Phòng khám vệ tinh giảm tải bệnh viện: Đang chờ hình hài

TP - Một số bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn ở TPHCM sau một tháng triển khai bước đầu đã tiếp nhận bệnh nhân đến thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số nơi khoa vệ tinh chỉ là chỗ để “trung chuyển” bệnh nhân.
Phòng khám vệ tinh liệu có là lối thoát để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên? Ảnh: Lê Nguyễn

> Phải làm ra tấm, ra món

Từ nằm hành lang đến nơi thoáng mát

Sau hai tuần khai trương khoa vệ tinh BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại BV An Bình, ngày 16-7 các giường bệnh ở khoa vệ tinh này đã lấp kín bệnh nhân.

Bác sĩ Quỳnh Mạnh Nhi- Phó Trưởng khoa vệ tinh BV Chấn thương chỉnh hình cho biết, 69 giường được BV An Bình giao khi thành lập khoa này đã không còn chỗ trống. “Ngày đầu có 2 bệnh nhân chuyển về, sau đó lên 10 bệnh nhân và nay đã 69 bệnh nhân”- bác sĩ Nhi thống kê.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nhi, những bệnh nhân này không phải mới đến thăm khám hoặc được phẫu thuật. “Hầu hết họ đang nằm hành lang do quá tải ở cơ sở chính nên được đưa sang đây điều trị hậu phẫu, chăm sóc vết thương”- bác sĩ Nhi cho biết.

Đến nay, Khoa Vệ tinh này vẫn chưa có phòng khám đặt ở BV An Bình nên chưa tiếp nhận bệnh nhân khám mới và bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân Thạch Văn Tâm, 16 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng được phẫu thuật đặt vít ở chân từ BV Chấn thương chỉnh hình.

Sau đó, bệnh nhân này được chuyển sang đây điều trị. “Bên cơ sở chính không có giường khiến em phải nằm hành lang nhưng qua đây nằm điều trị rất tốt, lại thoáng mát”- bệnh nhân Tâm phấn khởi.

Hơn 60 trường hợp còn lại đang điều trị ở đây cũng vậy, đều được “dời” từ BV Chấn thương chỉnh hình sang. Một bác sĩ ở khoa vệ tinh này cho biết, nơi đây vẫn chưa có khu phẫu thuật và tiểu phẫu.

Theo lãnh đạo BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, hiện bệnh viện cũng đã xây dựng hệ thống vệ tinh tại Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai và Khánh Hòa. Tuy nhiên, chưa thể kết luận có giảm được lượng bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên hay không.

Cải thiện

Khoa vệ tinh của BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM đặt tại BV An Bình đã không còn chỗ trống do dời bệnh nhân từ cơ sở chính qua điều trị.  Ảnh: L.N.
 

Khoa Nhi vệ tinh của BV Nhi đồng 2 đặt tại BV quận 2 là điểm đến thực sự cho người dân ở các quận cửa ngõ phía đông TPHCM. Một tháng sau khi mở khoa vệ tinh ở đây, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc BV quận 2, cho biết số bệnh nhi nội trú đã tăng lên rõ rệt.

“Đầu năm, khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân/ngày nhưng sau khi có các khoa vệ tinh của BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, Phạm Ngọc Thạch, Cấp cứu Trưng Vương và BV ĐH Y Dược, hiện lượng bệnh nhân đã lên 1.000 ca/ngày”- bác sĩ Khanh kể.

Theo bác sĩ Khanh, số lượng bệnh nhi ngoại trú trung bình 120 ca/ngày, có ngày lên 150 ca, tăng hơn 40% so với trước đây.

“Trước đây chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhi thì nay đã khác, bệnh nhi nằm nội trú đã tăng lên 20 giường. Còn các bệnh khác điều trị nội trú từ 30 ca/ngày nay tăng lên 110 ca/ngày”- bác sĩ Khanh chia sẻ.

Thay vì đưa con lên BV Nhi đồng 2 khám bệnh như thường lệ, sáng 16-7, chị Lê Diễm Hà, ở quận 2 đã đưa con đến khám tại khoa Nhi vệ tinh BV quận 2.

