Rộn ràng tiếng cười mùa thu hoạch lanh trên cao nguyên đá Hà Giang
TPO - Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, những đôi bàn tay của phụ nữ đồng bào H'Mông - Hà Giang thoăn thoắt cắt hạ những cây lanh đang đến mùa thu hoạch. Đối với họ, cây lanh không chỉ là cây phát triển kinh tế mà còn mang một ý nghĩa tâm linh của một tộc người: “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người H'Mông”.
Người ta thường hay bảo rằng trước sân vườn của gia đình người H’Mông nếu có trồng hay phơi cây lanh thì chắc rằng gia đình đó có những người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù.
Từ thu hoạch đến khi làm ra được tấm vải lanh cần phải trải qua khoảng 40 công đoạn.
Trồng lanh dệt vải là nghề truyền thống của người H'Mông ở Hà Giang.
Cây lanh cũng là loài cây mang tín hiệu tộc người, nhắc nhở người H’Mông luôn luôn nhớ về cội nguồn.
Mùa hè cũng là thời điểm để thu hoạch cây lanh. Mọi người sẽ cùng nhau ra đồng và phân chia công việc.
Thanh niên, các chị sẽ nhận phần chặt lanh, tước lá.
Cây lanh thường được trồng bằng cách gieo hạt cùng với ngô vụ mùa, sau khi gieo hạt khoảng 3 đến 4 tháng thì được thu hoạch.
Mùa thu lanh luôn tràn ngập tiếng cười của các mẹ, các chị.
Người H'Mông có quan niệm "Hạt lanh có trước, con người có sau"
Đối với người phụ nữ H'Mông, khi sinh ra, lớn lên phải biết trồng lanh, dệt vải.
Lũ trẻ nô đùa trên những đám lá lanh.
Cây lanh ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, còn là vật liệu được người H'Mông sử dụng trong hầu hết các phong tục, tín ngưỡng.
Trẻ em cũng giúp bố mẹ bó lanh trước khi mang về phơi.
Mùa thu lanh luôn là những ký ức đẹp của lũ trẻ vùng cao nguyên đá.
Theo quan niệm của người H'Mông, cây lanh có sức sống vĩnh cửu.
Nó tượng trưng cho sức mạnh và tinh thần lạc quan của đồng bào H'Mông.
Giữa cao nguyên đá cằn cỗi, cây lanh vẫn mạnh mẽ vươn lên như sức sống mãnh liệt của đồng bào H'Mông trên cao nguyên đá Hà Giang.