Để người già không cô đơn
“Ngày trước, khi ông tôi bị ốm phải ở nhà gần 10 năm, tôi từng hỏi ông rằng "ông sợ điều gì nhất?". Và ông khiến tôi vô cùng ám ảnh, khi nói: "Ông sợ phải sống lâu". Người cao tuổi sợ rất nhiều thứ, nhưng họ đặc biệt sợ phải sống lâu trong cuộc sống bệnh tật và làm phiền đến con cháu. Không chỉ có ông của tôi mà hàng triệu người cao tuổi khác cũng có những nỗi sợ như vậy”, Ngô Thùy Anh tâm sự. Chính kỷ niệm đó đã khiến cô luôn thôi thúc, trăn trở, cho đến ngày HASU ra đời vào tháng 3-2020.
Nữ CEO sinh năm 1994 lý giải, HASU trong tiếng Nhật có nghĩa là hoa sen, cũng là viết tắt của 4 chữ cái đầu trong tiếng Anh, khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Khỏe mạnh - Năng động - Mạnh mẽ - Sống có nghĩa. Đó cũng chính là mục tiêu HASU hướng tới, giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với các phương pháp chăm sóc toàn diện và không bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0.
HASU là một ứng dụng dành cho người từ tuổi 50. Họ sẽ mua các gói dịch vụ tùy theo nhu cầu, chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng. Ở đó, họ có thể tập luyện online và nâng cao kiến thức sức khoẻ về tuổi già để cải thiện thể chất. Họ cũng có thể tập thiền, phật pháp, tham gia các khoá học online như học đàn, học hát, học vẽ, giải trí… để nâng cao sức khoẻ tinh thần. Đặc biệt, họ được tăng cường các hoạt động xã hội, sinh hoạt hội nhóm… khi tham gia các lớp đào tạo offline, các sự kiện do HASU tổ chức, hoặc các diễn đàn online qua Zoom, Zalo, Facebook và trên ứng dụng. Ngoài ra, ứng dụng còn có các bài tập luyện tại nhà phù hợp với độ tuổi 50+, các khóa học bằng hình ảnh và âm thanh cùng hàng trăm bài viết cung cấp kiến thức về các căn bệnh tuổi già.
HASU nhận được sự đồng hành của đội ngũ bác sĩ tuyến đầu Viện lão khoa trung ương, Viện 108, Bệnh viện Đống Đa, Viện Châm cứu Trung ương, sự tham gia của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam, HelpAge International…
Thùy Anh cũng cho biết, đến nay ứng dụng HASU đã có khoảng 14 ngàn người từ 50 tuổi sử dụng. Sau 2 năm ra đời, ứng dụng này cũng nhận được hàng loạt giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi Tạo tác động xã hội Youth Co:lab 2020, Top 3 Cúp Khởi nghiệp toàn cầu tại Việt Nam, chung kết Cúp khởi nghiệp Đông Nam Á, Top 10 Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Techfest 2020, Top 10 Doanh nhân Cộng đồng Blue Venture Award 2020…
Chọn con đường phá vỡ những rào cản giữa người cao tuổi và công nghệ, mặc dù có nhiều nhu cầu nhưng kén người dùng, hầu như Thùy Anh và cộng sự phải vừa đi vừa dò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hơn nữa, khởi nghiệp đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên nhóm gặp khó khi tiếp cận với khách hàng cao tuổi. Bởi ngày thường họ sinh hoạt ở các câu lạc bộ, hội nhóm nhưng dịch bệnh diễn ra khiến họ bị cách biệt với thế giới bên ngoài, ít đi giao lưu hơn. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, cũng chính thời gian phải ở nhà nhiều để phòng chống dịch bệnh đã gia tăng nhu cầu kết nối, giao lưu online hơn. Điều đó giúp HASU dễ dàng được đón nhận.
“Dù có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất vui và thấy công việc của mình ý nghĩa khi chứng kiến nhiều ông bà từ những ngày đầu còn lóng ngóng, vụng về khi dùng zalo, facebook hay học cách vào zoom để họp nhóm, cho đến khi thành thói quen, cứ 6h sáng và 4h chiều lại í ới gọi nhau dậy tập thể dục online. Hoặc có bác nghĩ là phải dí điện thoại vào miệng thì mọi người mới nghe thấy, nên khi không nói gì thì biết để điện thoại quay cả người nhưng cứ lúc nói chuyện là chỉ nhìn thấy lỗ mũi, lỗ tai. Thế mà sau vài buổi, bác đã biết tự vào zoom chuyện trò rôm rả với mọi người... Có cụ gần 90 tuổi rồi nhưng tiếp thu rất nhanh, chỉ vài buổi đã sử dụng thành thạo Google Voice - tra cứu các nội dung trên google bằng giọng nói. Tôi cũng thấy rất vui khi có những bác bị ung thư hoặc bệnh nền nặng vẫn cố gắng luyện tập hàng ngày đều đặn trên app” - Thùy Anh kể.
