Mùa xét giải thưởng về VHNT đợt này xem ra sóng gió. Mà từ trước tới giờ có bao giờ xuôi chèo mát mái đâu. Ở cơ quan cũ của tôi đang có chuyện hai nhà biên kịch đồng ký đơn kiến nghị một đạo diễn vì cho rằng ông đã “đem những tác phẩm chung xin giải thưởng riêng”. Đó là Nguyễn Thước, đề cử giải thưởng Nhà nước cho ba bộ phim được giải LHP quốc gia: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám.
Khoan nói Nguyễn Thước xứng đáng hay không. Nhưng là người từng ở trong chăn, tôi thấy cả hai nhà biên kịch đều sai khi lập luận rằng: “Nguyễn Thước xin xét giải cho các phim trên với tư cách tác giả là không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác của VHNT”.
Những ai kinh qua làm phim tài liệu đều biết, một kịch bản được gọi là hay để lên bục nhận giải biên kịch, nếu không nhờ bàn tay lao lực của đạo diễn thì tới mùa quýt mới tỏa sáng. Bởi nhiều khi cái gọi là kịch bản văn học ấy chỉ là đề cương sơ sài nằm chỏng chơ trong tủ của phòng biên tập không ai muốn nhận. Kịch bản đó chỉ được duyệt khi có đạo diễn đủ uy tín nghề nghiệp nhận.
Một phim làng nhàng thì không nói. Những phim được đánh giá cao, công lao của cả tập thể từ biên kịch cho tới anh lái xe là có. Nhưng công của đạo diễn là không thể tính hết được. Bởi vậy, ở lĩnh vực điện ảnh (nhất là phim tài liệu), tác giả chính vẫn là đạo diễn chứ không phải biên kịch. Đó là một thực tế không có gì mập mờ phải tranh cãi nữa.
Lấy ví dụ phim Hà Nội trong mắt ai là của đạo diễn Trần Văn Thủy chứ không phải của nhà biên kịch Đào Trọng Khánh. Mặc dù trên phim, tên Đào Trọng Khánh để trên cùng, trên cả Trần Văn Thủy. Từ đề cương kịch bản Hà Nội năm cửa ô (tên ban đầu) cho tới Hà Nội trong mắt ai là cả một quá trình thay đổi. Thậm chí có những nhận thức lại toàn bộ tinh thần (chủ đề) của phim. Chỉ đề tài (về Hà Nội) là giữ nguyên. Kể cả nếu phim không bị vùi dập thì anh Khánh cũng không thể tranh công của anh Thủy được! Đó là chân lý.
Phim Làng tranh Đông Hồ tôi làm năm 1986 vốn chỉ là cái đề cương lăn lóc không ai muốn nhận của Trịnh Đình Khôi (hồi đó làm thư ký cho ông Hà Xuân Trường ở Ban VHTTTƯ). Đến khi phim thành công tại hai LHP quốc tế Krakow (Ba Lan) và Leipzig (CHDC Đức), tác giả kịch bản Trịnh Đình Khôi bèn nhảy vào tranh giành tác quyền chính của phim.
Nhắc lại chuyện không vui này để thấy, làm điện ảnh xứ ta sao mà thê thảm. Lúc khó khăn chả thấy ai, lúc có chút “đỉnh chung” thì tranh giành, bôi bác nhau. Chả thế phim tài liệu cứ lụn bại, không ngóc đầu lên được.
Tôi không thân thiết lắm với Nguyễn Thước, chỉ biết anh (ngoài biên chế của xưởng) hay đi quay cho hai đạo diễn Sỹ Chung và Vũ Phách. Khởi nghiệp, Nguyễn Thước từng đi làm phụ động (hợp đồng khuân vác) ở các đoàn làm phim truyện. Cuối 1972 nộp đơn thi vào lớp quay phim khóa 6 bị trượt. Không nản, tiếp tục phấn đấu thi vào quay phim khóa 1 ở ĐH SKĐA.
Tốt nghiệp ĐH quay phim không xin được việc làm (vì không có biên chế), vẫn bám các đoàn phim để được làm nghề. Tháng 5-1992, Nguyễn Thước quay Hà Nội có cầu Long Biên do tôi vừa là tác giả vừa đạo diễn chính. Nhìn anh quay phim gầy tong teo cầm chiếc máy quay nhựa nặng di chuyển trên các thanh dầm cầu Long Biên, tôi chỉ lo gió thổi bay cả người lẫn máy xuống sông.
Nhưng nhận những mẻ nháp đầu tiên với những khuôn hình chững chạc, những cú lia chắc chắn, tôi thấy yên lòng. Không chỉ tôi mà các chuyên gia điện ảnh Pháp cũng tin tưởng mà tiếp tục nhờ Thước quay tiếp, khi phim của tôi đã xong.
Mong sao các nghệ sỹ điện ảnh tài liệu có thể sống đàng hoàng bằng nghề (như giới ca sĩ đắt sô), mà không phải tranh giành nhau mỗi dịp xét danh hiệu, giải thưởng. Và mong rằng, số tiền tốn kém chi cho các giải thưởng và danh hiệu- thà đầu tư phát triển VHNT nói chung, điện ảnh nói riêng, nhằm từng bước gây dựng đào tạo đội ngũ văn nghệ sỹ- cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật.
Để có thể tự túc làm phim lịch sử mà không phụ thuộc vào ngoại nhân và ngoại bang, như vụ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vừa qua…
Phạm Cường, quay khoảng 30 phim tài liệu và khoa học. Đạo diễn kiêm quay ba phim: Thủy điện nhỏ, Dịch hạch (Bông Sen Bạc LHP VN lần 8), Làng tranh Đông Hồ (giải Đặc biệt LHP VN lần 8 và bằng Diplom của LHP quốc tế Krakow - Ba Lan (1987).
Phạm Cường (CHLB Đức)
Nguyễn Thước đã thua?
Tin mới nhất, công văn đề ngày 13-7 của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải gửi Hội đồng cấp cơ sở giải thưởng Nhà nước về VHNT Hội Điện ảnh Việt Nam- sau khi xem xét đơn kiến nghị của bà Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư, có nội dung:
“Đối tượng được xét tặng giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh là tác phẩm chứ không phải tác giả; Đề nghị Hội đồng cơ sở Hội Điện ảnh Việt Nam thông báo cho đạo diễn Nguyễn Thước bổ sung ý kiến đồng thuận, nhất trí của các đồng tác giả cụm ba tác phẩm- Văn bản trả lời gửi về Hội đồng cấp Bộ trước 16h30 ngày 19-7 để Hội đồng cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước, vì theo qui định tại Khoản 4 Điều 5 (Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL): Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải không có tranh chấp về quyền tác giả”...
Như vậy, có thể coi như đạo diễn Nguyễn Thước đã thua trong cuộc đấu với hai đồng nghiệp. Bởi trong ngày 14-7, biên kịch Phan Huyền Thư ngoài chuyển cho các báo công văn vừa trích dẫn ở trên, còn chuyển cả lá thư ngỏ chị gửi đạo diễn Nguyễn Thước tựa đề “Chất xám- những khảo dị đau lòng”, giải thích vụ việc mà chị gọi là “nhiệt tình kiến nghị” của mình vừa qua.
Lá thư đồng thời là bài viết này bộc lộ mâu thuẫn nghề nghiệp sâu sắc, kéo dài giữa hai người, để đến nay- như chị Thư viết: “Tôi đau lắm anh Thước ạ! Trong khi chúng ta hôm nay đối đầu trên công luận, anh thấy buồn, nhưng tôi đau lòng và thấy “nhục nhã” về những điều vừa nói. Nó đã biến tôi thành một kẻ “tiểu nhân-tiểu khí” trong mắt mọi người”.