Sóng Viettel trùm phủ xứ Inca

TP - Mạng viễn thông Bitel của Viettel sau một năm bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Peru, một quốc gia tương đối phát triển ở Nam Mỹ đã thu hút hơn triệu thuê bao, đang từng bước trở thành đối thủ của các đại gia viễn thông sở tại.
Xe của Bitel trên đường đi xây dựng hạ tầng của mạng giữa núi non Peru.

Những ngày đầu và trung tuần tháng 10, Viettel Peru với cái tên Bitel đã tổ chức một loạt sự kiện gồm có họp báo rộng rãi với sự tham dự của đại diện hơn 30 tờ báo, “happy event” nội bộ gồm các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí để kỷ niệm 1 năm (15/10/2014 - 15/10/2015) ngày khai trương mạng, chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tôi cùng một nhóm nhà báo Việt Nam có mặt ở Peru vào thời điểm đó. Lắp cái sim anh em Bitel đưa, bật điện thoại thấy hiện lên chữ Bitel và cột sóng căng đét, tự nhiên bật xúc cảm tự hào. Vậy là sóng Viettel, về bản chất vật lý chắc chẳng có gì khác biệt so với sóng tương đồng của các nhà mạng khác, nhưng lại rất đặc biệt về ý nghĩa kinh tế, văn hóa, tinh thần và có thể nói là cả chính trị, ngoại giao nữa, tóm lại là một thứ sóng Việt, đã trùm phủ lên phần chính rộng hơn triệu cây số vuông vương quốc xưa của thổ dân da đỏ Inca, giờ là Peru. 

Ý nghĩa đó càng lớn nếu biết rằng thị trường viễn thông ở đây trước khi Viettel nhảy vào đã bị phân chia bởi các đại gia Movistar của Tây Ban Nha, Claro của Mexico và Entel của Chile. Cũng cần phải biết rằng Claro thuộc sở hữu của một trong những đại tỉ phú giàu nhất thế giới Carlos Slim. Và là người Việt thì chắc có khoái cảm thực sự khi nghe Viettel đầu tư vào Peru, một nước không chỉ cách quê nhà nửa vòng trái đất muốn bay đến cần gần 30 tiếng đồng hồ mòn mỏi trên khoang máy bay và ở các sân bay để chờ nối chuyến mà còn là nước có GDP đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam.

Ưu thế của việc đi sau

Tôi hỏi Hoàng Quốc Quyền - giờ đang cầm lái Bitel rằng tại làm sao mà Viettel lại dám chen chân vào một thị trường nơi các đối thủ mạnh như 3 nhà mạng mang tầm thế giới, ít nhất là châu lục kia (họ phủ sóng khắp Nam Mỹ) đã đứng chân vững chắc? Chàng trai sinh năm 1982, trở thành Tổng giám đốc Bitel năm 2012, tức 1 năm sau khi Viettel bắt đầu triển khai xây dựng mạng viễn thông ở đây sôi nổi rằng với người kinh doanh ở bất cứ đâu cũng có cơ hội, và chắc lãnh đạo của Viettel đã nhìn thấy ưu thế vượt trội của mình - kẻ đi và đến sau - là sở hữu công nghệ mới nhất, một yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với ngành kinh doanh này. Ba đại gia kia vào Peru đã lâu, hạ tầng của họ một phần khá lớn đã được xây dựng nhiều năm trước, công nghệ cũ, để chuyển hoàn toàn sang công nghệ mới nhất cần có thời gian và tiền bạc. Mình vào một cái là chơi ngay chỉ toàn sóng 3G, sắp tới là 4G (trong khi đổi thủ vẫn lốm đốm 2G ở nhiều nơi), internet thì cáp quang kéo rộng khắp, cung cấp cho người Peru một thứ dịch vụ tốc độ cao và ổn định (trong khi đội bạn vẫn tạm phổ biến dùng viba, visat do đã đầu tư trước).

Điều Bitel làm được cần tổng kết là xây dựng hạ tầng nhanh mà các đối thủ không thể làm được khiến họ bất ngờ.

