Quy hoạch nhân sự BCH Trung ương khóa 13

Soi cán bộ qua lăng kính của muôn người

TP - “Việc lựa chọn cán bộ có thể qua thi cử, hoặc qua bầu cử nhưng người đó phải đưa ra chương trình hành động cụ thể thông qua thuyết trình và có sự cam kết trước tập thể. Nếu vi phạm những cam kết ấy, một là anh từ chức, hai là bị kỷ luật bãi chức”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ.
Ông Lê Thanh Vân

Từng trải nghiệm thực tế luân chuyển về địa phương làm phó bí thư tỉnh ủy, ông Lê Thanh Vân nói: Bài học lớn nhất từ khi có Đảng đến nay đó là bài học về công tác cán bộ. Thực tế chứng minh, cán bộ là gốc của công việc và mọi vấn đề đều bắt nguồn từ cán bộ mà ra.

Tình trạng “tứ ệ” đáng báo động

Thời gian qua có rất nhiều cán bộ cấp cao, kể cả người đương chức hay đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Theo ông, bài học gì về cán bộ cần được rút ra và những giải pháp đề ra từ thực trạng này? 

Tôi cho rằng, bài học trước tiên là vấn đề lựa chọn cán bộ. Để làm tốt điều này, cần đặt ra tiêu chuẩn để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn. Sau đó là phân loại từng nhóm cán bộ tương thích với chức năng lãnh đạo quản lý, điều hành ở các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình chuẩn mực, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. 

“Tôi đánh giá rất cao quy định mới của Đảng, đó là hồi tố với tất cả những vi phạm từ trước, kể cả khi người đó đã về hưu, khiến những kẻ từng vi phạm trong quá khứ mất ăn mất ngủ, lâm bệnh, lấy cớ trốn vào bệnh viện để hòng tránh lưỡi hái của pháp luật. Việc lôi ra ánh sáng, xử lý các đối tượng, bất kể người đó là ai, khiến cho nhân dân vô cùng tin tưởng. Công cuộc chỉnh đốn Đảng thông qua công tác cán bộ đã lấy lại niềm tin trong nhân dân”. 
Ông Lê Thanh Vân


Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lường trước những tiêu cực có thể xảy ra và ngăn chặn bằng chính các hàng rào quy định cho thật chặt chẽ. Và có lẽ cũng nên bãi bỏ những đặc quyền, đặc lợi về nghi lễ và vật chất. Chỉ có cán bộ cấp nguyên thủ được đãi ngộ những quyền lợi này, vì họ biểu tượng quốc gia trong đối nội, đối ngoại.

Điều quan trọng là phải dựa trên đòi hỏi thực tiễn để xác định tiêu chí lựa chọn cán bộ. Nếu chỉ đưa ra tiêu chí chung chung thì người có động cơ cá nhân, muốn chui sâu, leo cao sẽ có muôn phương ngàn kế để hợp thức hóa các tiêu chuẩn. Do vậy, phải căn cứ vào năng lực thực tiễn, dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, để tạo bước tiếp theo là sắp xếp vào vị trí nào cho tương xứng.

Bên cạnh đó, giải pháp không thể thiếu được là vai trò kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật Đảng, vì vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng xảy ra ở các cấp, các ngành. Có thể nói, trong năm 2018, công tác kiểm tra gần như bung hoa nở rộ, qua đó mới tầm soát được vi phạm pháp luật. Trong đó vai trò của Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa qua rất tích cực và đã tạo nên sự rung chuyển thực sự.

Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy luân chuyển thường được dư luận “râm ran” vào mỗi dịp làm nhân sự. Từng là cán bộ trong diện luân chuyển, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Rõ ràng tình trạng chạy chức, chạy quyền dù rất tinh vi, khó phát hiện nhưng có thật. Vấn đề này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhắc đến nhiều lần và xã hội cũng rất bức xúc. Người ta vẫn râm ran câu chuyện “tứ ệ” là “trực hệ, tiền tệ, quan hệ và đồ đệ”, không còn chỗ cho “trí tuệ” nữa. Vì tiêu chuẩn định tính dễ tạo ra cơ chế để người ta lấp đầy thông qua việc hợp thức hóa nó. Người ta sẽ chạy bằng cấp, chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu thăm dò, đút lót, vận động ngầm, thậm chí có cả đe dọa, dùng mẹo cờ bạc gian lận…để đạt được mục đích.

