Sống chung với voi rừng

TP - Làm được ba phần thì voi phá hết một phần! Những người nông dân ở các địa phương của tỉnh Đồng Nai thường xuyên bị voi ra phá hoại hoa màu đã ví như vậy khi quanh năm trồng được cây gì đều phải “chia phần” cho voi.
Voi ngà lệch khi không bị xua đuổi tỏ ra thân thiện với người

Trong khi đó dự án bảo tồn voi, tránh xung đột giữa người và voi chậm triển khai vì chưa có kinh phí.

giờ sáng 9/3, khi gia đình ông Đỗ Văn Thiệt ở ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán ra rẫy làm việc thì con voi ngà lệch (dân địa phương gọi là ông ngà lệch) bất ngờ xuất hiện. Mặc cho những người trong gia đình ông Toàn đứng từ xa đập các vật dụng gây tiếng động đuổi voi, nhưng “ông” ngà lệch vẫn đủng đỉnh giật tung 10m hàng rào lưới sắt B40 và quật nhổ bật gốc hết 8 cây mít, 10 cây xoài. 

Phá chán, voi ngà lệch dời sang rẫy ông Trương Văn Sinh. Tại đây, gặp căn nhà giữ rẫy, voi giật tung vách gỗ lùng sục tìm thức ăn trong nhà. Sau khi ăn hết 50kg gạo và 60kg sắn khô của gia chủ, voi ngà lệch lại sang nhà rẫy của ông Hồ Tiến Sinh. Phá tấm vách nứa, rồi ăn tiếp 20 kg gạo và chỉ trở về rừng khi tổ phản ứng nhanh của xã Thanh Sơn đến dùng các biện pháp xua đuổi.

Theo thống kê của Kiểm lâm huyện Định Quán, từ đầu tháng đến nay đã có 3 vụ voi ra phá hoa màu tài sản ở xã Thanh Sơn. Chúng làm hư hỏng hơn 2.000 m2 hoa màu, phá hư 4 nhà giữ rẫy và ăn hàng trăm kilôgam lương thực của người dân. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Định Quán cho biết: “Chúng tôi chỉ có biện pháp lập tổ phản ứng nhanh, dùng đèn, loa phóng thanh để xua đuổi voi đồng thời tuyên truyền người dân tránh xung đột giữa người và voi cũng như khuyến cáo người dân không nên ở lại đêm trong rẫy. Nhưng, nay voi ra cả ban ngày và ra đến tận khu dân cư”.

Trồng cây gì đến mùa thu hoạch cũng bị voi về phá. Xua đuổi riết voi cũng lờn. Nhiều người dân chấp nhận việc voi phá, chứ xua đuổi mãi, sợ voi nổi giận lại quay sang tấn công người. Không ít hộ dân trong vùng phải chuyển qua trồng quýt bởi hầu hết các vườn quýt trong vùng không bao giờ bị voi vào phá. Theo người dân có lẽ voi kị với mùi quýt.

Trong khi người dân khốn đốn, bất an với việc bị voi phá hoại, đe dọa cuộc sống, thì dự án bảo tồn voi của Chính phủ kéo dài hơn mười năm, hết thời hạn vẫn chưa triển khai được. Tiếp đó, dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 lại được khẩn cấp xây dựng và đã được Chính phủ thông qua với mức kinh phí 74,2 tỷ đồng nhưng nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, nơi triển khai dự án cho biết, kinh phí giai đoạn 1 (2014- 2015) của dự án đã được phê duyệt là trên 20,5 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đã chi trên 4,1 tỷ đồng (20%), phần kinh phí trung ương trên 16,4 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được cấp. 

Ngày 20/12/2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch Đầu tư; Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí thực hiện dự án Bảo tồn voi năm 2014. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sự trả lời từ các cấp có thẩm quyền.