Ca ghép phổi lịch sử
Một chiều cuối năm Dương lịch 2018 ở Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia hàng đầu về y khoa tiến hành nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người sống hoặc người cho chết não”.
Ly Chương Bình cũng có mặt. Nhìn cậu bé 8 tuổi vui vẻ chạy nhảy, cười nói, chào hỏi mọi người, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (phản biện một của Đề tài) nói: “Đây chính là kết quả tuyệt vời, một thành quả lớn của Học viện Quân y và nền y học Việt Nam”.
Ly Chương Bình (sinh năm 2000 ) là cậu bé người dân tộc Dao ở vùng núi xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Hai tháng tuổi, bé có biểu hiện của bệnh viêm phổi. Do sống ở vùng sâu, gia đình lại khó khăn, bố mẹ làm nương rẫy, bé được người thân cho uống thuốc lá. Theo lời mẹ cháu, chị Phạm Thị Yến, lên 3 tuổi cháu vẫn khò khè, bệnh tình trở nặng, gia đình phải vay mượn khắp anh em hàng xóm, cho cháu đi viện liên tục, từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Năm 6 tuổi cháu được đưa lên Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng bệnh rất nặng.
“Đề tài không chỉ hoàn thành sớm hơn kế hoạch một năm, các chỉ tiêu đặt ra đều đạt mức cao. Sau đề tài, trình độ ghép phổi của Việt Nam đã ngang hàng nhiều nước lớn trên thế giới”.
GS.TS Lê Gia Vinh
GS.TS Đỗ Quyết, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chia sẻ, trước thời điểm ghép phổi, cháu Ly Chương Bình 7 tuổi nhưng chỉ cao 90cm (chiều cao tương đương với bé 2,5 tuổi), cháu rất yếu và gầy, luôn trong tình trạng khó thở, môi tím, đi lại khó khăn. Tiên lượng của hội đồng chuyên môn, Ly Chương Bình bị giãn phổi, trong phổi chứa nhiều túi dịch nhiễm khuẩn, nếu chữa trị không tốt thời gian sống còn lại rất ngắn ngủi. Hội đồng chuyên môn nhận định, chỉ định tối ưu, gần như duy nhất trong trường hợp của cháu là thay thế 2 phổi. Ngày 21/2/2017, ca ghép phổi được tiến hành.
Đây là ca ghép phổi từ người cho sống. Theo các chuyên gia, việc ghép phổi từ người cho sống có nhiều ưu điểm hơn so với người chết não như thời gian chờ ngắn, kế hoạch ghép phổi có thể kiểm soát được, tỷ lệ nhiễm trùng lan sang phổi ghép hay biến chứng phế quản ở mức không thường xuyên hoặc hiếm. Trong ca ghép phổi trên, Bình được ghép 2 thùy phổi từ người cho là bố đẻ và bác ruột.
Đánh giá của giới y khoa, ghép phổi là một trong những kỹ thuật rất khó. Bởi lẽ, phổi là cơ quan hô hấp cung cấp ôxy cho cơ thể, hít thở với không khí bên ngoài. Tất cả vật lạ, không khí thay đổi hay vi trùng đều ảnh hưởng ngay đến phổi. Trước năm 2017, Việt Nam từng thành công trong ghép thận, ghép gan, tim… song chưa có ca ghép phổi nào thành công. Vì thế, để thực hiện ca mổ thuộc dạng “lịch sử” của y khoa Việt Nam, nhiều cán bộ được cử đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản). Ngày 21/2/2017, một ê kíp hùng hậu được huy động gồm các bác sỹ của Học viện Quân y, Bệnh viện Bạch Mai, Nhi trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy bắt tay vào thực hiện ca ghép.
Khi hỏi mẹ Bình, có lo sợ nếu ca ghép phổi không thành công? Chị Yến kể, cháu ốm yếu từ nhỏ, gia đình từng tuyệt vọng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Vì thế, khi ca ghép phổi thành công, chị cũng như gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc. “Các bác sỹ đã cho cháu, cho gia đình em sống lại”, chị Yến không giấu được niềm vui.
Sự hồi sinh kỳ diệu
Gần 2 năm sau ca mổ lịch sử ấy, Ly Chương Bình giờ là cậu bé lớp 2 nhanh nhẹn, hoạt bát, hay nói cười. Theo BS Đỗ Quyết, từ cậu bé 7 tuổi có chiều cao tương đương bé 2,5 tuổi, Bình giờ đã đạt tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao của một em bé bình thường theo chuẩn quốc tế. Hơn 22 tháng nay, tình trạng của Bình rất tốt.
Để tiện cho quá trình theo dõi sức khỏe của Bình sau phẫu thuật, các bác sỹ Học viện Quân Y đã bố trí chỗ ở miễn phí cho hai mẹ con tại Ký túc xá Học viện. Mẹ cháu được bố trí việc làm ở Khoa Dược của Học viện, còn Bình được các bác sỹ xin cho học tại Trường tiểu học Văn Yên. Toàn bộ chi phí phẫu thuật, điều trị của cháu được miễn phí hoàn toàn.
Mẹ Bình tâm sự, chưa bao giờ cháu khỏe mạnh, tươi vui như bây giờ. Trước đây, đưa cháu đến trường nhưng cháu mệt lả, chỉ ngồi thở, không học được, các cô lại cho cháu về. Giờ đây, Bình đang có thể đọc tốt, viết tốt, tính toán nhanh. GS Đỗ Quyết nói “Một trong những thứ chúng tôi đạt được là Bình sẽ phát triển bình thường. Tôi tin rằng sau này cháu học tốt, có thể thi đại học, lập gia đình, tham gia trách nhiệm xã hội như bình thường. Đó là điều đáng quý”.
Chia sẻ yếu tố thành công của Đề tài, GS Quyết nói có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là phải có bộ máy tổ chức tốt, vận hành ăn nhịp với nhau. Toàn bộ quy trình ghép phổi từ người cho sống có hàng ngàn khâu, các khâu đó phải vận hành nhuần nhuyễn, hỏng một mắt xích thôi là toàn bộ quá trình ghép tạng không thành công. Thứ 2 là trình độ chuyên môn, để một ca ghép tạng thành công cần tham gia của rất nhiều chuyên khoa từ nội khoa, dinh dưỡng, sinh hóa, huyết học, gây mê, hồi sức.
Tại buổi nghiệm thu diễn ra chiều 27/12/2018 ở Bộ Khoa học và Công nghệ, các bác sỹ là chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực đều đồng ý xếp loại đề tài xuất sắc, mức thành công cao nhất của một đề tài nghiên cứu. Theo GS.TS Lê Gia Vinh, Tổng hội Y học Việt Nam nói “Đề tài không chỉ hoàn thành sớm hơn kế hoạch một năm, các chỉ tiêu đặt ra đều đạt mức cao. Sau đề tài, trình độ ghép phổi của Việt Nam đã ngang hàng nhiều nước lớn trên thế giới”. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, ghép phổi là kỹ thuật rất khó, đề tài xứng đáng xếp loại xuất sắc.
GS Đỗ Quyết cho biết, ca ghép phổi đầu tiên thành công mở ra hy vọng, cơ hội cho nhiều bệnh nhân đang chờ ghép phổi. Thời gian tới, sau khi Trung tâm ghép tạng của Học viện được thành lập, viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai hướng đi này.
Ghép phổi là biện pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân bệnh phổi ở giai đoạn cuối khi điều trị nội khoa không kết quả. Số bệnh nhân mắc các bệnh phổi mạn tính ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao, đang có xu hướng gia tăng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh mạn tính.