Phát hiện giấy phép lái xe giả kiểu mới

TP - Từ năm 2012 đến nay, sau khi áp dụng cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho người dân theo mẫu mới bằng nhựa PET, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp làm GPLX giả ở 4 tỉnh, thành.

Giống như thật

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin từ các địa phương về việc một số đối tượng đã làm giả GPLX theo mẫu mới bằng nhựa PVC.

Ông Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn cách phân biệt GPLX thật, giả

Cụ thể, Thanh tra giao thông Sở GTVT Bình Thuận vừa phát hiện 2 trường hợp làm giả GPLX theo mẫu mới bằng nhựa PVC. Hai tài xế bị phát hiện sử dụng GPLX giả là Bùi Quốc Công (trú xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) và Trần Văn Thuận (trú Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).

Chiếc GPLX của tài xế Công được giả chữ ký của ông Lê Trọng Thành, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình (ký ngày 24/10/2013). Còn GPLX của tài xế Thuận được giả chữ ký của ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM (ký ngày 14/10/2013).

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: GPLX mới bằng nhựa PET có hoa văn màu vàng rơm, kích thước 85x53 mm, có nội dung như họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạn sử dụng, hạng lái xe... bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Về cơ bản GPLX giả và thật là rất giống nhau, người dân rất khó phân biệt, nhưng đối với cơ quan chức năng sẽ nhận biết được ngay.

Ông Quyền cho hay, ngoài việc sử dụng công nghệ chống làm giả truyền thống, GPLX mới còn được áp dụng công nghệ Hologram công nghệ mới (3D-chỉ phát sáng dưới đèn tia cực tím) và công nghệ IPI (mã hóa). GPLX giả cũng được in hình người lái theo công nghệ số hóa. Các hoa văn trên GPLX giả giống hệt như thật.

Tuy nhiên, để phân biệt GPLX giả và thật cần căn cứ vào các đặc điểm sau: GPLX giả thường có màu đậm hoặc nhạt hơn so với GPLX thật. Các vị trí chống giả trên GPLX giả không phản quang phát sáng như GPLX thật.

Hai trường hợp sử dụng GPLX giả phát hiện tại Bình Thuận. Ảnh: Phạm Bằng

“GPLX thật được bảo mật ở 3 mức độ, tùy thuộc vào cấp độ quản lý nhà nước mà chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về việc phân biệt GPLX thật, giả. Ở cấp độ 1, người dân có thể tra cứu tại website: www.GPLX.gov.vn sau đó nhập số GPLX vào đó, nếu là GPLX thật sẽ hiển thị cửa sổ với các thông tin cơ bản như họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, ngày cấp và hạng. Nếu là GPLX giả sẽ không hiển thị các thông số trên” - ông Quyền nói. Còn các cấp độ bảo mật khác, ông Quyền chưa tiết lộ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, năm 2013, Công an tỉnh Ninh Bình từng phát hiện 2 trường hợp sử dụng GPLX giả bằng nhựa PVC. Vụ việc này đang được Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành điều tra. Hai trường hợp sử dụng GPLX giả tại Ninh Bình không phải phôi do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.

Cấp kính soi GPLX cho CSGT

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện cơ quan này đã trao hơn 1.000 bộ kính giải mã cho Cục CSGT Đường bộ đường sắt đồng thời tập huấn cách kiểm tra thật, giả cho CSGT 63 tỉnh thành trên cả nước. Từ chiếc kính giải mã, CSGT sẽ dễ dàng nhận ra hình ảnh và thông tin ẩn sau tấm ảnh trên GPLX.

Theo ông Quân, thời gian tới, khi việc áp dụng GPLX dạng PET rộng rãi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp kính soi cho lực lượng chức năng. Ông Quân cũng cảnh báo, để tránh bị các đối tượng “cò mồi” lợi dụng lừa làm GPLX giả, người dân nên đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp tại các cơ sở thuộc các Sở GTVT trên cả nước và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ngoài ra, khi nghi vấn về GPLX giả thì cần vào www.GPLX.gov.vn để tra cứu.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Diễn, Phó Phòng Quản lý phương tiện (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, cuối năm 2013, đơn vị nhận được thông báo từ tổ sát hạch GPLX phát hiện 1 trường hợp sử dụng GPLX giả bằng nhựa PVC. Sau khi phát hiện, tổ sát hạch đã có văn bản gửi lên cấp trên đề nghị xử lý.