Số phận của MV đã rõ, công ty TNHH M-TP Entertaiment bị phạt 70 triệu đồng, tiêu hủy bản ghi hình “There’s No One At All”, nộp lại khoản lợi thu được từ MV, tháo gỡ bản ghi hình “There’s No One At All” dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số. Không ít người, trong đó có cả chuyên gia tâm lý cho rằng: “There’s No One At All” định đua “trend tiêu cực”.
Nghệ sỹ chỉ cần biết hát, biết nhảy…? Trong lời xin lỗi, chủ nhân “There’s No One At All” chia sẻ rằng: Anh hiểu được vị trí và sức ảnh hưởng của mình đối với các bạn trẻ. Về phân cảnh bị phản ứng, Tùng lý giải, anh muốn chuyển thông điệp: “Hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn, hiểu để yêu thương, che chở và mở rộng tấm lòng của chúng ta trước khi quá muộn". Có thể Sơn Tùng M-TP nói thật lòng, song anh lại quên mất, dạo gần đây ở trong nước vừa xảy ra những vụ tự tử của người trẻ gây bàng hoàng. Là “thần tượng” sở hữu lượng fan đông đảo nhất nhì showbiz Việt, đáng ra Sơn Tùng phải nắm được những vấn đề “nóng” trong đời sống của người trẻ tuổi, để nâng đỡ tinh thần cho họ, bằng những sản phẩm mang màu sắc tươi sáng, xóa u ám. (Xin đừng nói, nghệ sỹ chỉ cần biết hát, biết nhảy, mà thôi). Trước khi bị buộc tiêu hủy sản phẩm đã đạt khoảng 8 triệu lượt xem.
Bất kể quyết định nào từ cơ quan quản lý văn hóa đối với sản phẩm giải trí của nghệ sỹ cũng gây ra phản ứng đa chiều. Quyết định về số phận của MV “There’s No One At All” đương nhiên tạo tranh luận hơn cả. Bởi chủ nhân của nó chính là Sơn Tùng M-TP, người mà vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ, từng đứng đầu một ngôi trường đại học nổi tiếng ở thủ đô, nói vui: “Ho một cái cũng ra triệu view”.
Ông phân tích điểm trừ trong MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng M-TP: “Phải thừa nhận thời điểm MV xuất hiện quá nhạy cảm. Có thể cậu ấy tập trung làm MV, tập trung hoạt động nghệ thuật mà chưa nghĩ đến bối cảnh. MV ra đời đúng vào thời điểm có những vụ tự tử của người trẻ, ám ảnh nhất chính là vụ nhảy lầu để lại thư tuyệt mệnh của nam sinh nọ, gợi hình ảnh cái kết MV của Sơn Tùng. Đó là một sai lầm của Sơn Tùng”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Phải thấy rằng, khi MV chưa ra đời thì đã xảy ra những vụ tự tử đau lòng của người trẻ. Không phải MV ra đời các vụ tự tử mới xảy ra. Tôi thấy không may cho Sơn Tùng M-TP là MV ra đời ở thời điểm nhạy cảm, nhưng lại là may, nếu MV của Tùng ra đời cách đây 1,2 tháng, trước và trong thời điểm vụ nhảy lầu xảy ra thì Sơn Tùng còn bị lên án khủng khiếp hơn, đòn “ném đá” còn dữ dội hơn”. Ông đồng tình với kết thúc hiện nay của “There’s No One At All” nhưng có vẻ hơi tiếc nuối khi tự hỏi: “Như thế là cấm trên toàn thế giới luôn à?”.
Chị Dậu, Chí Phèo… thì sao? Để bào chữa cho Sơn Tùng, nhiều bạn trẻ đã “lôi” các nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng ra tranh luận: “Tác phẩm “Người con gái Nam Xương” thì sao? Có cả yếu tố xung đột gia đình để Vũ Nương tìm đến cái chết đau đớn”. Có người lại tìm đến cả kho tàng truyện cổ tích Tấm Cám để “tố” cô Tấm ác, làm mắm Cám gửi về cho mẹ Cám ăn. Và Chí Phèo, Lão Hạc…của Nam Cao, Chị Dậu của Ngô Tất Tố cũng chẳng được yên, với lập luận: Ngay cả những tác phẩm có chỗ đứng vững chắc trên văn đàn cũng đưa người đọc tới bóng tối, bế tắc đó thôi? Cứ tranh luận kiểu này, khéo đến Thúy Kiều của Nguyễn Du cũng “vạ lây”, nàng từng tự tử đôi lần, trong đó có lần từng gieo mình xuống sông Tiền Đường. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, không nên mang những tác phẩm văn học nghệ thuật đã được thử thách qua thời gian để “bào chữa” cho MV của Sơn Tùng M-TP. Đó là một việc bất nhã với những tên tuổi đã khuất và di sản tinh thần quý báu của họ để lại cho đời.
Tuy nhiên, cũng có những lập luận đáng suy nghĩ. Có ý kiến cho rằng, nếu cứ lo người trẻ sau khi xem MV của Sơn Tùng M-TP sẽ học theo ứng xử như trong sản phẩm này, là sự coi thường chính người trẻ: “Bọn trẻ rất thích nghe và làm theo Thần tượng nhưng không đồng nghĩa là tất cả bọn nhỏ sẽ bị ám ảnh và cũng làm theo Thần tượng của chúng”. Theo người này, “bọn trẻ” hôm nay rất thông minh, tài giỏi, sống thực tế… không đến nỗi “dại khờ” xem, nghe một sản phẩm, cho dù của Thần tượng, để thử, để bắt chước.
Trước việc “There’s No One At All” bị tiêu hủy, không ít người thắc mắc: Thế sao cô Ngân 98, cô Ngọc Trinh phản cảm liên tục, lại không bị xử lý? Ngọc Trinh với những màn đập đồ trên YouTube, những phát ngôn thiếu văn hóa về tình- tiền, tác động không nhỏ tới một bộ phận người trẻ, vẫn nhởn nhơ “sống”! Một số người thương Sơn Tùng M-TP sinh nở “There’s No One At All” chẳng khác “Dã tràng xe cát bể đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Nhưng Sơn Tùng đủ mạnh về tài chính, thiệt hại trên chắc không làm anh “rơi lệ”, hơn nữa, bị tiêu hủy sẽ kích thích khám phá, tìm hiểu. Hi vọng MV sau đây của Sơn Tùng sẽ không chỉ thu hút bạn trẻ, còn “hút” thêm các bậc phụ huynh và nhiều đối tượng khán giả khác.