Tại phiên thảo luận chiều 5/12, kỳ họp thứ 14, các đại biểu cho rằng giao thông là vấn đề "nóng" của Hà Nội.
Theo ông Đàm Văn Huân - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội, hiện nay, các tuyến giao thông lớn, nhất là nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn thành. Tuyến đường sắt đô thị mới làm có 1 tuyến, còn đường BRT cũng mới làm 1/11 tuyến… vì thế áp lực lên hệ thống giao thông rất lớn.
Trong khi đó, nhiều điểm, ô đất được quy hoạch bãi đỗ xe nhưng chậm triển khai khiến người dân đỗ xe tràn dưới lòng đường, vỉa hè. Từ đó, ông Huân đề nghị cần phải rà soát lại việc thực hiện các nghị quyết liên quan mà HĐND TP. đã ban hành.
Đại biểu Phạm Hải Hoa (Chủ tịch Hội Nông dân thành phố) thì đề nghị UBND thành phố rà soát có hướng tuyến xe buýt phù hợp tối đa nhu cầu của người dân nông thôn. Thực tế hiện nay có tuyến nhiều khách, có tuyến không kết nối được. "Việc xây dựng nhà chờ, điểm chờ xe buýt cũng phải đảm bảo thẩm mĩ, phù hợp văn hoá từng vùng, gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương", đại biểu nói.
Thừa nhận năng lực phát triển hạ tầng kỹ thuật và giao thông của Thủ đô đang ở mức thấp, Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện thành phố có khoảng 8,5 triệu dân cư trú và 1,5 triệu dân đi lại tự do. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện tại Hà Nội là khoảng 4-5%/năm, cá biệt ô tô tăng 10%. Vì thế, khả năng đáp ứng diện tích chiếm đất phục vụ giao thông theo quy hoạch yêu cầu là 25-26%, nhưng hiện mới chỉ đạt được gần 13%.
"Phương tiện gia tăng nhưng năng lực đầu tư công cho hệ thống hạ tầng của cả Trung ương và địa phương chỉ khoảng 0,5%, chưa đáp ứng kịp. Nên ùn tắc và thiếu bãi đỗ xe, đặc biệt ở nội đô lịch sử và trung tâm nội thành trở nên trầm trọng", ông Tuấn nói.
Từ đó, ông cho rằng ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, cần tập trung xem xét khả năng đầu tư công, thiết lập cơ chế đầu tư mới. Trong đó, đường sắt đô thị được xác định là "xương sống" của vận tải hành khách công cộng và là mô hình vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao. "Vừa qua, Hà Nội thành công khi triển khai xong tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ dài khoảng 13km nhưng vận tải hiệu quả", ông Tuấn nói.
Thông tin thêm, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, theo các quy hoạch, Hà Nội có 418km đường sắt đô thị với 10 tuyến. Sắp tới, việc điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch thủ đô sẽ nâng lên dự kiến 14 tuyến với tổng chiều dài 500km nối cả các tỉnh trong Vùng Thủ đô và 5 trục phát triển. Tuy nhiên, tính cả tuyến Cát Linh - Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn - ga Hà Nội giai đoạn 1 dài 8,5km đoạn trên cao dự kiến khai thác vào giữa năm 2024, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu.
Từ những yếu tố trên, ông Tuấn cho rằng HĐND thành phố cần thiết lập một đề án tổng thể để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đồng loạt. Quy mô dự kiến là khoảng 40 tỷ USD, tức gần 1 triệu tỷ đồng, tương tự TP. Hồ Chí Minh.
Do đó, ông Tuấn đề xuất thời gian tới, thành phố cần thiết lập bằng được đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, dùng các nguồn lực và đi tìm các cơ chế cả trong Luật Thủ đô, cả trong luật đầu tư công của trung ương, địa phương.