Với những người có năng lực thực sự, họ thường có tính chủ động, sáng tạo trong công việc, quan tâm đến lợi ích chung mà quên lợi ích cá nhân. Họ có lòng tự trọng, không bao giờ lụy mình, đi bằng đầu gối, nịnh bợ tỉ tê người khác. Thế nhưng, những người như vậy lại hầu như không được xem xét. Họ được quần chúng ghi nhận, song đáng tiếc quần chúng lại không quyết định được vấn đề nhân sự. 

Tình trạng “tứ ệ” là có thật, dù không phải tất cả nhưng gần như đã trở thành hiện tượng rất đáng báo động, gây bức xúc cho xã hội. Thực tiễn cho thấy, có những cán bộ ban đầu được người ta kỳ vọng, phiếu rất cao, nhưng rồi họ lại gây thất vọng, thậm chí còn trục lợi, tạo phe cánh, lợi ích nhóm và vi phạm pháp luật. Do hạn chế về nhận thức, năng lực, cái tâm không trong sáng, nên hành vi công vụ không có mà chỉ có tư vụ thôi. 

Vi phạm cam kết, từ chức hoặc bãi chức

Mặc dù vậy, kể từ khi cái “lò” chống tham nhũng đã nóng, củi khô củi tươi cho vào đều cháy. Cả người đương chức hay đã về hưu đều không thể hạ cánh an toàn. Việc xử lý cán bộ không có vùng cấm, một mặt đã lấy lại được lòng tin trong nhân dân, mặt khác góp phần làm trong sạch bộ máy thông qua công cuộc chỉnh đốn Đảng, thưa ông?

Quả đúng là như vậy. Sau này khi cuộc chiến chống tham nhũng đi vào chiều sâu thì mới bục ra rất nhiều vấn đề trong công tác cán bộ. Dư luận đặt câu hỏi rất lớn về trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Một kẻ vi phạm pháp luật từ trước như vậy, nhưng lại được bàn tay nâng đỡ của cả tập thể, những người có quyền chức để hợp thức hóa, rồi đưa vào diện quy hoạch luân chuyển. Nếu như không phát hiện ra thì hậu quả như thế nào? 

Rồi ngay cả những trường hợp như ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, hay gần đây nhất là hai vị nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cũng đều có những vi phạm như vậy. Rõ ràng công tác nhân sự vẫn còn những bất cập, nhìn nhận không chính xác, đó là chưa nói đến chuyện mua bán chức vụ mà bỏ qua nhiều thứ.

Tuy nhiên, tôi cũng đánh giá rất cao quy định mới của Đảng, đó là hồi tố với tất cả những vi phạm từ trước, kể cả khi người đó đã về hưu, khiến những kẻ từng vi phạm trong quá khứ mất ăn mất ngủ, lâm bệnh, lấy cớ trốn vào bệnh viện để hòng tránh lưỡi hái của pháp luật. Việc lôi ra ánh sáng, xử lý các đối tượng, bất kể người đó là ai, khiến cho nhân dân vô cùng tin tưởng. Công cuộc chỉnh đốn Đảng thông qua công tác cán bộ đã lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Thưa ông, vậy làm gì để ngăn chặn hiện tượng “tứ ệ” đang diễn ra bức xúc như vậy?

Trong công tác cán bộ, để trả lời “3 không”, tức “không muốn, không thể và không dám” là không khó. Vấn đề là chúng ta có làm đến nơi đến chốn hay không. “Không thể” có nghĩa là thấy tiêu chuẩn, tiêu chí ấy, rồi nhìn lại mình thấy tài hèn sức mọn, không vươn tới được. 

Còn để “không muốn”, phải xây dựng các chế độ chính sách cho các chức danh, để làm sao họ thấy ở vị trí nào thì vừa sức và có thể cống hiến được. Biết không thể thì họ an phận với chức danh hiện tại, làm cho thật tốt để được đãi ngộ thỏa đáng. Như vậy là họ thấy mãn nguyện, không muốn leo cao nữa, vì nhận thấy năng lực có hạn, nên làm ở vị trí hiện tại sẽ tốt hơn, có lợi hơn.