Gonzalo Ruiz – 

Chủ tịch Ủy ban Giám sát viễn thông Peru

Chắc bởi thế mà sau 1 năm đi vào hoạt động, Bitel đã đạt 1 triệu thuê bao, hay cái nữa là tốc độ tăng trưởng thuê bao cứ tháng sau tăng hơn tháng trước. Mục tiêu nhắm đến của Bitel là sau khoảng hai năm, đạt 3 triệu thuê bao, “giật” 10% thị phần khỏi tay các đại gia.

Nghe vậy thì mừng vậy nhưng cũng vẫn hơi băn khoăn ái ngại chẳng biết bao giờ Viettel thu hồi được số vốn gần 300 triệu đô la đã đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới? Hoàng Quốc Quyền trấn an nếu tốc độ tăng trưởng đúng dự kiến, mà khả năng là thế, thì cái việc làm nặng tâm trí bất cứ người đi kinh doanh nào kia chẳng mấy chốc mà xong. 

“Mức thu trung bình từ thuê bao Peru cao hơn nhiều so với các thị trường khác mà Viettel đang có: khoảng 8 - 9 đô kia. Giờ em có triệu thuê bao tức ngót 10 triệu đô tháng, trả lương hết cỡ triệu, sang năm đạt 2 triệu thuê bao có 20 triệu tháng, cân bằng thu chi, rồi lên 3 triệu thuê bao, là cỡ 300 triệu đô năm rồi. Chỉ mấy năm là hoàn vốn”.

Vượt qua va chạm văn hóa

Nghe có vẻ ngon ăn? Đứng ngoài nhìn vào thì vậy, nhưng thực tế cũng lắm nhọc nhằn. Hoàng Quốc Quyền chia sẻ: “Có một loạt cái khó, nhất là người Peru hầu như chẳng biết gì về Việt Nam cả. Những người đứng tuổi thì còn loáng thoáng biết về chiến tranh Việt - Mỹ, giới trẻ chẳng biết gì. Ngay đến các cơ quan nhà nước hữu quan gần đây mới hiểu dần Việt Nam qua đàm phán TPP. Rồi nữa văn hóa khác biệt, người Peru giữ một nếp sống, nếp làm thư thả, tà tà chả vội đi đâu, hẹn 10 giờ sáng, 2 giờ chiều đến là chuyện thường. Năng động, sáng tạo là giá trị cốt lõi của Viettel, nhưng người lao động bản địa tuy trách nhiệm lại thường chỉ làm đúng những gì được phân công, hướng dẫn, nói thẳng ra là máy móc. Làm việc với nhau, bọn em phải cố gắng kéo các bạn Peru đi cùng tốc độ với mình, dần dần rồi các bạn cũng quen”.

Hơn 4.000 trường học Peru được Bitel cung cấp Internet miễn phí.

Nói về khác biệt văn hóa, nhất là văn hóa làm việc dẫn đến xung đột, Trương Vũ Sơn - Trưởng phòng Truyền thông Bitel dở nhăn nhó dở cười: “Mình họp, có chuyện bức xúc, nói cao giọng tí nhân viên người Peru có thể viết đơn kiện liền. Một tay làm máy tính, mình giao cài chương trình cho 2 máy, làm từ sáng đến chiều mới xong. Giao làm 10 máy, cũng chỉ cần từ sáng đến chiều là xong. Dịp kỷ niệm 1 năm này, việc nhiều như thế, trưởng một ban trong phòng Truyền thông của em lại báo nghỉ phép.  Em bảo việc ngập, nếu đi nghỉ dịp này thì suy nghĩ xem có nên làm ở Bitel nữa không? Sáng hôm sau bạn đưa đơn xin nghỉ việc liền. Em gọi lên phòng ôn tồn bảo bạn nghĩ đi, kỷ niệm 1 năm của mình là việc trọng, nghỉ phép thì lùi lại mấy ngày có sao. Bạn trình bày lý do bảo là vé máy bay rồi mọi thứ đặt trước hết rồi”.  “Rồi chuyện kết thúc ra sao?” - Chúng tôi tò mò. “Vẫn làm chứ ạ, sau đó bạn gặp riêng và nói bạn cũng yêu Bitel và đã cân đối kinh phí để lùi chuyến bay lại”.  Ngô Anh Đức - Giám đốc chi nhánh  Bitel vùng Apurimac (vùng giống như tỉnh ở ta) mà chúng tôi tình cờ gặp trong nhà công vụ của anh em chi nhánh vùng Cusco cũng kể “họp bực mình lỡ vỗ tay hơi mạnh xuống bàn cái cũng bị kiện”.


