Đất Phùng Xá vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Theo người dân nơi đây, nghề này dễ có đến hàng trăm năm nay. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, khủng hoảng…, nhưng bây giờ về đến vùng đất ven sông Đáy này vẫn có cảm giác của một vùng đất canh cửi thuở xưa. Dẫu những triền đê ngút mắt dâu xanh không còn nữa, nhưng tiếng máy kéo sợi, máy dệt vẫn vang lên trong khắp đường quê, ngõ hẻm. Người dân nơi đây vẫn sống được bằng nghề dệt, đặc biệt là dệt khăn không chỉ mang lại thu nhập cho hơn 80% số hộ mà còn tạo việc làm cho gần 5 nghìn lao động trong và ngoài xã.
Nằm sâu trong xóm Hạ, xưởng sản xuất của Cty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức khá yên lặng. Không có tiếng máy chạy, không có tiếng lách cách thoi đưa… Ít ai ngờ đây là nơi sản xuất những sản phẩm đặc biệt từ những công nhân đặc biệt - công nhân tằm. Nhưng bất ngờ hơn với chúng tôi là Giám đốc Cty lại là một phụ nữ hơn 60 tuổi, mảnh khảnh, có phần nhỏ bé và tự nhận chỉ học xong cấp 2.
Bà Phan Thị Thuận kể rằng, cả hai bên gia đình nội, ngoại của bà đều gắn bó với nghề dâu tơ tằm này đã ba đời nay. “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” là những gì mà người mẹ tần tảo đã truyền cho bà, nên bà coi nghề nuôi tằm, dệt vải như một phần máu thịt của mình. Bà đã đi khắp miền Nam, Bắc để hướng dẫn người dân ở các vùng khác nhau chăn tằm, dệt lụa.
Bắt tằm dệt chăn
Mấy ai nghĩ đến việc mỗi con tằm có thể trở thành một công nhân cần mẫn, tự giác làm việc cho bà hằng ngày cho đến tận lúc hóa sang kiếp khác. Làm sao thuần phục một giống côn trùng mà vòng đời chỉ có khoảng 35 ngày? Đã hàng nghìn đời nay, những chiếc kén vàng óng mới là sản phẩm của con tằm, bởi đó là ổ, là nơi nghỉ ngơi để chuẩn bị hóa sang kiếp khác. Nay bà bảo chúng không kéo kén mà đi dệt cả cái chăn phẳng phiu cho con người. Bỏ cái tự nhiên, theo cái phi lý ấy, chắc chỉ có bà Thuận làm được.
“Đó là sản phẩm kết hợp tuyệt vời của những liên kết tự nhiên và sự sắp đặt có chủ ý của con người. Các sợi tơ được nối với nhau chặt chẽ thông qua những phản ứng theo tập tính của con tằm, nhưng lại đều hơn tất cả các loại máy móc hiện đại”.
Ông Bùi Mạnh Hải -
Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội
Bà Thuận phản ứng khi chúng tôi hỏi rằng liệu đó chỉ là sự tình cờ. Tình cờ sao được khi lúc nào bà cũng thường trực trong đầu những suy nghĩ làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm tơ tằm? Tình cờ sao được khi cả mấy đời gia đình bà đã gắn bó với con tằm để nhìn qua là bà đã có thể biết con tằm ấy nhả được bao nhiêu mét tơ, khi nào bắt đầu nhả và kết thúc vào lúc nào? Tình cờ sao được khi chính ông Lê Đăng Hạ, chồng bà, còn phải phát ghen bởi thấy bà suốt ngày lúi húi với mấy nia tằm, tơ?
Bà say mê nghiên cứu tập tính của tằm để rồi phát hiện tằm luôn cần một điểm tựa để nhả tơ, đóng kén. Nhưng nếu không cho tằm một điểm tựa, tằm vẫn phải nhả tơ. Đó là khi lượng tơ trong ruột đầy đến tận cổ. Thế là bà cho tằm vào những vật dụng có mặt phẳng tương đối. Cả một ngày đầu, tằm không chịu nằm yên, chúng loay hoay tìm điểm tựa và không chịu nhả tơ. Bà cố chờ đến hôm sau và chúng đã ngoan ngoãn phun tơ trên những mặt phẳng định sẵn. Hàng nghìn, hàng vạn con tằm như những công nhân cần mẫn bắt đầu công việc của thợ dệt chính hiệu. Đó cũng là lúc bà vỡ oà trong niềm hạnh phúc khôn tả và dần hình dung ra hướng đi mới cho làng nghề tơ tằm Phùng Xá.
Giá trị đặc biệt
Theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội, chăn do tằm tự dệt có nhiều giá trị đặc biệt. Đó là sản phẩm kết hợp tuyệt vời của những liên kết tự nhiên và sự sắp đặt có chủ ý của con người. Các sợi tơ được nối với nhau chặt chẽ thông qua những phản ứng tự nhiên của con tằm, nhưng lại đều hơn tất cả các loại máy móc hiện đại. Bà Thuận cho chúng tôi kéo thử; quả là chăn rất khó bung ra dù cho là sản phẩm tập thể của hàng nghìn công nhân tằm khác nhau. Nhưng để có một tấm chăn thực thụ, chủ tằm cần phải biết sắp đặt cho từng vị trí, căn cứ vào khả năng sinh tơ của từng công nhân. Trong vòng 4 ngày đêm liền không ngơi nghỉ, những chú tằm có thể hoàn thành một tấm chăn theo yêu cầu. Con người chỉ cần may lại bên ngoài cho ngay ngắn và đưa vào luộc để tẩy cho tan keo màu vàng của tằm. Theo bà Thuận, những chiếc chăn do tằm sản xuất này không bị bắt lửa, nên có thể ứng dụng cho những sản phẩm trong lĩnh vực có đòi hỏi cao về vấn đề này.
Bà Thuận sắp đặt để “công nhân” tằm nhả tơ tự dệt.
Đến nay, các sản phẩm từ tơ do tằm tự làm đã được bà triển khai theo nhiều hình thức như chăn, ga, khăn, thậm chí quần áo… với giá trung bình 4 triệu đồng/kg (cao hơn gần 3 lần so với sản phẩm thông thường do con người sản xuất). Hiện nay, sản phẩm làm ra không đủ bán, người nào muốn mua thường phải đặt trước hàng tháng. Nhiều du khách nước ngoài rất thích các loại sản phẩm này. Tại một triển lãm sản phẩm mới đây, chăn từ tơ tằm tự dệt của bà nhận được 17 đơn hàng từ nước ngoài.
Trăn trở mở rộng
Bà Thuận hiện có một cơ sở sản xuất với hơn 300 m2 và gần 20 người làm việc với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà thu mua tằm cho khoảng 50 hộ trong xã, nhưng vẫn chưa đủ để sản xuất.
Ước mơ của bà Thuận là đưa Phùng Xá đến với thời kỳ đỉnh cao của nghề tơ tằm, đưa tấm bông tơ tằm do tằm tự dệt trở thành một sản phẩm mũi nhọn, phổ thông hóa tại địa phương. Nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đủ đam mê để làm công việc này. “Bây giờ cứ nhận bông của các công ty về dệt, mỗi tháng mỗi người trong xã cũng kiếm được cả chục triệu đồng thì mấy ai dại gì để làm những công việc tỉ mẩn này”, bà Thuận nói. Thế nên, người được bà truyền nghề duy nhất hiện nay mới có anh con trai cả của bà là Lê Đăng Nam.