Tam nông - ngẫm chuyện xứ người

TP - Trung Quốc chính thức vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để đến ngôi vị này, họ đã phải trả giá cho sự tăng trưởng nóng mà hậu quả rơi vào đối tượng dễ tổn thương nhất là nông dân. Chuyện của nước láng giềng là bài học cho nhiều quốc gia khác suy ngẫm. Vấn đề tam nông, luôn nóng và chưa nguội bao giờ…
Người già Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép từ những biến động xã hội. Ảnh: BBC

Bài I: Những cái chết ngậm ngùi

Lin Muwen đi tắm, thay một bộ quần áo sạch. Người đàn ông 69 tuổi ấy đứng giữa phòng chính ngôi nhà, đốt một mớ vàng mã cho chính mình rồi uống hết nửa chai thuốc trừ sâu. Lửa cháy tàn, còn ông già cũng không bao giờ đứng lên được nữa.

“Ông ấy có ý định tự sát lâu lắm rồi” một người bạn già cùng làng với Lin kể. Làng quê này thuộc hạt Dĩnh Sơn, cách thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc không xa. Nhiều người dân trong làng nghĩ rằng những xung khắc giữa ông Lin và con dâu đã khiến ông tìm đến cái chết.

“Ông ấy nghĩ rằng con cái sẽ chẳng thèm thậm chí là mua chút vàng mã để đốt cho mình, sau khi ông ấy qua đời”, dân làng nói. “Vì thế ông ấy cho rằng tự sát là cách chết đàng hoàng nhất”.

Người già Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép từ những biến động xã hội. Ảnh: BBC

Chuyện về Lin Muwen chỉ là một trong nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở nông thôn Trung Quốc mà Liu Yanwu, giảng viên thuộc khoa Xã hội học của đại học tổng hợp Vũ Hán thu thập được. Trong sáu năm qua, Liu dẫn đầu một đoàn nghiên cứu đi điền dã hơn 40 ngôi làng thuộc 11 tỉnh trong đó có Hồ Bắc, Sơn Đông và Quý Châu, theo tờ Hoàn cầu thời báo. Liu nhận thấy trường hợp của ông già Lin Muwen không phải là cá biệt. Thậm chí, những vụ tự sát ở nông thôn Trung Quốc nay khá phổ biến.

“Với tình hình dân số ngày càng già đi, những chuyện xảy ra ở hạt Dĩnh Sơn sẽ không phải là thứ xa lạ với các nơi kahác trên đất nước Trung Quốc”. 

Liu

Theo những số liệu mà Liu Yanwu thu thập được, tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi nông thôn tăng lên trong những năm gần đây, trong khi một báo cáo của đại học tổng hợp Hong Kong nói tỷ lệ tự sát nói chung ở Trung Quốc đang giảm.

Liu kết luận: “Những người cao tuổi này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến cái chết. Có lẽ đó là cách thức họ đã chọn để giải thoát những khổ đau của mình trong một xã hội đang già đi”.

Không có gì mà ầm ĩ

Cái chết của ông Lin chẳng khiến xóm làng xôn xao nhiều. Con trai ông thản nhiên một cách kỳ lạ. Anh ta cũng chẳng tỏ ra trách móc vợ, trái với dự đoán của nhà nghiên cứu Liu Yanwu.

Liu nói tự tử là chuyện mà dân làng này thấy bình thường, chẳng có gì to tát. Họ cũng hạn chế bàn tán về cái chết của ông Lin vì phần ngại, phần tôn trọng “cảm xúc của gia đình người quá cố”.

Thậm chí, cả các bác sỹ trong vùng cũng tỏ ra thờ ơ đối với các vụ tự sát. Điều này khiến Liu và các đồng nghiệp bị sốc. “Người ta càng bình thản bao nhiêu, chúng tôi càng thấy ớn lạnh bấy nhiêu”, Yang Hua, một nhà nghiên cứu trong đoàn của Liu nói.

Yang nói họ đã dự đám tang một người già chết do tự sát và thấy con cháu người quá cố thoải mái cười nói. Trong khi các nhà nghiên cứu cảm thấy rất bất bình, dân làng dường như tỏ ra chấp nhận “thực tế phũ phàng” và cuộc sống vẫn tiếp diễn như không có chuyện gì xảy ra.
Dần dần, Liu Yanwu khám phá ra rằng vụ tự sát của Lin và thái độ của gia đình ấy còn chưa phũ phàng bằng nhiều vụ khác, thậm chí có những trường hợp ông gọi là “ngoài sức tưởng tượng”.

Một đôi vợ chồng già ở tỉnh Sơn Tây thường xuyên bị con trai và con dâu đối xử tàn tệ. Chúng không cho ông bà ăn uống đầy đủ, thậm chí còn đánh đập hai vợ chồng. Cuối cùng, hai ông bà già ấy đâm đầu xuống bể nước của gia đình tự sát. Liu kể: “Một số dân làng kể với tôi về cuộc sống khổ ải, đày đọa của những người già trong làng với giọng thản nhiên. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn biến ngay khỏi xã hội này bởi tôi thấy tôi không thuộc về nó”.

Tự tử hay án mạng?