“Khởi nghiệp xã hội không phải chỉ đi xin tiền”
Từng là học sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam, Ngô Thùy Anh theo học Luật Quốc tế ở Học viện Ngoại giao, rồi đi du học thạc sĩ Quản trị kinh doanh MBA tại Adelphi University, New York, Mỹ. Hai mươi ba tuổi, cầm tấm bằng MBA loại Giỏi, cô gái trẻ đã có một quyết định vô cùng táo bạo khi từ chối lời mời làm việc của một công ty tài chính lớn ở phố Wall (New York) để trở về Việt Nam khởi nghiệp. Nhiều người bảo “Sao dại thế, ở Mỹ cơ hội tốt thế?”, còn Thùy Anh lại có lý lẽ riêng: “Tôi rất tin vào lựa chọn của mình. Ngoài tình yêu với quê hương, muốn trở về bên gia đình, tôi thấy Việt Nam rất tiềm năng. Nước mình là quốc gia đang phát triển, vẫn còn rất nhiều thứ để đầu tư, xây dựng và có rất nhiều cơ hội. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam, vậy sao tôi không trở về và thử sức ở chính trên sân nhà”.
Là một người năng động, không bao giờ chịu ngồi yên, trong 4 năm học thạc sĩ ở Mỹ, Thùy Anh làm thêm rất nhiều công việc khác nhau: trợ giảng cho giáo sư trưởng bộ môn tài chính doanh nghiệp, trợ lý cho hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức các hoạt động từ thiện cho trường Adelphi, đi trông trẻ, làm nhà hàng, mở shop bán đồ xách tay... Những công việc đó giúp cô có thêm trải nghiệm cùng một nguồn vốn không nhỏ để đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình.
Trước khi lập ra HASU, năm 2017, khi đang học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ, Ngô Thùy Anh đồng sáng lập Aligo Kids - nền tảng dạy kỹ năng và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác. Sau khi về nước năm 2018, Thùy Anh sáng lập AligoMedia - công ty với các hoạt động như sản xuất phim hoạt hình về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giáo dục hành vi xử lý rác thải, sách giáo khoa điện tử, công nghệ kết nối gia đình cho các doanh nghiệp, tổ chức.
“Khi còn 21 - 22 tuổi, tôi đã từng đặt ra mục tiêu phải làm giàu vì tôi mong muốn bố mẹ, ông bà và gia đình có được cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi trưởng thành, tôi nhận thấy điều ba mẹ cần nhất ở mình không phải là tiền bạc mà là tôi trở thành con người tử tế, có ích cho xã hội”, Ngô Thùy Anh lý giải lựa chọn các dự án xã hội để khởi nghiệp.
Nữ CEO trẻ nhận định: ở Việt Nam, rất nhiều dự án xã hội thường hoạt động sôi nổi thời gian đầu nhưng càng về sau càng teo tóp rồi “mất tích”, theo cô là bởi nhiều người vẫn mặc định dự án xã hội là phải miễn phí, phải phi lợi nhuận mà không có lợi nhuận thì lấy gì để nuôi. Các dự án xã hội chủ yếu sống nhờ sự tài trợ của các tổ chức. Khi hết thời gian tài trợ thì cũng ngừng hoạt động. Cũng vì thế, nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp thường né mảng xã hội vì sợ… nghèo.
“Ngày xưa, khi mẹ thấy tôi vật lộn mang đồ lên miền núi xây dựng thư viện, bà đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi: ‘Con có thể dành thời gian bê từng thùng mì tôm lên giúp một vài gia đình, nhưng hãy nhớ là thời gian đó con có thể học, phát triển, làm giàu và giúp cho hàng triệu gia đình khác’. Điều đó đã hình thành niềm tin, lối sống, cách tư duy của tôi những năm sau này. Nhìn vào thành quả mà Aligo hay HASU đạt được, tôi càng tin dự án xã hội vẫn có thể vừa làm giàu, vừa góp phần xây dựng xã hội“.
Với những gì đã làm, Ngô Thùy Anh trở thành một trong 8 cô gái xuất sắc có mặt ở danh sách Under 30 năm 2022 do Forbes Việt Nam bình chọn. Cô cũng chính là 1 trong 17 Đại sứ trẻ toàn cầu của Samsung với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP quảng bá cho các Mục tiêu Phát triển bền vững. Và Thùy Anh đại diện cho mục thứ 3 - sức khỏe cộng đồng - khi là nhà sáng lập của HASU.