Và “không dám” ở đây chính là trừng trị. Việc trừng trị nghiêm minh như vừa qua đã làm cho những kẻ tham nhũng, vi phạm, luồn lọt, chui sâu leo cao phải run sợ. Chính vì vậy, phải làm sao trừng trị thật nghiêm khắc, truy cứu, hồi tố trách nhiệm bất cứ lúc nào, như thế sẽ khiến họ cả sợ thất kinh mà không dám vi phạm.

Để có thể loại trừ được “ba không” này, có lẽ cần đưa ra những tiêu chí lựa chọn cụ thể, làm sao đánh giá, đo đếm được chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi chức danh? 

Đúng vậy, để làm được điều này, cần đưa ra những tiêu chí cụ thể cho từng vị trí, chức danh thông qua tiến cử hoặc tự ứng cử. Việc lựa chọn có thể qua thi cử, hoặc qua bầu cử, nhưng anh phải đưa ra chương trình hành động cụ thể thông qua thuyết trình. Rồi anh phải cam kết trước tập thể và định kỳ đánh giá lại những việc anh đã làm.

Chẳng hạn khi giao cho một anh làm bộ trưởng, nhưng với yêu cầu: Trong nhiệm kỳ 5 năm anh thay đổi được gì? Từng năm anh cải tổ được gì? Rồi anh đưa ra chương trình hành động, những thứ tự ưu tiên, lộ trình giải quyết và định kỳ báo cáo trước cơ quan bổ nhiệm. Nếu vi phạm những cam kết ấy, một là anh từ chức, hai là bị kỷ luật bãi chức.

Cán bộ mà chứng minh được năng lực thực sự qua lăng kính soi xét của nhiều người thì đó là căn cứ quan trọng nhất. 

Nhân sự lần đầu vào Trung ương phải trong quy hoạch

Theo ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương, việc giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH T.Ư được thực hiện chặt chẽ, theo quy trình 5 bước ở T.Ư.
Cụ thể, ông Hưng cho hay, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp tất cả giới thiệu của địa phương, bộ, ban ngành, phân tích xem có đúng đối tượng, có đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí. Trên cơ sở đó tiến hành làm các bước thẩm định, tiến hành khám sức khỏe theo các quy định của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư; ý kiến thẩm định về công tác bảo vệ nội bộ và những vấn đề liên quan tới công tác kiểm tra Đảng. 

Báo cáo Bộ Chính trị là bước thứ 2, Bộ Chính trị xem xét sau đó trình ra BCH T.Ư. Tại hội nghị, BCH T.Ư, trên cơ sở giới thiệu của Ban chỉ đạo và Bộ Chính trị thì BCH T.Ư sẽ xem xét và giới thiệu bằng phiếu. Sau đó, Ban chỉ đạo sẽ tập hợp lại và báo cáo Bộ Chính trị tiến hành phê duyệt. 

Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương
“Bộ Chính trị phê duyệt xong thì các nhân sự mới được coi là đối tượng được quy hoạch vào BCH T.Ư Đảng. Trên cơ sở đó thì Bộ Chính trị sẽ tổ chức các lớp dự nguồn và tiếp tục giới thiệu nếu còn thiếu ở các đối tượng… Và Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo Ban Chỉ đạo tiến hành bổ sung quy hoạch trong năm 2019 và 2020 tiếp theo”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, quy hoạch nhân sự BCH T.Ư là cơ sở còn quy trình công tác giới thiệu nhân sự BCH T.Ư thì phải tiến hành theo một quy trình khác. BCH T.Ư sẽ có phương hướng công tác nhân sự riêng trên cơ sở đó các nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cơ cấu các vị trí cụ thể. “Các đồng chí tham gia lần đầu vào BCH T.Ư nói chung phải trong quy hoạch, còn lại các đồng chí T.Ư, tái cử cũng được giới thiệu theo trình tự Tiểu ban nhân sự trình Bộ Chính trị, Bộ Chính trị trình BCH T.Ư và BCH T.Ư sẽ xem xét giới thiệu với đại hội. Đó là quy trình công tác nhân sự đại hội”, ông Hưng cho biết.