“Tàu cá Trung Quốc lớn lắm, gấp đôi tàu kiểm ngư của mình. Họ lại đông nữa, dễ đến 200 chiếc kín cả một vùng biển. Sau khi xuất hiện thì đi từng cặp hung hăng lao tới phá nát lưới mình” – anh Đào Ngọc Đức, thuyền trưởng tàu ĐNa 90370 kể lại.
Chủ yếu là phá
Trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), hàng trăm tàu Trung Quốc ngang nhiên uy hiếp, phá nát hơn 40 tấm lưới của tàu cá ĐNa 90370. Sự việc được trạm Biên phòng Mân Quang (Thọ Quang – Sơn Trà) tiếp nhận và sẽ báo cáo lên cấp trên.
Anh Đào Ngọc Đức kể lại, tàu cùng 7 ngư dân ra khơi vào ngày 8/11, thả lưới đánh bắt ở vùng biển xung quanh khu vực có tọa độ 107056/ kinh Đông - 17038/ vĩ Bắc (thuộc vùng biển vịnh Bắc bộ, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 30 hải lý về phía Tây Nam). Khoảng 2 giờ sáng ngày 14/11, bất ngờ xuất hiện vô số tàu cá Trung Quốc loại lớn ồ ạt kéo tới neo đậu, tràn sang đội hình tàu cá Việt đang thả lưới. Hậu quả là trong phạm vi đánh bắt của đội tàu 5 chiếc của Đà Nẵng bị quần nát. 40 tấm lưới đang được thả của tàu anh Đức bị khoảng 30 tàu cá Trung Quốc kéo qua, xé nát tơi tả.
“Anh em kinh hoàng bật cả dậy, ra sức kéo những tấm lưới còn lại lên tàu. Sự việc kéo dài đến tận hơn 9h sáng cùng ngày. Cuối cùng, 40 tấm lưới bị chìm hẳn, chỉ còn khoảng 10 tấm rách nát được anh em cứu”. Theo anh Đức, anh cùng nhiều người đếm được lúc đó có tới hàng trăm tàu cá Trung Quốc cỡ lớn, kẹp hàng đôi đi với nhau, cùng săn tìm những tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt để chạy tới lui với mục đích phá lưới.
Những thuyền viên trên tàu, kể lại, lúc đó cả đội tàu 5 chiếc cùng quây lại giúp tàu ĐNa 90370 nhanh chóng kéo số lưới còn lại. Trong số 5 tàu, có tàu ĐNa 90567 của anh Trần Văn Vốn. Đây là con tàu anh Vốn đóng mới để thay thế “vật chứng lịch sử” ĐNa 90152 trong vụ Hải Dương 981. Các chủ tàu ĐNa 90105, 90439, 90589 và anh Vốn đều không tin được sự việc mới xảy ra. “Ngay trước mắt kiểm ngư mà họ hung hăng như thế” – anh Vốn nói.
Anh Đào Ngọc Đức cho hay, chuyến biển này, tàu anh cùng 4 tàu trong tổ đội trắng tay trở về vì gặp phải đội tàu cá Trung Quốc hùng hậu tới quấy phá. “30 năm trên biển, gặp nhiều tàu cá Trung Quốc nhưng chưa bao giờ tôi thấy loại tàu nào lớn và hung hãn như thế” – anh Đức nói.
Phá lưới trước mắt kiểm ngư
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tá Phạm Văn Tuấn – Trạm trưởng trạm kiểm soát BP Mân Quang cho rằng, căn cứ vào khai báo của anh Đức, đối chiếu trên bản đồ rất có thể sự việc xảy ra trong vùng đánh bắt chung. Vùng đánh bắt chung này được hiểu là có một số tàu cá Trung Quốc, khi được phía Việt Nam cấp số hiệu thì có thể đánh bắt trên vùng biển được khoanh này và ngược lại, một số tàu cá của chúng ta cũng thế. Vì thế chưa thể khẳng định tàu cá Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền biển đảo hay không mà phải kiểm tra kỹ lưỡng.
Anh Đào Ngọc Đức khẳng định, hàng trăm tàu cá đó là tàu Trung Quốc. “Tôi khẳng định đó là tàu cá Trung Quốc với chữ Tàu, cờ Trung Quốc treo trên tàu, người nói tiếng Trung Quốc…”. Anh Đức cũng khai với lực lượng Biên phòng, khi xảy ra sự việc, ngoài đội tàu 5 chiếc của Đà Nẵng còn có mấy chiếc tàu của Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân Việt, trong đó có tàu với số hiệu KN 762. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, tàu nhỏ nên các tàu cá Trung Quốc ngang nhiên quấy phá, khi bỏ đi cũng chạy từ từ. “Tàu cá họ to lắm, bằng sắt và gấp đôi tàu kiểm ngư mình mà. Làm chi được” – anh Đức cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hoa (vợ thuyền trưởng Đức) kể, đây đã là lần thứ 2 tàu bị Trung Quốc phá lưới. Vào cuối năm 2014, tàu ĐNa 90370 trong khi thả lưới ở Hoàng Sa, cũng bị đội tàu Trung Quốc phá lưới, thậm chí còn thê thảm hơn bây giờ. Hồi đó, 120 tấm lưới bị tàu Trung Quốc kéo mất, tổn hại hơn 800 triệu đồng. “Tiền nợ ngân hàng mua lưới còn chưa trả xong giờ nó lại phá thêm 40 tấm lưới. Thế là mất 300 triệu đồng nữa. Không biết kiếm đâu ra để tàu quay lại biển” – chị Hoa nói.