Tân Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT: Cam kết mạnh tay xử lý lợi ích nhóm, tham nhũng

TP - Trong khi tân Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, sẽ tập trung thanh tra các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, không tư túi, không lợi ích nhóm và phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án BOT.
BOT cao tốc Bắc - Nam là một trong những thách thức đối với tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Sỹ Lực.

Chiều 26/10, với 461 trong số 466 đại biểu có mặt đồng ý, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã được Quốc hội (QH) đồng ý phê chuẩn việc bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Tương tự, với 464/466 số đại biểu đồng ý, ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã được QH đồng ý phê chuẩn việc bổ nhiệm giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ. QH cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự đối với ông Thể và ông Khái với đa số phiếu tán thành.

Việc chậm công bố kết luận vụ “biệt phủ Yên Bái” từng khiến dư luận nghi ngờ về tính 
minh bạch xử lý vụ việc của thanh tra Chính phủ. Ảnh: Anh Tuấn.

Không tư túi, lợi ích nhóm

Chia sẻ với báo chí sau khi được phê chuẩn chức vụ, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói rằng “đây là một vinh dự, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm đối với cá nhân rất cao”. Đề cập đến thực trạng các dự án BOT mà dư luận đang rất quan tâm, ông Thể chia sẻ, Bộ GTVT cách đây 3-4 năm (khi đó ông Thể đang giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT – PV) đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 của Chính phủ nhằm phát triển giao thông. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện BOT thì cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Do vậy, Bộ GTVT đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia đi kiểm tra tại các tỉnh, cùng với Bộ Tài chính để xác định vị trí các trạm thu phí, cùng với chính quyền các địa phương để triển khai các dự án BOT cho đúng quy định.

“Giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo lên một diện mạo mới cho ngành giao thông cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều”, ông Thể nói và khẳng định, chủ trương về BOT là rất đúng, nhưng trong quá trình triển khai nảy sinh một số bất cập.

“Cách đây vài ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã có nghị quyết về vấn đề BOT. Tôi nghĩ tới đây, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ, QH, nếu cần thiết thì có thể nâng cấp Nghị quyết, Nghị định về BOT thành một pháp lệnh hoặc luật, thì lúc đó chúng ta sẽ thực hiện những dự án BOT theo đúng quy định pháp luật”, ông Thể nói.

Ông Thể chia sẻ suy nghĩ của bản thân rằng “có làm thì cũng có đúng, có sai”. Nhưng cái quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. “Những người nào làm sai, có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Chứ nếu không làm BOT thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được”, ông Thể nói.

Ông Thể cho biết sẽ chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân. Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo thì phải tham vấn đầy đủ ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến cả QH.

Ngoài đường bộ sẽ tập trung kêu gọi BOT cho đường thủy nội địa, đường sắt và đường biển. Tuy nhiên, hai dự án BOT đầu tiên nhưng sẽ là lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Thể chính là cao tốc Bắc – Nam và dự án sân bay Long Thành (một phần không nhỏ phải kêu gọi xã hội hoá). Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, các cơ quan chuyên môn đang ra sức chuẩn bị cho ông Thể các tài liệu để trình hai siêu dự án này trong vài ngày tới với nhiều nội dung còn tranh cãi.

Ngoài ra, sự đình trệ của các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, ùn tắc nghiêm trọng tại hai thành phố này cũng là thách thức với ông Thể.

Tập trung thanh tra các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước

Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng cao, ông Lê Minh Khái, tân Tổng TTCP cho biết sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn ở các dự án mà xã hội quan tâm. Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực theo Nghị quyết 63/2013/QH13 của QH. Kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Khái cũng cho biết sẽ kịp thời ban hành và công khai kết luận Thanh tra, cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận. TTCP cũng sẽ thực hiện đúng quy định pháp luật về chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra, khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra, quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của thanh tra. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xử lý theo thẩm quyền các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH và các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, bảo đảm chất lượng và tính khả thi, nhất là Luật Phòng chống tham nhũng. Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, các qui trình, quy định về hoạt động Thanh tra bảo đảm công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả”, ông Khái chia sẻ.

Ngoài ra, ông Khái chia sẻ trên cương vị mới sẽ đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ, tăng cường kiểm soát chất lượng thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ ngành Thanh tra vi phạm quy định của pháp luật và quy định của ngành.

“Những người nào làm sai, có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Chứ nếu không làm BOT thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được”.

Ông Nguyễn Văn Thể, tân Bộ trưởng Bộ GTVT

 

“Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận. TTCP cũng sẽ thực hiện đúng quy định pháp luật về chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra, khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra”.

            ông Lê Minh Khái, tân Tổng Thanh tra Chính phủ.