Phận người trong giá buốt: Đêm trắng vùng biên

TP - Khi cái rét xứ Lạng đông cứng trên Mẫu Sơn, đậu những bông băng tuyết kỳ thú thì ở vùng biên có những mảnh đời trĩu nặng lo âu. Cái rét miền biên viễn làm cho những người lái xe đường dài phương xa tắc ứ hàng ở cửa khẩu khổ sở, vất vả trăm đường.

Vượt qua cái rét thấu da, buốt thịt, nhiệt độ ngoài trời xuống còn khoảng 2-3 độ C cộng với làn mưa bụi phương Bắc làm con đường chúng tôi đi từ thành phố Lạng Sơn lên khu vực cửa khẩu thêm xa ngái.

Cửa khẩu Tân Thanh nằm ở thôn Nà Han, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng khá trầm mặc. Không còn những đoàn xe đỗ dặm dài ở trên tuyến đường dẫn đến cửa khẩu, nhưng tại bãi kiểm hóa Bảo Nguyên vẫn còn 797 xe container, chật ních.

Nhóm “Lái xe chuyên trách” lèn áo kín mít Ảnh: Duy Chiến

Lạnh buốt khi cơn gió siết mạnh. Anh Nguyễn Văn Lai (29 tuổi, quê Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chở trên hai chục tấn xoài đến Tân Thanh gần chục ngày nay. Đôi mắt anh sâu trũng, tóc bơ phờ vì thiếu ngủ. Anh bảo, do thời tiết ở miền Bắc lạnh, không quen. Mấy hôm nay trời bỗng mưa, buốt hết chân tay, người mẩn ngứa. Sợ nhất là ban đêm, hơi nước từ đâu ập đến, khí núi lạnh tái tê từ dãy núi cạnh bên chui vào cabin nên khó tròn giấc.

“Tôi không sao ngủ được vì cái buốt giá cứ bủa vây khắp người. Trời nồm nên chiếc chăn mỏng như ướt sũng nước. Đã vậy, những con cú đêm, chim lợn thi thoảng kêu thoảng thốt rất hãi hùng”, anh Lai thuật lại.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Dương, lái xe biển số 77H-007.49 chở dưa từ Gia Lai đỗ đậu từ bãi Bảo Nguyên hơn mười ngày cho hay, do không có tiền ở nhà trọ nên đa số lái xe phải ngủ trên cabin ô tô. Xe phải chạy máy lạnh để giữ nhiệt cho nên ngủ cũng đỡ, thêm nữa cũng là để canh giữ đồ đạc, hàng hóa vì nạn trộm cắp xăng dầu vặt cũng từng xảy ra. Do trời lạnh nên hàng tuần nay, anh và các đồng nghiệp không tắm, người cứ như có ai cù, rất ngứa.

“Việc giặt giũ cũng rất nhiêu khê. Sau khi năn nỉ các chủ nhà trọ xung quanh cho giặt đồ miễn phí, gặp trời mưa nên không biết phơi ở đâu, anh em tôi có sáng kiến là mở nắp capo rồi treo quần áo, thế cũng ổn”, anh Dương nói.

Muôn mặt gian khó

Bên cạnh việc phải đối diện với mùa đông dịch cúm phát triển, lây lan, trong lúc này Lạng Sơn đang rất phức tạp, có ngày có tới 800 ca bệnh COVID-19 thì mưa rét gây trở ngại cho việc đi lại làm thủ tục thông quan của cánh lái xe.

Hai tài xế Lai và Phương lo cái ăn hàng ngày Ảnh: Duy Chiến

Anh Đàm Văn Phương (52 tuổi, quê ở Gia Lai), chở xoài từ tỉnh Tiền Giang đến Tân Thanh đúng dịp rét đậm, rét hại. Anh cho biết, thi thoảng anh em đi gom giấy báo, cây cỏ vương góc núi để đốt sưởi đồng thời góp phần xua đuổi muỗi bu khắp người. Tuy nhiên, sau đó sợ hỏa hoạn cháy xe. Trời mưa thì không tài nào nhóm được lửa.

“Cũng vì mưa rét nên việc nấu cơm cũng gặp khó khăn. Đại đa số anh em tài xế ngày 2 bữa đến các căng tin, quán cơm cóc trong bãi Bảo Nguyên mua với suất 80 nghìn đồng. Vừa đắt lại không đúng khẩu vị, nhưng biết làm sao được, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, anh Phương tâm sự.

