Vào tháng 5 năm nay, trước phản ứng của một số chủ khách sạn tại Đà Nẵng về việc Trung tâm căn cứ vào số tivi mà họ trang bị để tính tiền phí bản quyền âm nhạc, trung tâm đã tạm dừng thu phí. Tại sao tới giờ Trung tâm lại quyết tâm thu phí trở lại?
Ông Đinh Trung Cẩn: Theo Biên bản làm việc ngày 26.5.2017 giữa Cục Bản quyền tác giả và VCPMC về việc tạm dừng thu tiền quyền tác giả tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng ti-vi cho đến khi xác định tác giả thành viên uỷ quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xác định cơ sở pháp lý và tính chặt chẽ, khả thi của hoạt động này. Vào ngày 18.8.2017, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với VCPMC nhằm yêu cầu báo cáo về hoạt động cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của VCPMC trong thời gian qua. Vì thế việc tạm dừng của chúng tôi là nhằm rà soát lại các vấn đề pháp lý chứ không phải ngừng không thu phí hoàn toàn.
- Nhưng ý kiến từ những chủ khách sạn cho rằng họ đã phải mua các gói kênh truyền hình thì như thế, việc trả tác quyền âm nhạc phải do các đài truyền hình chịu trách nhiệm chứ không phải là chủ khách sạn. Ông có thể trả lời như thế nào như thế nào về vấn đề này?
- Theo quy định tại Điều 33, Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác sử dụng phải trả tiền bản quyền tác giả. Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định về "Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng" bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình. Các khách sạn đặt tivi trong phòng ngủ mục đích kinh doanh vì nếu phòng ngủ không có tivi thì không thu hút được khách nên chủ khách sạn phải trả phí là đương nhiên.
- Nhưng chủ khách sạn có thể cho rằng họ có đặt tivi nhưng không mở các chương trình ca nhạc, hay là khách chỉ thích xem các loại kênh giải trí khác như phim ảnh, truyền hình thực tế thì sao lại phải trả tiền cho việc nghe nhạc?
- Chúng tôi căn cứ theo chương trình của các đài truyền hình. Hàng năm các đài truyền hình đều gửi cho chúng tôi danh sách các chương trình phát trên các kênh, cụ thể từ những ca khúc nào được phát, phát bao nhiêu lần để chúng tôi làm căn cứ trả tiền bản quyền cho các nhạc sỹ. Còn khi khách sạn mua gói kênh của các đài truyền hình thì trong đó sẽ có cụ thể số kênh có các chương trình ca nhạc. Hiện tại Việt Nam chưa trang bị các thiết bị giám sát, đếm số kênh và thời lượng xem của khách nên chúng tôi chỉ thu theo mức khoán. Với mỗi tivi trong 01 năm chỉ phải trả có 25 ngàn đồng tiền tác quyền âm nhạc thì tôi nghĩ hoàn toàn phù hợp. Đây là mức thu chúng tôi đã giữ nguyên hơn 10 năm nay và là mức thu thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải nâng mức thu lên nhưng theo chúng tôi, việc thu phí tác quyền âm nhạc vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên chúng tôi thống nhất với các nhạc sỹ đặt mức thu này nhằm tạo ra sự chuyển động ý thức hệ của người sử dụng.
- Cho tới nay, đã có bao nhiêu khách sạn chấp nhận nộp phí nghe nhạc trong phòng ngủ?
- Chúng tôi chưa có số lượng cụ thể nhưng tính chung trong toàn quốc hiện có khoảng 20% số khách sạn đã nộp tiền phí nghe nhạc trong phòng ngủ khoảng tiền này, trong đó tập trung chủ yếu ở Sài Gòn, Hà Nội và những chuỗi khách sạn 3-5 sao. Còn tại các địa phương, chủ yếu tại các khách sạn nhỏ thì chúng tôi chưa triển khai được nhiều vì chưa đủ nhân lực. Tuy nhiên chúng tôi sẽ triển khai sớm tới tất cả các khách sạn trong thời gian tới để đảm bảo công bằng cho các khách sạn đã nộp.
- Qua vụ việc vừa rồi tại Đà Nẵng, ông có cho rằng việc khách sạn phản ứng việc thu phí âm nhạc trong phòng ngủ là do họp chưa nắm rõ luật hay không?
- Đúng là do họ chưa nắm rõ luật và cũng không tham gia các hộ nghị về bản quyền do Trung tâm tổ chức. Còn như với các doanh nghiệp khách sạn nước ngoài thì trước khi đi vào hoạt động, họ đã có bộ phận tư pháp chủ động liên hệ với chúng tôi để đóng tác quyền. Còn tại Việt Nam, một doanh nghiệp cũng luôn chấp hàng nghiêm túc việc đóng tiền tác quyền âm nhạc là hệ thống siêu thị Co.opmart. Theo tôi tìm hiểu là nhờ nghiêm túc chấp hành, họ đã có thêm điểm để 7 năm liền được vinh danh là TOP 500 Nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Chúng tôi cũng đang có kiến nghị với Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa tiêu chí đóng tác quyền trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sao của các khách sạn tại Việt Nam.