Theo đó, ngày 21/10, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị liên quan về tổ chức giao trên Quốc lộ 1 cũ đoạn qua thị xã Cai Lậy.
Theo Sở GTVT Tiền Giang, hiện trên đoạn QL1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy có mật độ giao thông cao, thường xuyên ùn tắc giao thông, tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do đó, Tổng cục Đường bộ giao Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, có biên bản thống nhất phương án tổ chức giao thông trên QL1 trên. Theo hướng cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ lưu thông hai chiều trên tuyến (những xe này phải đi tuyến tránh Cai Lậy).
Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu tình trạng các cầu hẹp trên đoạn tuyến để có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp, đề xuất giải pháp xử lý; khảo sát và đề xuất giải pháp giảm tốc độ lưu thông đoạn QL1 qua nội ô thị xã Cai Lậy.
Các công việc trên phải xong và có báo cáo về tổng cục trước ngày 25/10/2019.
Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) được yêu cầu trên cơ sở báo cáo của Cục Quản lý Đường bộ IV, tham mưu Tổng cục để báo cáo Bộ GTVT đề xuất tổ chức phân luồng giao thông trước ngày 28/10.
Nhà đầu tư BOT tuyến đường trên (Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang) được yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng tuyến đường, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; thực hiện các công việc còn lại của dự án được duyệt; lắp biển báo, tổ chức tuyên truyền về việc phân luồng giao thông khi phương án được duyệt...
Sở GTVT Tiền Giang được đề nghị làm việc với các cơ quan liên quan, địa phương để cấp phép cho các phương tiện phụ vụ nhu cầu người dân khu vực nội ô thị xã Cai Lậy, đảm bảo không ảnh hưởng cuộc sống người dân khi tổ chức phân luồng giao thông.
Trước đó, để có thể thu phí trở lại tuyến BOT tránh và nâng cấp QL1 cũ qua thị xã Cai Lậy, phương án đang được ưu tiên xem xét là lập thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và tuyến QL1, thu phí xong hợp phần nào sẽ giỡ bỏ trạm ở tuyến đó.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng chi phí đầu tư dự án trên 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh là hơn 680 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường QL1 là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.
Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí ngày 14/8/2017, sau đó gặp sự phản đối gay gắt nhiều lần, buộc phải xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.