Tài sản không rõ nguồn gốc: Xử lý ra sao?

TP - Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại kỳ họp diễn ra vào tháng 4 này. Một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau là với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, không giải trình được thì sẽ xử lý ra sao? Ban soạn thảo vừa bổ sung quy định mới, nhằm khắc phục những bất cập xảy ra trong thực tiễn.
Chính phủ đưa ra 2 phương án xử lý đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực.

Đánh thuế hay phạt hành chính?

Tại Dự thảo Luật PCTN sửa đổi mới nhất, Chính phủ đưa ra 2 phương án: Đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và xử phạt vi phạm hành chính đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực.

Trong hai phương án này, Chính phủ lựa chọn phương án truy thu thuế TNCN. Lý do, phương án này phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng. Đây được coi như một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai của người có nghĩa vụ kê khai (vợ, chồng, con chưa thành niên của họ). Vì thế sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Còn với phương án xử phạt hành chính, căn cứ vào hệ thống pháp luật Việt Nam, Ban soạn thảo cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với loại tài sản, thu nhập này thì rất phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. Mặt khác sẽ phải sửa nhiều luật khác có liên quan, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Tuy nhiên, một vướng mắc đặt ra khi áp dụng phương án truy thu thuế là, Luật Thuế TNCN lại không quy định việc thu thuế đối với khoản thu nhập có nguồn gốc không rõ ràng.

Khắc phục điều này, được biết, Bộ Tài chính đã đồng ý với việc bổ sung Luật Thuế TNCN trong Luật PCTN và trực tiếp chỉnh lý quy định này trong dự thảo đợt tới. Phương án này sẽ được trình, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, tại điều 123 dự thảo Luật PCTN bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1, điều 59, Luật PCTN là “thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần”.

Không loại trừ trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, khi nói về loại tài sản không giải trình được, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cùng một số chuyên gia khác tỏ ra không đồng tình với phương án truy thu thuế mà ban soạn thảo đưa ra. Vì làm như vậy sẽ vi phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền. Nhiều ý kiến đồng tình với việc phải tịch thu tài sản không giải trình được thay vì đánh thuế.  

Giải đáp băn khoăn này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh rằng: Phương án thu thuế này không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý;  tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Luật PCTN, điều này để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được thực hiện sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, kết luận rõ ràng về loại tài sản này. Ngoài ra, dự thảo Luật PCTN cũng quy định về quyền của người kê khai trong việc khiếu nại, hoặc khởi kiện đối với kết luận xác minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều này cũng lý giải một phần quan điểm của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, khi cho rằng: Việc thu hồi loại tài sản này phải qua con đường tư pháp và do tòa án phán xử.

Dự thảo luật PCTN bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN nêu rõ:

Thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 11 Điều 3 luật này là phần thu nhập, giá trị tài sản chênh lệch giữa thu nhập, tài sản thực tế và thu nhập, tài sản đã kê khai hoặc thu nhập, giá trị tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý theo quy định của Luật PCTN.

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm người có nghĩa vụ kê khai nhận được kết luận xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan, đơn vị xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN.