Phim tài liệu lép vế

TP - Bộ phim tài liệu Lives Worth Living (Những cuộc đời đáng sống) của hai đạo diễn người Mỹ vừa công chiếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến người xem xúc động không chỉ về nỗ lực của cộng đồng người khuyết tật (NKT) đấu tranh cho quyền bình đẳng của họ mà còn chính ở cách làm phim. Nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào họ được xem những bộ phim như thế ở Việt Nam?
Các bạn trẻ khuyết tật tại TPHCM hào hứng với bộ phim “Những cuộc đời đáng sống”

Nhiều phim tài liệu, ít công chiếu

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, phim tài liệu về người khuyết tật ở Việt Nam trên thực tế có khá nhiều: “Cuộc đời sau trang sách” (giải C báo chí toàn quốc 2011); “Những trái tim không khuyết tật”; “Họ đã cưới”; “Cha và con”…

Ngay tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội điện ảnh Việt Nam) nhiều bạn trẻ học và sản xuất được phim tài liệu. Có phim tham dự giải quốc tế như “Cha và con” (một người cha không may gặp tai nạn và bị khuyết tật nhưng vẫn cố gắng mưu sinh để nuôi dạy con cái); bộ phim “Họ đã cưới” (câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng khuyết tật, vượt mọi khó khăn để được hạnh phúc)…

Tuy nhiên, ở Việt Nam phim tài liệu ít khi được công chiếu trên truyền hình hoặc ở rạp phim.

Đạo diễn Phan Huyền Thư cho biết thêm, phim tài liệu luôn bị “lép vế”. Nhiều giải thưởng đã được trao cho nhà làm phim tài liệu Việt mà chỉ ở trong giới mới biết. Thậm chí những phim đoạt giải thưởng lớn, nhiều đồng nghiệp muốn xem cũng không biết xem ở đâu.

Một cảnh phim “Cuộc đời sau trang sách”

Đây cũng là nguyên nhân khiến khán giả không tiếp cận được với phim về người khuyết tật ở Việt Nam. Chị Nguyễn Hồng Oanh giám đốc Idea (Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập) nhận xét: Hiện nay, hình ảnh về NKT được ghi lại chỉ là phóng sự ngắn, nêu gương người tốt việc tốt, vượt qua chính mình, đi sâu vào nghị lực phấn đấu, để NKT khác học tập, vươn lên trong cuộc sống. Thế vẫn chưa đủ.

“Tôi rất mong có những bộ phim nói về những khó khăn, rào cản, và những kỳ thị phân biệt mà NKT đang gặp phải hằng ngày”- chị Oanh nói.

Hơn 5 năm cho một bộ phim

Hai đạo diễn Eric Neudel và Alison Gilkey vừa công chiếu tại Việt Nam bộ phim tài liệu “Những cuộc đời đáng sống” kể cuộc đấu tranh về quyền bình đẳng của NKT Mỹ.

Bộ phim đã đưa người xem trở về cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 khi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng NKT tại nước Mỹ ở giai đoạn sôi động nhất. Bộ phim ngợi ca sức mạnh của lòng nhân đạo và sự kiên cường, và những điều con người có thể thực hiện để vượt qua những trở ngại tưởng như không thể vượt qua.

Đạo diễn Eric Neudel nói, ông mong muốn những NKT trên toàn thế giới có thể đoàn kết lại, tạo thành một cộng đồng lớn và đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng mình.

Phim không có người dẫn chuyện mà chính NKT kể câu chuyện của mình. Các đạo diễn sử dụng tất cả những giọng nói của nhân vật và kết nối chúng lại với nhau tạo thành một mạch cảm xúc.

Hai đạo diễn dành 5 năm để thu thập tài liệu, nhân chứng, và cả những thước phim về người khuyết tật bị bỏ vì cho rằng nó không có giá trị. Nữ đạo diễn Alison Gilkey cho biết, họ đã đi đến từng thành phố, thậm chí sang Mehico để tìm những thước phim quý giá cho bộ phim. “Đừng nhìn NKT với ánh nhìn xuống, hay tỏ thái độ khinh thường mà cần cho họ thấy quan điểm của họ được lắng nghe”, Bà Alison cho biết.

Theo đạo diễn Phan Huyền Thư, để có thể làm phim về NKT thì vấn đề phim đặt ra không phải là sự thương cảm, gào khóc. “Đối với tôi, không có NKT mà chỉ có những người kém may mắn hơn mình. Chúng ta cũng sống và họ cũng vậy nên tôi đặt họ bao giờ cũng cao hơn mình, không có sự thương xót mà chỉ là sự cảm phục”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, nên có thêm những bộ phim về NKT, không chỉ là phim tài liệu, bởi hơn ai hết, NKT là những người giàu nghị lực. “Khi người ta bị lấy đi cái này, họ sẽ được ban tặng cái khác”. Cần hiểu NKT cho đúng, nhân văn để có những thước phim hay đưa NKT hòa nhập với cuộc sống.Tuy nhiên, những mong muốn đó dường như vẫn còn xa vời.