Tái cơ cấu Đỏ da thắm thịt?

TP - Tối 10/12, tại Hà Nội, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong đã đón một sự kiện “song hỉ”. Thứ nhất trở thành ngân hàng lần đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu được nhận bằng khen của Thủ tướng với thành tích xuất sắc về tái cơ cấu. Bên cạnh, ngân hàng quyết định “lột xác” trên phương diện thương hiệu.

> TienphongBank ra mắt nhận diện thương hiệu mới

Phát biểu tại buổi lễ , ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch HĐQT Tienphongbank không giấu được sự xúc động. Ông Phú hồi tưởng lại: Ngân hàng Tiên Phong được thành lập tháng 5/2008, một ngân hàng trẻ nhất trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế và trong nước xuất hiện nhiều khó khăn thách thức, đồng thời do yếu kém về công tác quản trị điều hành nên ngân hàng Tiên Phong bộc lộ những nguy cơ và rủi ro trong nhiều mặt hoạt động.

Nợ xấu tăng cao trên 6,4%, khả năng thanh toán kém, chất lượng tín dụng và tài sản giảm sút nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất vốn điều lệ dưới quy định, bộ máy điều hành thiếu năng lực. Thậm chí, Tổng giám đốc bị vướng vào vòng lao lý.

“Và một năm rưỡi đã qua toàn hệ thống của Ngân hàng Tiên Phong đã quyết tâm cao độ không những đã thực hiện được mục tiêu hoàn thành 2 giai đoạn đầu tiên là khắc phục và củng cố mà còn nhanh chóng bước sang giai đoạn hòa nhập với sự phát triển chung của toàn ngành Ngân hàng rút ngắn thời gian về đích của quá trình này trước 1 năm.”- Ông Phú nói giọng đầy tự hào.

Có một điều ông Phú không nhắc tới nhưng nghe bạn bè trong giới cùng làm ăn khi đó kể lại: việc ông chủ tập đoàn vàng bạc đá quý Doji bất ngờ “nhảy” vào lĩnh vực ngân hàng khiến tất cả bạn hàng hết sức kinh ngạc. Vì mấy lẽ: lúc đó thị trường ngân hàng đang trao đảo, thanh khoản nhiều ngân hàng trong đó có Tiên Phong gần như cạn kiệt. Lãi suất huy động bị đẩy lên mức 18-20%/năm.

Một bạn vàng của ông từng chia sẻ với người viết thời điểm đó: Chỉ duy số tiền ông và gia đình đổ vào khi đó người ta ước tỉnh phải lên cả ngàn tỷ. Chỉ cần “bác ý ngồi im hưởng lãi đã đủ ấm rồi”. Thứ nữa , cũng nhiều băn khoăn lắm. Ai cũng biết sở trường của ông phần nhiều là lĩnh vực vàng bạc đá quý, nay bỗng tay ngang ngân hàng liệu có ổn không?

Điểm lại những gì Tiên Phong đang có, theo ông chủ ngân hàng này, kể từ khi chính thức bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ tháng 7/2012 đến nay Ngân hàng Tiên Phong đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Vốn điều lệ tăng từ 3.500 tỷ lên 5.550 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng gấp đôi, tăng trưởng tín dụng tăng gấp 2 lần, chất lượng tài sản và chất lượng tín dụng được nâng cao và cải thiện rõ rệt.

Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 6,4% xuống mức 2,7%. Số lượng khách hàng tăng gấp 3 lần. Lợi nhuận kể từ thời điểm tái cơ cấu đến nay đạt được gần 500 tỷ... “TPBank đã lấy lại được niềm tin và được đánh giá cao của khách hàng từ các Tập đoàn, Tổng công ty lớn đến các khách hàng cá nhân”- Ông Phú tự hào.

Giai đoạn 2001 - 2010, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu mở rộng và tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Tuy nhiên, cũng chính từ dự phát triển nóng này mà hệ luỵ của bức tranh ngân hàng đang phải hàng ngày hàng giờ giải quyết những vấn đề tổn tại nhất là liên quan đến sự sống còn của ngân hàng và ảnh hưởng đến hệ thống.

Câu chuyện của TPBank chỉ mới là một ví dụ điển hình về tái cơ cấu. Nhưng cũng là một trường hợp hy hữu khi có một ngân hàng mà cổ đông lớn đã chủ động tự thân rất nhiều trong chiến lược làm mới, vực ngân hàng đứng dậy. Còn hiện tại, rất nhiều ngân hàng vẫn đang loay hoay chưa tìm ra “ánh sáng”.

Người xưa có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”. Trong nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp cụ thể “tự cứu mình” vẫn là cách tốt nhất thay vì ngồi chờ “sung rụng”.

Theo Báo giấy