Pháp luật và đạo đức

TP - Vừa qua, có hai sự việc ở trong nước thu hút sự chú ý của dư luận, một phần vì đều gây sốc, một phần vì đều gây tranh cãi.

Việc thứ nhất: Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng chỉ thị thuộc cấp không chơi golf, kể cả ngày nghỉ để bảo đảm công việc.

Việc thứ hai: tỉnh Nam Định, trong kỳ thi tuyển công chức mới đây nói không với các cử nhân thuộc hệ ngoài công lập, tại chức.

Gây tranh cãi là ở chỗ, mục đích của hai hành động trên có vẻ là tốt, nhưng hai quyết định đều được xem là trái với hệ thống pháp luật hiện hành.

Xét về yếu tố tích cực, ít nhất, chuyện tỉnh Nam Định từ chối bằng cấp của các trường đại học dân lập, tư thục, của hệ tại chức, chuyên tu là phản ứng mạnh mẽ của xã hội đối với “chất lượng sản phẩm” của hệ thống đào tạo nói chung và đào tạo tại chức, ngoài công lập nói riêng vốn đang đầy rẫy vấn đề nhức nhối. Và qua chỉ thị cấm cán bộ trong ngành chơi golf, Bộ trưởng Đinh La Thăng đang cho thấy ông quyết tâm cải tổ, đổi mới cung cách làm việc của Bộ Giao thông - Vận tải.

Hai quyết định nói trên, dù nhận được không ít ngợi khen từ một bộ phận công chúng, nhưng lại có vấn đề về tính pháp lý, cần tháo gỡ để nó đi vào cuộc sống một cách hợp lý, hợp tình.

Vấn đề thượng tôn pháp luật vô tình được đặt ra qua rất nhiều sự kiện gần đây. Ở Việt Nam, một thanh niên tên Lê Văn Luyện ở Bắc Giang đã giết một lúc ba người và chém bị thương nặng một người khác với những tình tiết hết sức máu lạnh. Dư luận phẫn nộ, đòi áp dụng mức án cao nhất đối với Luyện, nhưng nếu xác định anh ta chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội thì, dù vụ án quá tàn ác, công chúng quá căm phẫn, những người thực thi chức năng tư pháp cũng không thể thay đổi những quy định của pháp luật mà áp dụng án tử hình đối với anh này.

Cũng trong những ngày vừa rồi, Na-uy và cả thế giới bàng hoàng trước vụ khủng bố kép do sát thủ 32 tuổi Anders Behring Breivik gây ra: 76 người đã bị anh ta giết chết bằng bom và bằng súng trong một ngày. Dù Breivik, nói như người Việt là chết nhiều lần cũng không hết tội, nhưng khung hình phạt cao nhất của Na-uy đối với tội danh khủng bố chỉ là 30 năm tù giam.

Còn về chuyện quan chức chơi golf, nước ngoài cũng không thiếu tiền lệ. Cách đây 5 năm, thủ tướng Hàn Quốc lúc bấy giờ là Lee Hae-chan đã phải từ chức vì đi chơi golf khi cuộc biểu tình của nhân viên ngành đường sắt diễn ra trên toàn quốc, dù hôm đó là ngày lễ. Nhưng vấn đề là ông từ chức, chứ không có luật nào quy định ông không được chơi golf trong ngày nghỉ cả.

Hay hồi năm 2007, cũng ở Hàn Quốc, tướng Kim Sung-il, tư lệnh không quân từ chức vì “đi chơi golf trong khi Hàn Quốc tưởng niệm một binh sĩ thiệt mạng tại Afghanistan”.

Chuyện vì chơi golf mà từ chức của ngài thủ tướng hay tư lệnh không quân xứ Hàn cho thấy rõ một điều: đạo đức, trách nhiệm và liêm sỉ của quan chức mới là điều mấu chốt. Nhưng đạo đức, trách nhiệm, liêm sỉ ấy không tự nhiên có theo những chỉ thị, hô hào chung chung mà phải bắt nguồn từ những quy định chặt chẽ đi kèm với ý thức thượng tôn pháp luật mà quan chức, hơn ai hết, phải là những “đầu tàu gương mẫu”.

Theo Báo giấy