“Thấy thông tin có khoa vệ tinh do các bác sĩ ở BV Nhi đồng 2 về đây khám và điều trị nên tôi đưa con ghé đây luôn, đỡ phải chầu chực khi lên trên đó”- chị Hà nói.

Ghi nhận tại khoa này, nhiều phụ huynh ở các quận Thủ Đức, quận 9 thậm chí ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng đưa con sang khoa này khám bệnh thay vì phải đi sớm lên tuyến trên chờ khám.

“Có bác sĩ tuyến trên về nên phụ huynh rất tin tưởng”- bác sĩ Khanh khẳng định. Anh Phan Văn Truyền, ở khu An Khánh, quận 2 cho biết, mỗi lần lên BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2 phải mất hơn nửa buổi mới khám xong nhưng nay thì chỉ mất 1 tiếng là về nhà.

“Nếu như không có bệnh gì nguy hiểm thì nên khám cho con ở đây là tốt nhất, khỏi đi lại vất vả, chen chúc vừa mệt mình lại mệt cả con”- anh Truyền chia sẻ.

Ba tháng sau khi triển khai Khoa vệ tinh của BV Nhi đồng 1 ở BV quận Bình Tân và BV huyện Bình Chánh, bệnh nhi thăm khám cũng đã tăng lên rõ rệt. Bác sĩ Tăng Chí Thượng- Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, chỉ có trường hợp nặng tuyến dưới bó tay mới chuyển lên đây, còn lại đều giải quyết tốt.

“Hiện BV huyện Bình Chánh đã điều trị được sốt xuất huyết, các bệnh lý sơ sinh. Mỗi ngày, tiếp nhận 100-120 bệnh nhi và tỷ lệ chuyển viện giảm 50%”- bác sĩ Thượng liệt kê.

Trong khi đó, khoa Nhi vệ tinh ở BV quận Bình Tân, mỗi ngày cũng tiếp nhận 60-80 trẻ đến khám, tăng gần 50% so với trước đó. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - Giám đốc BV huyện Cần Giờ, khi được BV Hùng Vương và Nguyễn Tri Phương về mở khoa vệ tinh, hiện các bác sĩ nơi đây không chỉ mổ bắt con được mà còn phẫu thuật thai ngoài tử cung vỡ, u nang buồng trứng xoắn, cắt ruột thừa viêm, mổ thủng dạ dày...

“Trước đây thì chúng tôi bó tay do thiếu bác sĩ giỏi, thiết bị lại yếu”- bác sĩ Huệ cho biết.

Trong đề án mà BV Nhi đồng 1 TPHCM đưa ra, giai đoạn 2013-2017 sẽ thành lập 3 bệnh viện vệ tinh ở Cần Thơ, BV đa khoa Tiền Giang và BV đa khoa Cà Mau, với kinh phí dự kiến lên gần 33 tỷ đồng.

Theo kế hoạch từ BV Nhi đồng 1, chỉ tính số tiền chi phí cho công tác phí, tiền ăn ở, xăng xe…để bác sĩ của BV Nhi đồng 1 xuống các bệnh viện trên cũng gần 6 tỷ đồng cho 5 năm thực hiện. Riêng kinh phí đào tạo 100% bác sĩ và điều dưỡng của 3 bệnh viện vệ tinh trên trong 5 năm cũng ngốn hơn 2, 5 tỷ đồng.

Không kém BV Nhi đồng 1, lãnh đạo BV Nhi đồng 2 TPHCM cũng đề xuất đề án bệnh viện vệ tinh trong giai đoạn từ 2012-2020 tại BV Nhi đồng Đồng Nai, BV đa khoa Bình Dương và BV đa khoa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Kinh phí mà đề án của BV Nhi đồng 2 đưa ra trong giai đoạn là hơn 467 tỷ đồng.

Từ năm 2013-2020, BV Ung bướu TPHCM cũng xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh ở BV Ung bướu Đà Nẵng; khoa Ung bướu BV đa khoa Khánh Hòa, BV đa khoa Kiên Giang và BV đa khoa Đồng Nai; BV Ung bướu Cần Thơ với tổng kinh phí 300 tỷ đồng.

Theo Báo giấy