Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nắm tay nhau hành động đưa du lịch vượt khủng hoảng

TPO - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kêu gọi toàn ngành du lịch cùng nắm tay nhau hành động để đưa du lịch vượt khủng hoảng. “Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020” ngày 28/11 tại Hội An (Quảng Nam) được xem như hội nghị “Diên Hồng” bàn về giải pháp cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Nắm tay nhau đưa du lịch vượt khủng hoảng và phục hồi

Nắm tay nhau hành động

Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng báo VnExpress và các bên liên quan tổ chức, diễn ra ngày 28/11 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana). Khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng, đại diện địa phương.

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá mấy năm qua du lịch đạt được sự tăng trưởng cả về lượng và chất. Lượng thể hiện ở chỗ không chỉ tăng chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 13 bậc, mà còn đạt được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại rằng ông từng thẳng thắn chỉ ra 6 nỗi sợ của khách quốc tế đến Việt Nam trong đó liên quan tới xúc tiến quảng bá, visa, giao thông cơ sở du lịch... đến nay đều được cải thiện đáng kể. “Điều đặc biệt ấn tượng cần đánh giá đó là trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đạt được sự tăng trưởng mạnh về cơ sở lưu trú, số lượng khách sạn và phòng khách sạn. Tới nay chúng ta có nhiều khu phức hợp lớn, quy mô tầm vóc quốc tế và rất đẳng cấp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng kêu gọi ngành du lịch nắm tay nhau hành động

Biểu dương ngành du lịch nỗ lực trong thời gian qua, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc tới một số yếu kèm còn kéo dài trong thời gian tới và cần nỗ lực khắc phục. Đó là việc chúng ta mới tập trung thống kê số lượng khách quốc tế nhưng chưa đi sâu vào chất lượng. Chúng ta tìm cách thu hút khách quốc tế, kéo dài kỳ nghỉ hơn nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn thua kém cả về thời gian lưu trú lẫn mức chi tiêu. Một loạt vấn đề về giao thông, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn cần cải thiện hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa, vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường. Phó Thủ tướng kêu gọi toàn ngành du lịch tiếp tục nắm tay nhau hành động để đưa du lịch vượt khủng hoảng.

Đưa du lịch vượt khủng hoảng

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhận định rằng, bên cạnh kết quả đạt được ngành du lịch còn nhiều khó khăn và hạn chế như: Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành tăng 13 bậc, tuy nhiên so với các nước trong khu vực còn thấp. Hiệu quả kinh doanh du lịch và thu hút khách chưa cao nên khách du lịch cao cấp và chi tiêu cao chưa nhiều.

Sau vài năm phát triển và tăng trưởng với tốc độ cao, du lịch Việt Nam chịu tác động nặng nề từ COVID-19. Từ tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện 

Đối mặt với thách thức nêu trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng vấn đề đặt ra với ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. Lãnh đạo Bộ VHTTDL kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp.

Đầu tiên là tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Hai là tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư choxúc tiến, quảng bá du lịch. Ba là giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Lãnh đạo Hà Nội, TPHCM và 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung ký kết hợp tác phát triển du lịch

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam... Các địa phương quan tâm chỉ đạo việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ VHTTDL và ngành du lịch lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành, lưu trú (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vingroup, Sungroup, Saigontourist, Vietravel...), lãnh đạo địa phương, Hiệp hội du lịch cũng như chuyên gia quốc tế để tìm ra giải pháp tiếp tục phát triển du lịch nội địa như cứu cánh của ngành du lịch, đồng thời tìm giải pháp để đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.