Ngày 27/3, kết luận buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tại TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đã xác định quốc sách hàng đầu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Công tác này phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nhằm góp phần nâng cao trình độ học vấn, trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của cả hệ thống chính trị và các ngành các cấp, trong đó ngành giáo dục đào tạo đóng vai trò chủ công, trụ cột.
“Qua giám sát lần này, tôi đề nghị TPHCM nghiên cứu kỹ Nghị quyết 88 để xem đã thực hiện được bao nhiêu nội dung, còn bao nhiêu điều chưa làm được và lý do vì sao. Qua đó, TPHCM cũng nêu lên những vấn đề mình chưa rõ để Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành tham gia điều chỉnh, trong đó cũng nên phân định nhóm kiến nghị nào dành cho cơ quan nào”, ông Mẫn đặt vấn đề.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý các cơ quan tới đây phải trả lời cần một hay nhiều bộ SGK, chiết khấu giá cả tính như thế nào bởi đây đều là những vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, sắp tới cũng cần có thống kê, đánh giá bức tranh toàn diện về thực trạng giáo viên, học sinh, thiết bị giáo dục, SGK và nguồn lực thực hiện cả về ngân sách và xã hội hóa.
“TPHCM và các ban ngành có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa, điều này sẽ giúp giảm áp lực cho đầu tư công lớn của Nhà nước”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, đoàn giám sát của Quốc hội vào TPHCM lần này để đánh giá, xem xét tính năng động, sáng tạo của thành phố trong hoạt động giáo dục, chuyển đổi số trong ngành. Ông đề nghị ngành giáo dục thành phố chủ động trong vấn đề trường học không tiền mặt, trung tâm điều hành giáo dục thông minh của thành phố... Cùng với đó, duy trì thường xuyên hoạt động đối thoại, gặp gỡ giáo viên, học sinh sinh viên; mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất.
“TPHCM không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế. Quốc hội, Chính phủ sẽ có điều tiết lại để thành phố đầu tư. Thành phố cũng cần linh hoạt, chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho giáo viên và học sinh trong dạy và học”, ông Mẫn nói.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, TPHCM cần rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo tinh thần Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của thành phố, trong đó chú trọng kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giáo dục của thành phố phải so sánh với các quốc gia, thành phố xung quanh như Singapore, Tokyo, Bắc Kinh để phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Tới đây, đề nghị UBND TPHCM có cơ chế xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các trường ngoài công lập, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các trường phát triển tốt”, ông nói.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận thành phố gặp thách thức lớn trong vấn đề dân số tăng, do đó khi đổi mới giáo dục cần chú ý tới yếu tố này. Dân số tăng sẽ tạo áp lực cho đội ngũ giáo viên, vì vậy cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ giáo viên.
Theo ông Nên, đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất.
“Phải có chính sách thu hút nguồn lực theo yêu cầu, vị trí, việc làm; quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bám nghề, phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó, ngành giáo dục phải đổi mới và đa dạng SGK, nỗ lực giảm giá để giảm áp lực cho học sinh nghèo. Quan tâm thúc đẩy huy động nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao, có chính sách chiêu hiền đãi sĩ để thu hút, giữ chân đội ngũ”, Bí thư Thành ủy TPHCM ý kiến.