Vì sao có điều này? - Lý giải từ các nhà môi giới đã “vẽ” ra đường đi lòng vòng. Đầu tiên là chủ đầu tư do muốn làm giá nên thay vì bán ra ồ ạt, họ nhỏ giọt, tạo khan hiếm nguồn cung giả. Kế đến là các công ty môi giới hoặc giới đầu cơ, nhanh chóng “thâu tóm” những mảnh, lô đất đẹp. Rồi sau đó, nước ba là những người “lắm của nhiều tiền”.
Sẵn tiền, họ mua lại rồi vứt đấy, để chờ khi giá thật hời mới bán lại kiếm lời. Như vậy, qua 3-4 nấc, với mục tiêu của người nắm giữ kinh doanh bất động sản, đất nào nếu biết phù phép cũng là cơ hội cho lợi nhuận cao thế nên giá đất tăng đến chóng mặt.
Đó là chưa kể việc muốn “thổi” giá, tạo “cầu” mạnh ở khu đất nào, tay buôn có hạng hay chủ đầu tư chỉ cần quẳng ra một vài ba tỷ, cho một đám “cò” đất múa may, tạo một vài giao dịch, hiệu ứng tăng giá sẽ ào ào.
Còn nhớ, cách đây chừng 2 năm, khu vực phía Tây Hà Nội đã thực sự trở thành “tâm bão” gây ra cơn sốt giá để rồi từ đó lan rộng ra toàn bộ các vùng lân cận Thủ đô. Giá đất sốt hừng hực, đến mức người người, nhà nhà đi buôn đất. Có những vùng người dân chẳng làm gì được ngoài chuyện lo tiếp khách đến mua.
Khó ai có thể ngờ, một mảnh đất trăm mét chỉ mua trong vòng 3 tháng, chủ đầu tư của nó đã kiếm lời tiền tỷ. Thế nhưng lúc giá rớt thê thảm, có ai biết đến những “hệ luỵ” thương đau của những nông dân “tập tọng” thành nhà buôn.
Có gia đình ở khu vực Ba Vì, vay nặng lãi để ôm mảnh đất gần 2 tỷ đồng mà trước đó chỉ có giá 600 triệu đồng. Khi thị trường “rơi” tự do , họ năn nỉ nhà kia hãy hoàn lại phần tiền 1 tỷ đã trả trước và sẵn sàng trả 200 triệu đồng tiền phạt. Trước câu trả lời là không, mảnh đất hương hoả tổ tiên để lại rộng cả ngàn mét đã cầm cố ngân hàng có nguy cơ mất trắng.
Nhân rộng câu chuyện đất phía Tây Hà Nội sang bất cứ khu vực, địa phương nào, cũng có thể tìm thấy lời giải cho câu chuyện đất cát vì sao hay sốt? Cái sự nóng - lạnh của thị trường bất động sản suy cho cùng đều khởi nguyên từ sự u u, minh minh, tranh tối, tranh sáng, thiếu minh bạch của thị trường cũng như cơ chế quản lý nó.