãn, mỗi ngày đều cố gắng chịu đựng để con được ở lâu hơn trong mình. Hằng vừa điều trị bệnh nền, vừa phải ăn uống kiêng khem để “hãm” cân nặng tốt nhất có thể. Lúc thai 33 tuần, Hằng đã hơn 140kg, cả nhà đưa Hằng tới bệnh viện để sinh mổ.
Chiều 31/10, Hằng được Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đà Nẵng. Tình trạng của Hằng rất nghiêm trọng vì nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường type 2, loét các vùng tỳ đè... Ths.Bs. Lê Thị Tiến, Phó trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng nhận định đây là một trường hợp rất nặng, ngay cả ở người bình thường không mang thai. Ngày 3/11, sau khi hội chẩn liên viện, các bác sĩ dùng phương án gây tê tủy sống, mổ lấy thai chủ động. Ca mổ đã thành công, mẹ tròn con vuông.
Anh Lắm mắt rưng rưng, nhớ như in hôm đó bác sĩ gọi vào phòng giải thích tình trạng của vợ rất nhiều nguy cơ, trường hợp xấu nhất chỉ giữ được một trong hai, anh phải lựa chọn. Dù đau đớn, anh vẫn chọn giữ vợ. Hằng xen vào, bảo trước khi lên bàn mổ đã thầm nói với con nếu chẳng may mẹ không còn nữa, thì con phải sống thay phần của mẹ, để những tháng ngày mẹ chiến đấu với bệnh tật giữ con không thành vô nghĩa. “Các bác sĩ phải ghép 2 bàn mổ lại mới đủ chỗ cho em nằm. Vì em quá mập nên tư thế mổ không thuận lợi. Lúc mổ em còn nghe các bác kêu thành bụng dày quá, mỡ dày quá… Một lúc sau lại nghe chúc mừng, chúc mừng. Giây phút đó không ai hiểu được đâu, em sung sướng lắm. Cuối cùng con cũng đã đến với cuộc đời, và em vẫn còn sống!”, Hằng xúc động.
“Nếu em tự ti mặc cảm thì đã không đi học được, không dạy học, không kết hôn và cũng không có con đâu… Em biết tình trạng của mình, chỉ khi đau ốm nhờ người thân, còn lại mọi việc đều tự nỗ lực. Tự kiếm tiền, tự đi khám, tự lo con cái nhà cửa. Ai cũng có giá trị của mình cả, sống không tự ti, than thở, ỷ lại, với em cũng là tự tạo giá trị cho bản thân mình”. Võ Nhật Hằng
Bé trai chào đời hồng hào nặng gần 2kg, được bố mẹ đặt tên Nguyễn Võ Nhật Cường với hy vọng sau này sẽ khỏe mạnh, cường tráng. Chỉ xót xa vì Hằng đang điều trị bệnh nên bé không thể bú mẹ, phải đi xin sữa từ những bà mẹ khác. “Em đang tập đi lại, mỗi ngày thêm một bước, cứ vịn ghế đi quanh nhà. Trước mắt để mình có thể tự lo cho bản thân, sau là còn tiếp tục làm việc kiếm tiền nuôi con chứ. Chỉ mong khi con chập chững từng bước, thì mẹ đã đi được cứng cáp rồi”, Hằng tếu táo. Hai vợ chồng dự định sắp tới đây, khi sức khỏe ổn định Hằng vừa dạy học vừa bán thêm những sản phẩm nhà làm như ngũ cốc, chả cá... Anh Lắm ngoài “thợ đụng” ra sẽ kiếm một xe vịt quay, cùng mẹ bán thêm hàng ăn uống để có thêm thu nhập.
Ngày cuối năm 2022, bé Cường gần được 2 tháng tuổi, khuôn mặt kháu khỉnh, chân tay chòi đạp liên hồi. Hằng hạnh phúc cười, mắt long lanh, ôm con vào lòng mắng yêu “biết sắp Tết nên quậy quá chừng”. Anh Lắm ở bên sửa bao tay, bao chân cho bé, chốc chốc lại nhìn đồng hồ xem gần đến giờ uống sữa chưa. Hạnh phúc của gia đình nhỏ tròn đầy, như bức tranh rõ mồn một. Lúc đó mới biết nỗi khát khao làm vợ, làm mẹ của cô gái “quá khổ” cháy bỏng biết nhường nào. Tết này cô đã có con.