Ngôn ngữ cũng là một rào cản. Ít người Viettel biết tiếng Tây Ban Nha. Người Peru thì cũng chẳng khá tiếng Anh. Ở cấp cao còn đỡ chứ ở  địa phương,  làm vừa học, sau một thời gian, trong công việc nhiều anh em nói với đồng sự người Peru một thứ ngôn ngữ lẫn lộn các thứ tiếng Việt - Anh - Tây Ban Nha. Thế mà rốt cuộc rồi cũng hiểu được nhau.

Chuyên viên và thợ kỹ thuật Bitel vượt mọi khó khăn để thi công.
Nhưng đó chưa hẳn đã là cái khó nhất. Chúng tôi đã không làm việc được với Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc chi nhánh Bitel vùng Cusco (thủ đô của Đế quốc Inca xưa) dù đã hẹn trước vì hôm đó anh đột xuất phải đi đàm phán với những người dân ngăn cản việc xây dựng một trạm BTS đến 10 giờ đêm vẫn chưa về. Cuộc gặp sáng hôm sau lại cũng không thành được bởi anh lại đột ngột lên đường từ sáng sớm do sự cố tương tự lại vừa xảy ra với một trạm khác. Hoàng Quốc Quyền cho biết những chuyện như thế không hiếm, đặc biệt dân cư thành phố vẫn có tâm lý sợ trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe. Có trường hợp đã xảy ra việc đốt phá trạm. Gặp những trường hợp như thế mình giải quyết thế nào?  -  Chúng tôi hỏi. 

“Bọn em phải đi đàm phán thuyết phục dân, nhờ chính quyền địa phương, tuy rằng khó vì chủ tịch các cấp chính quyền do người  dân bầu trực  tiếp nên luôn tỏ ra đứng về phía  dân dù biết dân quá lo xa. Lại phải nhờ các cơ quan chức năng của Peru đến vận động giải thích là trạm BTS không có hại. Nếu vẫn không xong thì đành xin đặt trạm ra các vị trí công cộng, ngụy trang đi…” - Quyền nói.

Thực sự là ngoại giao nhân dân

Trước khi hơn 200 cán bộ, nhân viên Viettel đổ bộ để xây dựng Bitel, ở Peru có lẽ chỉ có chưa đến 10 người Việt. Trước hết là nhóm dăm sáu người của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thường trú ở đây do Petro Việt Nam có quan hệ làm ăn. Ngoài ra có mấy trường hợp trước đó lưu lạc mỗi người mỗi cảnh. Một người nghe đâu quê Hà Tĩnh là thuyền viên tàu đánh cá Đài Loan bị đối xử tàn tệ quá nhân một lần tàu cập gần bờ Lima ở lại luôn, lúc đầu lê la xin việc khắp nơi để đi làm thuê, rồi tích lũy gom góp mở quán ăn, rồi ăn nên làm ra có quán ăn, có nhà sang, có xe đẹp.  Một người khác du học Ukraina, gặp yêu và theo chồng người Peru về xứ này… Họ là hạt muối bỏ biển trong 30 triệu người Peru, trong đó có cả khoảng 3 triệu người Nhật và quãng chừng đó người Hoa. Tóm lại, như đã nói ở trên, người Peru gần như không biết gì về Việt Nam.

