Trong những ngày làm cả nước sóng gió vì tin đồn tượng Phật "giống mình", thầy Thích Minh Phượng tạm lánh an dưỡng vài ngày ở một ngôi chùa thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, cách chùa Chân Long nơi ông làm trụ trì chừng 20 km. Về vụ việc ở Chân Long, ông nói: "Tôi bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Giờ đi đâu người ta cũng nhìn tôi như tội phạm. Tôi mất hết uy tín, làm sao còn tu được ở chùa nào. Mà ở nhà thì người ta hành hung, gây áp lực. Họ còn tìm đến tận quê nhà tôi trước khi đi tu để tung tin đồn ác ý nói là tôi bị truy tố, phải đi tù".
PV: Trong hoàn cảnh này, thầy giải thích thế nào với dư luận về tin đồn cho đúc bức tượng Phật giống mình để đưa vào chùa?
Thầy Thích Minh Phượng: Ủy ban xã cũng có hỏi đây có phải tượng của thầy không. Thầy nói rằng là khi tôi còn đang trẻ thế này, mà tôi còn đang sống, không một người nào tự đúc tượng mình, xong đặt lên bàn thờ để thờ sống mình cả. Chú thấy như thế có đúng không? Đạo lý của người Việt Nam nói một người chết đi mới được đưa lên bàn thờ để thờ.
PV: Nhưng như thế chưa đủ để phản bác dư luận nói thế là võ đoán, thưa thầy.
* Bức tượng này không phải là tôi đặt đúc, mà do một Phật tử trong làng tên Chu Thị Nụ cúng dường. Bà đặt làm tượng từ ảnh mẫu ở chùa Hoa Hiên chụp tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khi ngài đang chiêm kiến, mở mắt ra phổ độ chúng sinh, nhìn rất là đẹp.
Tôi có nói với bà ngày xưa chuyện mang tượng về chùa rất phức tạp. Nhưng bà nói thầy cứ yên tâm, thứ nhất đây là tâm nguyện của con, cũng là người làng. Thứ hai bức tượng bằng đồng rất quý, người ta cho thờ ở chùa làng thì là tốt, không thì con đem sang chùa khác cúng dường. Bà nói thế nên tôi chấp thuận tiếp nhận.
Một tuần sau, tôi ra báo cáo ủy ban và có đơn thư kèm theo, trình bày một doanh nghiệp cúng dường pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 350 kg, cao 1m.
Anh Huấn, chủ tịch xã nói, ông ghi nhận tấm lòng của Phật tử dù chưa biết tượng thế nào. Nhưng ông cũng phê bình tôi chuyện nhận tượng xong mới ra báo cáo. Tôi thấy đây cũng là một phần sai sót của tôi. Ông hỏi tôi đặt ở đâu thì tôi bảo đặt vào một chỗ trống trên tam bảo (chùa chính) vì người cúng dường có tâm nguyện như vậy.
Sau đó, anh Toàn phó chủ tịch xã giải thích Luật di sản, yêu cầu trong 5 ngày phải hạ tượng xuống và đưa khỏi chùa, muộn nhất là ngày 5/11.
Hôm dời tượng ra khỏi chùa, tôi có chùm chăn lên pho tượng và chằng rất kỹ vì tuy nó bằng đồng nhưng được thết lên một cây vàng. Người ta lại yêu cầu cho xem có đúng là pho tượng mới hay không, rồi có người hô lên đó là tượng của tôi.
Tôi lấy làm lạ là chuyện này đúng hay sai thì người làng đã biết từ trước, trong những ngày tượng được đặt trong chùa. Nên tôi cho việc tung tin này là một sự cố ý.
PV: Người ta cũng đang đặt vấn đề về sự "biến mất" của pho tượng Phật ngọc hoàng nằm trong gian nhà tổ, được cho là tuổi đời trên 300 năm. Thầy giải thích chuyện này thế nào?
* Đó là hôm 23 Tết tháng chạp âm lịch, tức đầu năm 2012, một số Phật tử đến tu tập. Tôi bảo họ đi chấp pháp dọn dẹp nhà chùa. Tôi thấy tượng bị mối đùn lên ở rất nhiều vết nứt. Người ta xê dịch thì tượng vỡ tung ra, chỉ còn phần đầu, bờ vai và một số phần thân.
Các bà rất hoang mang, tôi nói họ cho vào bao tải mang ra sông rửa và hạ thủy, vì trong chùa không có tháp để chứa tượng vỡ. Tin lại đồn, nói là tôi đập tượng để lấy 10 ký vàng.
Thông tin khác lại nói tôi đã bán tượng. Trước khi xã ra vớt tượng lên, các bà (làm vỡ tượng) lại ra vớt trước khiến dân ùm lên nói là chứng cứ giả. Công an đã vào cuộc vụ này. Thử hỏi nếu tôi thực sự đi bán tượng, giờ tôi còn ngồi đây không?
PV: Báo cáo của UBND xã ghi nhận sau khi tượng Phật ngọc hoàng trống ở gian giữa nhà tổ, thầy cũng tự ý chuyển tượng Phật A Di Đà xuống nhà tổ và đưa pho tương mới Thích Ca thay vào. Ngoài ra các tượng cổ khác ở nhà tổ cũng được đặt sang các gian hai bên để thờ 14 bức tượng mới. Vì sao vậy?
* Nhóm 14 tượng là nếp tượng mới thờ mẫu, gồm tam tòa thánh mẫu, ngũ vị tôn ông, Đức Thánh Trần, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười..., đều do các Phật tử cúng dường.
Chùa không có những tượng này trước khi tôi về, cũng thiếu hoành phi, câu đối và cửa võng, nhưng lại có tới hai tượng Phật ngọc hoàng, hai tượng A Di Đà. Tôi là người giữ lịch sử văn hóa, nhưng chuyện thừa thiếu này tôi phải giải thích thế nào? Chẳng lẽ tôi là người vô văn hóa à?
Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, những người có nghiên cứu đã biết ít nhiều. Còn những người kiện về việc này đa phần những người trẻ, ít khi sinh hoạt ở chùa.
PV: Không chỉ chuyện các bức tượng, thầy được báo cáo đã vi phạm Luật di sản qua việc cố ý xây nhà vệ sinh tự hoại ngay bên hông chùa chính...
* Nhà vệ sinh đã nằm ở đó từ trước khi tôi về, nhưng chỉ là tường gạch và lợp mái xi măng. Về mùa khô rất thiếu nước nên có người đề nghị tôi xây trần để lắp bình chứa nước bên trên. Tôi chỉ xây lại đúng vị trí đó cho tiện sinh hoạt, lại gần giếng nước. Người ta đề nghị tôi xây nhà vệ sinh ở khu vực phía cổng, ngay chỗ nhà để xe.
Nhưng như thế rất bất tiện vì chẳng lẽ mỗi lần tắm tôi lại phải xách đồ đi vòng qua cổng? Mà chẳng lẽ, chỗ để xe không thuộc khu vực di sản? Người ta có giải thích với tôi về Luật di sản, nhưng tôi thật không hiểu.
PV: Sự im lặng của thầy vài ngày qua khiến dư luận nghĩ rằng thầy đang "trốn", thầy có định xuất hiện để đối thoại cùng dư luận trong làng?
* Có. Ngày mai, 11/11, tôi sẽ về làng làm việc với UBND xã. Mấy ngày qua tôi rất sốc nhưng phải giữ sức khỏe. Tôi bị bệnh tiểu đường, không thể để mình bị những xúc động tâm lý quá mạnh.
Theo Minh Chánh
Vietnamnet