Tất bật ở làng nghề bánh đa xứ Nghệ những ngày cuối năm

TPO - Làng bánh đa Tây Lân (xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) sản xuất quanh năm nhưng dịp Tết, những người thợ nơi đây mới thật sự tất bật khi phải làm luôn tay để kịp giao hàng cho khách.

Tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi cuối năm, những cơ sở làm bánh đa ở làng Tây Lân (xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) lại tất bật mang bánh đa ra phơi để kịp đóng gói giao cho khách.

Ở làng Tây Lân, bánh đa được làm quanh năm. Tuy nhiên dịp Tết Nguyên đán mới là dịp tất bật nhất của các cơ sở nơi đây. Bởi đơn hàng nhiều hơn ngày thường, cộng với việc nhu cầu của khách hàng lớn, yêu cầu thời gian, chất lượng nên việc làm bánh cũng bận rộn hơn ngày thường.

Mỗi ngày, cơ sở bánh đa Kiểu Nguyễn của anh Nguyễn Như Kiểu (42 tuổi, làng Tây Lân, xã Nghi Trường) sản xuất khoảng 1,5 vạn chiếc bánh đa. Dịp Tết, cơ sở của anh phải thuê thêm nhiều người về làm để kịp giao cho khách. Anh Kiểu cho hay, ngày trước làm bánh thủ công nên sản lượng ít. Ngày nay anh đầu tư thêm máy móc nên sản lượng được nhiều và làm khỏe hơn.

"3 tạ gạo làm ra được khoảng 10 nghìn chiếc bánh. Có ngày làm từ 3-4 tạ gạo. Tính ra mỗi tháng làm được khoảng 150tr. Bánh sau khi được tráng bằng máy thợ sẽ đưa ra nắng phơi nên cứ trời nắng là vui. Tùy vào khách đặt bánh nướng sẵn hoặc chưa nướng để đóng gói giao cho khách", anh Nguyễn Như Kiểu chia sẻ.

Vừa đưa những giàn bánh ra phơi nắng, chị Trần Thị Lan (45 tuổi) chia sẻ: "Tết là lúc bận rộn nhất vì đơn hàng nhiều. Nhưng cũng vất vả. Làm luôn tay luôn chân, vất vả lắm".

Bánh đa ở Tây Lân mang hương vị thơm ngon đặc biệt nên khách hàng rất ưa chuộng. Theo người dân nơi đây, bánh được làm từ bột gạo và vừng. Ngoài ra, mỗi cơ sở có thêm những gia vị riêng để bánh có vị thơm và ngon. Khi nướng, bánh giòn, ngon, bùi và thơm từ những hạt vừng đen.

Ở làng Tây Lân có nhiều cơ sở làm bánh đa nên tranh thủ những ngày nắng, các khoảng trống đều được tận dụng làm giàn phơi bánh.

Những người thợ vừa phơi vừa lật bánh liên tục để bánh khô đều các mặt.

Giàn phơi bánh đa dài bạt ngàn ở làng Tây Lân.

Không chỉ phơi giàn, mặt đường làng nơi có ít người qua lại cũng được các cơ sở tận dụng trải bạt để phơi bánh.

"Làm bánh đa không mệt nhưng lúc phơi bánh có lẽ mệt nhất vì phải làm giữa nắng. Công việc làm bánh cũng cho tôi có thu nhập ổn định. Tết này có thêm tiền để sắm Tết", bà Nguyễn Thị Thoa (52 tuổi) chia sẻ và cho hay, bà làm thuê tại các cơ sở bánh đa được hơn 3 năm nay.

Dọc các tuyến đường nhựa vắng người đều được các cơ sở trải bạt để phơi bánh lúc trời nắng.

Khi bánh được phơi khô, những người thợ lại ra thu gom vào rồi tiếp tục mang những mẻ bánh mới ra phơi nắng.

Bánh sau khi phơi sẽ được đưa vào máy nướng nhiệt. Những chiếc bánh ra lò thơm ngon sẽ được giao đi các đại lý và bày bán khắp các tỉnh thành trên cả nước.