Những tê giác con ngơ ngác không nhận ra bố mẹ vì bố mẹ chúng đã mất sừng, những gấu con mồ côi vì đấng sinh thành của chúng bị bắt và lấy mật. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ sừng tê và mật gấu lớn nhất thế giới.
Cùng thời điểm, ông Trầm Bê công bố đã mất đôi sừng tê giác mà theo đồn đoán là nặng 4kg, giá 4 tỷ đồng.
Thực ra, nếu khổ chủ không bị trộm, không xót xa kêu lên hoặc không công bố thì ít ai biết những người giàu ở Việt Nam đang có những thứ quý giá như thế nào trong nhà.
Hai năm trước, một quan chức mất đôi lọ độc bình trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nam ca sỹ H từng kêu lên anh bị mất trộm hơn 200 ngàn đô la Mỹ tại một khách sạn ở Hà Nội.
Nhiều cán bộ ở một thành phố lớn của miền Trung mấy năm trước bị tên siêu trộm viếng thăm, mỗi nhà hắn trộm được hàng chục cây vàng (đóng góp lớn vào số 400 tấn vàng đang “chôn” trong nhà dân).
Một bà mẹ mang dáng vẻ nghèo khó mất đi, để lại gần 100 tỷ đồng và hỗn loạn những tranh chấp giữa những đứa con.
Sở hữu là quyền của mọi công dân, không ai ngăn cấm. Nhưng người sở hữu vì tương lai, vì mục đích thiện nguyện khác hẳn người sở hữu để trưng trổ và để thỏa mãn niềm tin mù quáng.
Mật gấu và sừng tê được cho là bổ âm bổ dương bổ đủ thứ, tại sao người Trung Quốc – tiêu thụ mạnh hai món này – lại không thọ bằng người Nhật Bản?
Xót xa nhất là niềm tin ấy lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ công chức. Như lời ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn – nói tại một cuộc họp về nạn tàn sát rừng và động vật ở Tây Nguyên: Ý chí lực lượng kiểm lâm hiện xuống thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa! Tất cả quán xá, từ người có tiền đến cán bộ đều tiêu thụ động vật hoang dã rất bình thường. VQG gì mà đi suốt đêm này qua đêm khác chẳng thấy mắt thú bắt đèn!
Rất đơn giản: Những con thú đang đi tìm mama.