Ông Raymond, 92 tuổi, cho hay máy bay B-29 của ông tham gia chiến dịch tuyệt mật ném bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6.8.1945 và khi đó ông bay qua Nagasaki để thu thập thông tin thời tiết. Khi đáp xuống căn cứ ở đảo Tinian, ông mới biết phi đội ông bay cùng vừa ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Sinh tại Chicago, ông Biel tốt nghiệp trung học năm 1940 và theo bạn gái vào đại học Michigan. Khi ông học năm nhất thì Nhật tấn công Trân Châu Cảng, sau đó ông ghi tên vào Không quân Mỹ.
Sau khi huấn luyện ở trường bay, ông được chọn làm phi công phụ bay loại máy bay ném bom mới nhất, chiếc B-29, và được gửi đến Fairmont, bang Nebraska để đào tạo.
Trước khi những chiếc B-29 đến căn cứ, giáo viên dạy bay đã đưa Biel một cuốn hướng dẫn sử dụng máy bay, "có kích thước bằng cuốn niên giám điện thoại", ông Biel nhớ lại. Ba ngày sau, Biel trả lại cuốn hướng dẫn bay và vị hoa tiêu ngạc nhiên không hiểu anh chàng trung úy trẻ này làm cách nào mà đọc hết cuốn sách nhanh như vậy.
Đại tá Paul Tibbets, người bay trên chiếc B-29 có biệt danh Enola Gay sau này đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, đã chọn 15 phi hành đoàn từ Nebraska cho nhiệm vụ bí mật và đưa họ đến Wendover, bang Utah. Sau khi đào tạo trong sa mạc và tại Cuba, các phi hành đoàn được chở tới Tinian, một hòn đảo nhỏ, cách phía bắc đảo Guam khoảng 160 km.
Tinian bị thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm giữ từ cuối mùa hè năm 1944, người Nhật Bản đã xây dựng một sân bay ở đó khi cuộc chiến bắt đầu. Đến tháng 8.1945, sân bay Tinian là bận rộn nhất thế giới, mỗi phút có một máy bay cất cánh từ mỗi trong bốn đường băng.
Ngày 6.8.1945, máy bay B-29 của Biel và 2 chiếc B-29 khác bắt đầu bay ở độ cao thấp - khoảng 762 m - sau đó bắt đầu lên độ cao 9.144 m khi bay đến Iwo Jima, làm nhiệm vụ ghi nhận điều kiện thời tiết. Ba máy bay ghi nhận thời tiết rất tốt, và cả ba mục tiêu dự định ném bom đều trông rất rõ. Ba chiếc máy bay B-29 khác bay đến Hiroshima và 1 chiếc (Enola Gay của đại tá Tibbets) đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên. Trong khi đó có 1 chiếc B-29 khác đậu ở Iwo Jima để dự phòng.
Khi những chiếc máy bay quay về sân bay, Biel và các đồng đội mới được nói về vụ ném bom nguyên tử vừa xảy ra, và đại tá Tibbets được gắn huân chương.
Ba ngày sau, Biel ở trong một chiếc B-29 dự phòng đậu trên sân bay ở Iwo Jima, trong khi sáu chiếc B-29 khác bay tới Nhật Bản. Đầu tiên phi đội này bay tới Kokura, nơi có các nhà máy vũ khí lớn nhất của Nhật Bản, nhưng tại đây có quá nhiều mây. Sau khi lượn vòng khoảng một giờ, phi đội B-29 quyết định bay đến mục tiêu thứ hai, thành phố Nagasaki.
Ở Nagasaki cũng nhiều mây, ông Biel nói, và các phi công đã quyết định sử dụng radar để thả bom. Nhưng ngay trước khi họ định làm, một khoảng trống bỗng xuất hiện trong những đám mây. Chiếc máy bay thả quả bom nguyên tử rơi cách mục tiêu đã định khoảng 5 km. Sau đó, các phi công phát hiện ra rằng nếu họ đã thả trúng mục tiêu thì họ sẽ phá hủy một trại giam, giết chết 12.000 tù binh Anh.
Vào thời điểm đó, Biel cho biết ông và phi hành đoàn chiếc máy bay ở Iwo Jima rất lo lắng. Sau ba giờ, họ nghe nói rằng máy bay ném bom Nagasaki đã hạ cánh trên đảo Okinawa và ngay lập tức hết nhiên liệu. Hai trong số 4 động cơ của máy bay này đã không còn chạy ngay khi máy bay xuống đường băng.
Mặc dù Biel không biết trước trong nhiệm vụ đầu tiên về loại bom sẽ thả, nhưng ông cho biết ông và các phi công đã hạnh phúc vì "biết chiến tranh sẽ kết thúc".
Đại tá hải quân về hưu, Richard Suttie, một người bạn của Biel tại sự kiện ở San Diego, nói thêm rằng một cuộc đổ bộ của Mỹ lên Nhật Bản đã được lên kế hoạch, trong trường hợp việc ném bom nguyên tử không làm Nhật Bản đầu hàng, và thương vong cho cuộc đổ bộ được dự kiến khoảng 80%.
Đại tá Mark Tull, chỉ huy căn cứ tuyển dụng Thuỷ quân lục chiến ở San Diego nói với các tân binh rằng Nhật Bản đã thề "chiến đấu đến người cuối cùng", và cuộc đổ bộ theo kế hoạch sẽ có đến 40 sư đoàn. "Những quả bom nguyên tử đã cứu nhiều mạng, và cứu thế giới", ông Tull nói.
Post by Báo Tiền Phong.