Peru địa hình núi cao, rừng rậm, điều kiện thi công rất khắc nghiệt.
Trong bối cảnh như thế, để thành công Bitel phải nỗ lực tiếp xúc, vận động, truyền thông để các bạn hiểu về Việt Nam. Nghe chuyện Viettel đầu tư, người Peru ngạc nhiên và không tin là doanh nghiệp một nước châu Á, một nước cộng sản, lại chỉ mới đang phát triển, còn ở phía sau khá xa so với Peru có thể đầu tư và thành công ở đây. Người Viettel đã thuyết phục các bạn bằng lòng quyết tâm, sự chân thành, tử tế. Từ những việc căn bản: Đúng hẹn, đúng giờ trong làm việc hằng ngày và đúng cam kết trong tiến độ xây dựng hạ tầng. Đến thời điểm khai trương bắt đầu cung cấp dịch vụ tháng 10/2014, có trong tay khoảng hơn 2.000 trạm BTS, 16.000 cây số cáp quang, phủ sóng 90% các khu vực có dân cư của đất nước rộng hơn một triệu cây số vuông (gấp 3 lần Việt Nam) mà địa hình chủ yếu là núi non thuộc dãy Andes và rừng rú thuộc đại ngàn Amazon, Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền tổng kết với ông Gonzalo Ruiz - Chủ tịch Ủy ban Giám sát viễn thông tư nhân Peru (Osiptel) rằng Bitel đã làm được 3 việc trong vòng hơn 3 năm chuẩn bị (2011-2014): Một là phổ cập mạng 3G Only; Hai là xây dựng được hệ thống đường trục cáp quang chỉ trong đôi ba năm; Ba là cung cấp Internet tốc độ cao.  Vị quan chức thay mặt nhà nước Peru quản lý các nhà đầu tư viễn thông nói rằng có một thứ Bitel làm được cần tổng kết là xây dựng hạ tầng nhanh mà các đối thủ không làm được khiến họ bất ngờ. Cách làm của Viettel đã gây được thiện cảm của quan chức Peru. Hồi tháng 10 năm trước, không chỉ ông Gomzalo Ruiz mà cả ông Bộ trưởng bộ Giao thông và Viễn thông của Peru Ông José Gallardo Ku cũng đến để cùng Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn và Tổng Giám đốc Bitel Hoàng Quốc Quyền ấn nút khai trương mạng. Hôm 15/10 họp báo sinh nhật đầy năm của Bitel, ông Gonzalo Ruiz lại đến cùng ngồi chủ trì với Quyền và nói những lời tốt đẹp về hoạt động của Bitel.
Từ trái qua: Chủ tịch Ủy ban Giám sát viễn thông Peru Gonzalo Ruiz, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Viễn thông Peru Jose Gallardo Ku, TGĐ Bitel Hoàng Quốc Quyền, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Viễn thông Peru cùng Phó TGĐ Viettel Hoàng Sơn bấm nút khai trương Bitel.
Ngay việc chọn cái tên cũng là một sự cân nhắc. Không phải là Viettel Peru mà là Bitel. Bi trong tiếng nói và đối với người Peru là nhân đôi lên, chung sức nhân đôi giá trị, nhân đôi thành công. Quan trọng nhất là Viettel muốn xây dựng một thương hiệu mà người Peru dù biết là của Việt Nam vẫn cảm thấy như là của mình. Họ chưa có mạng viễn thông nào của chính người Peru cả. Tên ba ông lớn ngoại quốc kia thì khắp Nam Mỹ nơi nào chả có. Riêng có ở Peru, Bitel sẽ bù đắp cho người dân ở đây cái cảm giác thiếu hụt đó. Chiến lược đặt tên này Viettel áp dụng ở cả 9 nước Tập đoàn đang đầu tư. Chọn tên phù hợp cho mỗi nước, tuyệt đại đa số giữ một hệ số chung là “Tel”.
Trưởng ban Quản lý hợp đồng đầu tư: Người Việt thông minh, năng động, lại rất tình cảm.
Có thể nói là Bitel đã đứng được thăng bằng, nhưng cũng chỉ mới ở những bước đi đầu. Ấy vậy mà đã gây ấn tượng cho bạn bằng nỗ lực đóng góp hoạt động xã hội cho nước sở tại. 10 triệu đô la là giá trị chương trình hỗ trợ internet miễn phí của Bitel cho hơn 4.000 trường học và nhiều cơ sở y tế, giáo dục và cả công sở ở một số vùng cao, sâu.