Nói rồi, anh Phương leo lên cabin ô tô chui vào chăn thì có tiếng cằn nhằn vì xí chỗ của ai đó. Anh lại quay xuống đất, xoa xoa bàn tay cho đỡ cóng rồi tiếp tục trò chuyện với tôi. Anh bảo, tình cảnh chờ trên chục ngày, có người hơn 20 ngày ở xứ Lạng phải chi phí đủ thứ, nào là tiền bến bãi, tiền test Covid-19 thường xuyên, tiền ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh…

“Tính toán trung bình mỗi ngày ở đây, chúng tôi phải mất gần một triệu đồng. Càng ùn tắc, ở lâu chúng tôi càng sốt ruột. Thêm nữa, bây giờ xăng dầu lên giá rất cao, mà chúng tôi phải nổ máy 24/24 giờ để giữ nhiệt cho hàng hoa quả tươi nên tốn kém chồng chất. Cứ như thế này, cánh lái xe sẽ bỏ nghề vì thua lỗ”, anh Phương nói.

Theo anh Phương, tiền công lái xe container từ niềm Nam ra đến cửa khẩu và hoàn thành công việc được trả 30 triệu đồng. Ngày trước không tắc hàng thì có lãi, nay phải chầu chực ở Tân Thanh trên 10 ngày mà giá xăng dầu “phi mã” nên anh em phải dè sẻn trong việc chi tiêu hàng ngày, nếu không sẽ khó có tiền về quê.

Tôi bỗng thấy một toán người mặc áo bảo hộ đang túm năm, tụm ba gần cổng bãi Bảo Nguyên. Thì ra, đó là toán lái xe “chuyên trách”, chuẩn bị hành nghề từ bãi kiểm hóa đến khu vực sát biên giới Việt - Trung rồi giao xe, hàng cho phía bạn. Anh Huân, trạc 40 tuổi, người Bắc Giang cho chúng tôi biết: “Đúng là xứ Lạng thời tiết thật khắc nghiệt. Mùa hè thì nắng, hanh khô còn mùa đông buốt giá. Đội lái xe chuyên trách nêm gần chục cái áo mà vẫn lạnh. Hơn nữa, phải mặc áo bảo hộ phòng chống dịch nom như Sum-mô. Mấy hôm trời mưa rả rích, buộc khoác thêm cái áo mưa, vận động mạnh là rách áo…

“Tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến sáng 21/2 là 1.966 xe. Trong đó, cửa khẩu Tân Thanh còn 797 xe, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 1.162 xe. Trong khi đó năng lực thông quan hàng hóa 3 cửa khẩu ở Lạng Sơn là hạn chế, trong ngày mới xuất được 52 xe hàng sang Trung Quốc”. Trích Báo cáo của Ban Quản lý Khu KTCT Đồng Đăng- Lạng Sơn.

Trở lại thành phố Lạng Sơn, trên quốc lộ 1A, chúng tôi ghé vào Khu trung chuyển hàng hóa ở Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc. Các khu đất đồi mới san gạt để tạo mặt bằng, hơn nửa tháng nay, trời mưa rả rích làm mặt đường đất nhão nhoét, có nơi tạo vũng bùn đầy nước nên không xếp đủ trên một nghìn phương tiện như hồi trước tết Nguyên đán.

Anh Thành Đông (42 tuổi, quê Hải Dương), là tài xế chở hoa quả từ Bình Thuận đến đây đã vài ba ngày. Trời buốt giá, anh không dám thò đầu ra khỏi cabin. Anh bảo, nơi này chưa có quán cơm nên mọi người phải chung tiền để mua thực phẩm với giá “cắt cổ” về nấu. Toàn cánh đàn ông không quen nội trợ lại gặp mưa phùn nên loay hoay nửa ngày mới được bữa cơm hạt chín, hạt sống. Thêm nữa, ở đây chưa có hệ thống vệ sinh khép kín nên rất “mắc mệt”.

Chập tối, trời báo hiệu những cơn mưa đang đến. Tôi vội vã chia tay anh em. Rời xa họ, hình ảnh cánh tài xế, phụ xe đường dài ngồi bó gối, ngáp ngắn ngáp dài giết thời gian rồi hướng đôi mắt thâm quầng ra cửa khẩu cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường. Có thể, hôm nay họ lại trắng đêm…