Agribank Đồng Nai - Vung tay cho vay, ngập đầu nợ xấu- Bài cuối:

Sai phạm vẫn thăng chức

TP - Mặc dù làm trái các quy định và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, song rất nhiều cán bộ liên quan của Agribank Đồng Nai không những không bị xử lý trách nhiệm lại còn được thăng chức. 
Dây chuyền dệt của Cty Kwangsung Việt Nam đã đem ra bán đấu giá nhưng không ai mua Ảnh do Agribank Tam Phước cung cấp

Phần lớn các khoản vay của 9 doanh nghiệp đã đề cập ở bài viết trước dẫn đến hàng trăm tỷ đồng nợ xấu, nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi là do bà Huỳnh Thị Nhân với vai trò giám đốc Agribank Đồng Nai ký phê duyệt. Cụ thể, bà Nhân được xác định đã ký duyệt các khoản vay 200.000 USD vào tháng 5/2004 của Cty TNHH Gaeu Vina; ký duyệt các khoản vay tổng trị giá 30 tỷ đồng (tháng 11/2007 và 3/2009) của Cty TNHH An Ti; ký phê duyệt khoản vay, ký các hồ sơ nhận nợ và các hồ sơ xử lý khoản vay đối với khoản vay trị giá 30 tỷ đồng của Cty TNHH Thanh Tiến năm 2004; ký phê duyệt khoản vay, ký hợp đồng tín dụng, ký giải ngân và các hồ sơ xử lý khoản vay đối với món vay 60 tỷ đồng (tháng 11/2007) của Cty TNHH Nam Việt. 

Bà Nhân cũng được xác định có liên quan đến các khoản vay từ năm 2005 đến 2009 với tổng trị giá 6.850.000 USD của Cty Kwangsung Việt Nam (KCN Tam Phước)… Mặc dù cho vay vi phạm nhiều quy định dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, song bà Huỳnh Thị Nhân vẫn không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2011. 

  

Với vai trò phó giám đốc Agribank Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Tươi được xác định đã trực tiếp ký duyệt hoặc liên quan trực tiếp đến nhiều khoản vay dẫn đến nợ xấu. Cụ thể, tháng 4/2008 bà Tươi ký duyệt cho Cty TNHH Việt Bạn vay 600.000 USD để nhận chuyển nhượng máy móc thiết bị của Cty Tân Chi Mei. Ngoài ra, bà Tươi cũng trực tiếp tham gia thẩm định, xử lý nhiều khoản vay khác dẫn đến phát sinh nợ xấu… Bà Tươi đã “hạ cánh an toàn”, nghỉ hưu theo chế độ.

Đua nhau thăng chức

Ông Nguyễn Huy Trinh, đương kim giám đốc và là người kế nhiệm bà Huỳnh Thị Nhân, được xác định có liên quan đến các hợp đồng tín dụng với nhiều khoản vay không đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát… dẫn đến hàng trăm tỷ đồng nợ xấu, nợ khó đòi của Agribank Đồng Nai như đã đề cập. Vào thời điểm cho DNTN Trúc Vân vay gần 20 tỷ đồng (cuối 2007, đầu 2008) với những sai phạm về tài sản đảm bảo và sau đó phát sinh nợ xấu trên 12 tỷ đồng, ông Trinh là trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh Agribank Đồng Nai. Ông Trinh được xác định có liên quan đến khoản vay và món nợ này. Ông Trinh cũng được xác định liên quan đến khoản vay 30 tỷ đồng của Cty TNHH Thanh Tiền và tổng số nợ (gồm nợ gốc và lãi) còn lại trên 31,5 tỷ đồng; liên quan đến các khoản vay và nợ quá hạn 616.000 USD, trong đó nợ xấu 352.000 USD của Cty Việt Bạn; liên quan đến khoản cho vay dẫn đến nợ trên 51,4 tỷ đồng, trong đó nợ xấu trên 31,5 tỷ đồng của Cty TNHH Nam Việt; liên quan đến khoản nợ gần 122,6 tỷ đồng của Cty Kwangsung Việt Nam…

Tuy nhiên, không những không bị xem xét, xử lý, ông Trinh lại được thăng chức nhanh chóng, từ trưởng phòng, lên phó giám đốc, rồi từ tháng 8/2011 được bổ nhiệm chức giám đốc Agribank Đồng Nai. 

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, chỉ một số cán bộ, nhân viên của Agribank Đồng Nai liên quan đến những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng kể trên bị xử lý trách nhiệm, cách chức. Phần lớn còn lại không những bình yên, lại còn được thăng chức. Ông Nguyễn Văn Khái, với vai trò trưởng phòng Thẩm định, liên quan trực tiếp đến việc cho vay và sau đó là món nợ xấu của Cty Kwangsung Việt Nam, Cty Gaeun Vina, DNTN Trúc Vân, Cty TNHH Thanh Tiến… nhưng lại được bổ nhiệm vị trí phó giám đốc Agribank Đồng Nai. Hai ông Tạ Ngọc Long, Nguyễn Thiện Tâm- trưởng và phó phòng Tín dụng Agribank Đồng Nai cũng có liên quan nhưng không bị xem xét, xử lý trách nhiệm.   

Kết luận Thanh tra của NHNN Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai hồi tháng 7/2014 yêu cầu Agribank Đồng Nai: “Tổ chức kiểm điểm, quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với cá nhân tại Chi nhánh liên quan đến việc cho vay nhưng chưa thẩm định được hiệu quả của phương án vay vốn, phương án vay vốn không khả thi cao nhưng vẫn thẩm định và xét duyệt cho vay, không thực hiện giám sát chặt chẽ vốn vay dẫn đến nợ xấu. Cụ thể Cty Anti, Nam Việt, Kwangsung Việt Nam, Việt Bạn, Việt Long, DNTN Trúc Vân. Các cá nhân đã thực hiện xử lý về mặt chính quyền và vật chất, tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung nếu xét thấy cần thiết”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cho đến nay Agribank Đồng Nai vẫn chưa triển khai thực hiện theo yêu cầu của NHNN Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai.

Kết luận Thanh tra của NHNN Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai hồi tháng 7/2014 yêu cầu Agribank Đồng Nai: “Tổ chức kiểm điểm, quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với cá nhân tại Chi nhánh liên quan đến việc cho vay nhưng chưa thẩm định được hiệu quả của phương án vay vốn, phương án vay vốn không khả thi cao nhưng vẫn thẩm định và xét duyệt cho vay, không thực hiện giám sát chặt chẽ vốn vay dẫn đến nợ xấu.