Yang Hua kể rằng một cặp vợ chồng già uống thuốc trừ sâu tự tử. Người vợ chết, ông chồng thoi thóp. Nhưng họ hàng, con cháu không đưa ông đi bệnh viện. Ngày hôm sau, gia đình tổ chức đám tang cho người vợ. Nhưng mãi mà không thấy nhà ấy đưa người chết đi chôn hay hỏa táng. Sau này, Yang mới hiểu họ cố nán đợi người chồng chết nốt vì muốn tổ chức đám tang cả hai cùng lúc, cho tiện.

Một chuyện khác diễn ra như sau: Một người lên thành phố làm thuê đã xin ông chủ được nghỉ bảy ngày để về chăm sóc cha bệnh nặng. Sau hai ngày, ông già vẫn chưa chết, con trai ông nổi cáu bởi anh ta đã dự tính tổ chức đám tang cha trong bảy ngày phép. Cuối cùng, ông già tội nghiệp tự sát. Sau đám tang, người con trai quay về thành phố đi làm như bình thường.

Cặp vợ chồng già ở tỉnh Thiểm Tây. Wang Guixian (61 tuổi) và vợ Zhang Shumei ngồi trước căn nhà của họ ở làng Ximawan. Ảnh: China Smack.com

Hoàn cầu thời báo nhận định về các vụ việc trên rằng đó là “biểu hiện của một xã hội Khổng giáo truyền thống dựa trên sự hiếu thuận của con cái với cha mẹ cũng như văn hóa thứ bậc đã rời bỏ những chuẩn mực đạo đức trước những thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại”.

Nhiều nhà bình luận đã chỉ ra một số nguyên nhân mà chủ chốt là chuyện nông thôn bị gạt ra bên lề trong cuộc đua phát triển kinh tế. Người già trở thành nạn nhân trong những mưu cầu mù quáng về vật chất và hưởng thụ của giới trẻ. Những hình ảnh đô thị phồn hoa là động lực, là nỗi ám ảnh đối với những người trẻ sinh ra ở nông thôn.

Một bình luận trên tờ nhật báo Nam Đô cho rằng gốc rễ của vấn đề là một xã hội phát triển méo mó, trong đó những trật tự và giá trị truyền thống bị tàn phá trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội hiện đại.

“Thế giới hiện đại nhấn mạnh yếu tố thị trường và sự ganh đua”, Liu lý giải. “Khi các thành viên gia đình bắt đầu nghĩ theo đầu óc thị trường, họ sẽ dùng tiền để cân đong các mối quan hệ gia đình”.

Nhiều dân làng đã tính toán cho Liu nghe: Giả sử chi 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 98 triệu đồng) thì cứu được một người già bị ốm. Nếu người đó sống thêm 10 năm thì còn được, nếu dưới 10 năm coi như lỗ.
Thậm chí nhiều người già cũng nghĩ như thế. “Hầu hết đều cân nhắc vì tương lai của con cháu”, Yang nói. “Họ không muốn trở thành gánh nặng”.

Thay vì tự sát tại gia, một số người già tìm chỗ vắng vẻ, bờ sông bờ suối để tránh bị phát hiện. Một số không muốn chết ngay sau khi cãi cọ với con cái nên chờ mọi thứ lắng xuống mới hành động. Nếu hai vợ chồng già cũng tìm đến cái chết, họ cũng tránh tự sát cùng một ngày hoặc cùng một phòng để tránh những tác động tiêu cực đến con cháu.
He Xuefeng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quản lý nông thôn Trung Quốc tại đại học Khoa học và công nghệ Hoa Trung gọi những vụ tự sát nói trên là “sự bóc lột xuyên thế hệ”. Ông cho rằng những ông bố, bà mẹ già kia đã lao động vất vả để nuôi dạy con, giúp con xây dựng gia đình, chăm cháu. Rồi đến khi họ quá già và không thể làm việc được, họ nhận lại rất ít cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Khi mọi giá trị của họ đã bị khai thác hết, họ trở nên vô dụng và chỉ còn cách chờ chết”, He nói.   

Ở những vùng phổ biến “sự bóc lột xuyên thế hệ”, làn sóng người già tự tìm đến cái chết đang gia tăng. Nhà nghiên cứu Liu gọi là là một loại “bệnh lý”. “Kể từ năm 2.000, tỷ lệ tự tử ở vùng nông thôn tăng đều đặn. Không quá để nói rằng tình hình “cực kỳ nghiêm trọng”, Liu nói. Ông tin rằng những vụ tự tử này bắt nguồn từ những bất an mang tính đám đông từ thế hệ trẻ, kết quả của sự chênh lệch mức sống và thu nhập quá lớn trong xã hội Trung Quốc, nhất là giữa thành thị và nông thôn.
“Những gánh nặng của bản thân tôi đã quá lớn rồi, làm sao tôi nghĩ được cho cha mẹ già?”, một số thanh niên ở làng đã nói với Liu thẳng thừng như thế.

Theo Liu Yanwu, 60% những người tự sát kể trên ở độ tuổi trên 70. “Với tình hình dân số ngày càng già đi, những chuyện xảy ra ở hạt Dĩnh Sơn sẽ không phải là thứ xa lạ với các nơi khác trên đất nước Trung Quốc”, Liu nói.

(Còn nữa)

Trung Quốc hiện có hơn 200 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 14,9% dân số. Theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, chỉ cần 10% dân số trên 60 tuổi là một quốc gia được xếp vào loại dân số già.