'Rút kinh nghiệm' có được không?

TP - Sự cố môi trường nghiêm trọng dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung gây chấn động dư luận, cá nhiễm độc chết trắng bờ,  ngư dân úp thuyền bỏ biển... Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân, dàn lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi gập người tạ tội, xin lỗi và bồi thường thiệt hại nửa tỷ đô la.
Ông Võ Tá Đinh- Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Ấy vậy mà lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm cao nhất về lĩnh vực môi trường của tỉnh này lại chỉ vừa nhận hình thức kỷ luật “Rút kinh nghiệm”. Cụm từ này có thể hiểu là… chả có lỗi gì (?!).

Còn nhớ, sinh thời Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thắn: “Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm” vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta… rút kinh nghiệm. Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn. Nên nó được xem là cái “dây” dài nhất”. Mới đây, cụm từ “sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết” cũng vừa được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập tới trên nghị trường khi nói về trách nhiệm thẩm định một dự án quá sơ sài của các bộ, ngành.

Nhiều bạn đọc ngạc nhiên thắc mắc, không lẽ một vụ ô nhiễm môi trường chấn động gây hậu quả nghiêm trọng là vậy, từ dưới nước lên đến cả trên bờ, mà người đứng đầu ngành môi trường địa phương chỉ xin “rút kinh nghiệm” thôi sao? Có duy nhất một người tự nhận mức kỷ luật “khiển trách”, đó là vị Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường của Sở TN&MT Hà Tĩnh. Việc quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nhà trước hết phải do chính sở ngành địa phương đảm trách, sau đó mới đến bộ ngành ở trung ương. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn có cơ sở để tin rằng, vụ việc sẽ được xử lý nghiêm túc. Bởi, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc để các đơn vị này nhận hình thức kỷ luật là để xem mức độ thành khẩn, nhận trách nhiệm của cán bộ đến đâu. Còn việc quyết định hình thức kỷ luật phải được lãnh đạo tỉnh bàn bạc, xem xét từng trường hợp cụ thể.

Ở nhiều nước, những sự cố lớn nhỏ đều có người đứng ra nhận trách nhiệm, thậm chí từ chức là chuyện bình thường, “văn hóa từ chức” cũng đã ngấm sâu vào đời sống quan trường của họ. Còn ở ta, xem ra “văn hóa rút kinh nghiệm” đã bám rễ khá sâu, thậm chí đối với cả chuyện tày đình như vụ Formosa, biết bao giờ “văn hóa từ chức” mới có đất sống?