Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố đã và đang triển khai các hoạt động giám sát về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Quá trình giám sát này sẽ được làm căn cứ để sửa đổi, điều chỉnh các tiêu chí cụ thể cho phù hợp với tình hình trong giai đoạn triển khai sắp tới.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre vừa tổ chức buổi giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này, tỉnh Bến Tre tiến hành sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định. Sau khi triển khai đề án, tỉnh này giảm được 7 đơn vị cấp xã.
Kết quả cho thấy, việc sáp nhập đã góp phần giảm chi đáng kể từ ngân sách nhà nước, hàng năm giảm gần 15 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi lương, phụ cấp là 8 tỷ đồng và giảm chi hoạt động gần 7 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí bổ sung quan trọng, phục vụ cho cải cách chế độ tiền lương, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
Tỉnh này kiến nghị cần tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức còn dôi dư; đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn thì tiếp tục hoàn thiện theo chuẩn chứ không phải tiếp tục thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.
Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cũng có buổi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường trực Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn. Tại quận Phú Nhuận, đã sắp xếp phường 12 vào phường 11 và sắp xếp phường 14 vào phường 13, sau khi sắp xếp, quận còn 13 phường. Sau khi sáp nhập, số cán bộ, công chức của 2 phường mới giảm còn 39 (giảm 27 người) và số người hoạt động không chuyên trách giảm còn 49 người (giảm 22 người).
Hiện 2 phường còn 35 cán bộ, công chức; cán bộ không chuyên trách là 31 người. Tổng cộng, quận đã giảm 71 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phường giúp bộ máy tinh gọn, giảm số cán bộ công chức, người không chuyên trách ở phường; giảm ngân sách nhà nước; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tại Nghệ An, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã có cuộc giám sát tại địa phương về nội dung này. Huyện Hưng Nguyên có 10 xã tiến hành sắp xếp thành 5 xã, giảm 5 xã. Cùng với giảm về bộ máy hành chính nhà nước, huyện cũng giảm 5 trường học, giảm 5 trạm y tế xã… Qua sắp xếp, năm 2020, huyện này đã tiết kiệm được hơn 2,2 tỷ đồng chi ngân sách, bao gồm chi tiền lương, phụ cấp, chi hoạt động cho bộ máy. Theo tính toán của Sở Tài chính, việc giảm 5 xã và 127 xóm trong vòng 5 năm sẽ tiết kiệm hơn 17,4 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong 5 xã đã thực hiện sắp xếp thì có tới 4 xã vẫn không đạt cả 2 tiêu chí. Để đáp ứng đủ 2 tiêu chí, huyện này phải thực hiện sắp xếp 3 - 4 xã thành 1. Trên cơ sở đó, địa phương đề xuất, với những đơn vị đã sắp xếp nhưng chưa đảm bảo về tiêu chuẩn thì không xem xét sáp nhập giai đoạn 2022 – 2030; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung giảm quy mô diện tích tự nhiên đối với xã đồng bằng.
Một khó khăn khác sau sáp nhập là số cán bộ, công chức dôi dư ở đây có khoảng 95 người. Việc sắp xếp được số cán bộ này đang là bài toán khó, khi thời hạn cho phép sắp xếp đến năm 2024, trong khi đó các xã còn lại trên địa bàn huyện cũng đang dôi dư. Địa phương đề nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; đồng thời có cơ chế riêng xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện.
Kiến nghị không sáp nhập huyện, tỉnh
Tại Phú Thọ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát chuyên đề này trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Sau sắp xếp, huyện này còn 22 đơn vị hành chính, giảm 6 đơn vị so với trước đây. Đến cuối tháng 11/2021 huyện Đoan Hùng đã giảm được 81 cán bộ công chức xã. Sau hai năm sáp nhập, giảm chi ngân sách Nhà nước huyện là hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất của các xã sau sáp nhập là cơ sở vật chất, trụ sở làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc, sinh hoạt của người dân.
Qua thực tế triển khai, địa phương cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí sáp nhập giai đoạn tới theo hướng giảm diện tích và quy mô dân số. Trong quá trình thực hiện chỉ nên tiến hành sắp xếp 2 đơn vị hành chính thành 1, không nên sáp nhập 3, hay 4 thành 1 đơn vị như đã thực hiện ở tỉnh. Đồng thời đề nghị Chính phủ và Quốc hội không tiến hành triển khai sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp tỉnh.
Cũng liên quan đến nội dung này, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức phiên giám sát trực tuyến với 3 huyện trên địa bàn tỉnh. Một số khó khăn, vướng mắc sau khi sáp nhập là có sự thay đổi về địa chỉ, đơn vị hành chính, ảnh hưởng đến đời sống của người dân (như các loại giấy tờ, chế độ chính sách, CMND, hộ khẩu, sổ đỏ, BHXH…).
Cùng với đó, sau khi sáp nhập, diện tích các xã lớn hơn, dân cư đông dẫn đến việc quản lý phức tạp hơn. Khi sáp nhập, một số cán bộ, công chức dôi dư dẫn đến khó khăn trong việc bố trí, điều chuyển công tác khác…