Tiếng nói bắt đầu có trọng lượng

Một hoạt động mang tinh thần Bitel - Viettel.
Tiếng nói của Bitel bắt đầu có trọng lượng. Hôm lên Machu Pichu - thành quách cổ xưa bằng đá nổi tiếng trên đỉnh ngọn núi cao hai ngàn rưỡi thước, di tích vật chất hoành tráng và quan trọng nhất của người Inca để lại từ sáu bảy trăm năm trước, nhìn vào màn hình điện thoại thấy không còn cột sóng Bitel, về chúng tôi hỏi thì Trưởng phòng truyền thông Trương Vũ Sơn nói dự kiến cuối năm nay Bitel sẽ phủ sóng vùng di tích quan trọng nghìn nghịt khách du lịch năm châu bốn biển này. Chuyên viên Phòng Khách hàng Doanh nghiệp Nguyễn Quang Vương cho biết Bitel sẽ không dựng cột kéo dây trên quãng đường rừng núi dài gần 200 cây số từ Cusco tới Machu Picchu mà đang đàm phán với các nhà mạng khác để được dùng hạ tầng có sẵn của họ. “Liệu họ có cho không, đối thủ mà?”- Tôi hỏi. Trương Vũ Sơn cười: “Không lo, họ cũng cần mình nhiều thứ khác mà”. Tóm lại, đã có cái để mà trao đổi với các đại gia.
Cột viễn thông của Bitel vươn cao.
Giờ thì thực sự nhiều người Peru đã biết đến Việt Nam qua kênh Bitel. Biết để rồi cảm mến và gắn bó đồng hành đâu có xa. Cung cách và tính khí người lao động Peru khác biệt là vậy nhưng Hoàng Quốc Quyền tự hào cho biết đã thành nếp sáng thứ 2 đầu tháng nào 1.500 nhân viên Bitel người Peru cũng đứng nghiêm cùng đồng sự Việt Nam chào cờ đỏ sao vàng, nhiều người trong họ còn hát Tiến quân ca.

Hôm chúng tôi đến trụ sở Bitel ở thủ đô Lima, một tòa nhà đẹp nằm ở khu trung tâm (Viettel mua đứt  bảy, tám triệu đô la gì đó sau vài năm giờ được trả giá hơn 20 triệu) trên nóc phấp phới hai lá cờ Việt Nam, Peru (cắm cờ lên trụ sở cũng chẳng phải  nghiễm nhiên, lần đầu không biết đường xin phép bị hạ liền, sau cắm cao lên một chút, rồi xin phép cắm cao lên), các chuyên gia, nhân viên người Peru ngồi xen lẫn các đồng sự người Việt đều rất tươi cười, thân thiện. Thấy rõ là họ thoải mái và hài lòng với môi trường làm việc ở đây. Cô gái xinh đẹp Yesenia Ortiz - trưởng ban Quản lý hợp đồng thuộc Phòng Đầu tư Bitel nói thích làm ở đây vì người Việt rất thông minh, năng động nhưng lại tình cảm, dễ gần. Phải biết là cô gái này từng làm việc ở Mỹ để thấy cái giá trị của việc cô ngồi làm việc và thấy hạnh phúc trong trụ sở của Bitel. Mà trong Bitel giờ cũng không chỉ có người Việt và người Peru, còn có công dân dăm bảy nước khác, mà tuyền thứ nhân lực chất lượng chả phải là thấp đang miệt mài cống hiến. Nghĩ đến việc công dân bao nhiêu nước đang làm việc trong hàng chục cái... Tel ở cả chục nước Á, Mỹ, Phi lại chả sướng sao?