Phân luồng nhận thức

TP - Học lực kém đừng thi đại học. Vẫn còn nhiều con đường vừa sức, hiệu quả khác để bước vào đời như học cao đẳng, trung cấp nghề.

Đó là những thông điệp rất rõ ràng mà ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, một địa phương sát nách thủ đô và trong những năm gần đây có những bước tiến ngoạn mục trong việc công nghiệp hóa nền kinh tế tỉnh nhà.

Đương nhiên, tính mới mẻ của vấn đề và những cập rập trong tổ chức thực hiện đã khiến chủ trương phân luồng học sinh THPT của Vĩnh Phúc vấp phải một số phản đối từ phụ huynh và học sinh. Nhưng đúng như lời một hiệu trưởng THPT ở Vĩnh Phúc nhận xét, nếu phụ huynh, học sinh và toàn xã hội bình tĩnh suy xét, sẽ thấy đây là một chủ trương hay. Đã bao năm nay, mỗi mùa thi đại học diễn ra là một lần cả xã hội chộn rộn, căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi và tốn kém vì cái sự kỳ vọng quá lớn vào tương lai con em. Khiến các em gánh nặng trên vai sứ mệnh của gia đình, dòng họ bất chấp khả năng.

Tất nhiên, việc phân luồng như ở Vĩnh Phúc cũng là chuyện cực chẳng đã, vì nếu hệ thống phân loại học sinh của ta tiến bộ, chặt chẽ ngay từ các cấp học dưới thì đã chẳng có chuyện. Ở các nước tiên tiến về phát triển xã hội nói chung và giáo dục nói riêng, qua mỗi cấp học, người ta lại thực hiện phân loại học sinh để từng bước chuyển học sinh theo các hướng phù hợp. Điểm cao được vào thẳng đại học, thấp hơn thì thi, có thiên hướng nghề hoặc không đủ điều kiện theo chuẩn thì theo học nghề...

Một lần nữa, câu chuyện của ngành giáo dục Vĩnh Phúc lại cho thấy công tác hướng nghiệp cho học sinh của ngành giáo dục nước ta còn yếu và việc làm của Vĩnh Phúc cũng cho thấy yêu cầu cấp thiết của công tác hướng nghiệp đã được nhận thức rất rõ ràng từ chính những người đang đứng trên bục giảng, từ chính những người vận hành nền kinh tế đang trên đà công nghiệp hóa, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn. Không thể đi đến chủ trương mỗi năm bỏ ra vài trăm tỷ đồng hỗ trợ học sinh học nghề nếu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc không nắm bắt được thực tế khát nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh. Chủ trương dùng ngân sách tỉnh hỗ trợ học sinh của tỉnh theo học trung cấp, cao đẳng nghề với mức từ 350-450 ngàn đồng/tháng phải được xem là mạnh dạn.

Dù sao, không phải tỉnh nào cũng có điều kiện phát triển công nghiệp như Vĩnh Phúc và yêu cầu nguồn nhân lực ở mỗi địa phương có khác nhau. Nhưng điều đó cũng cho thấy để có chiến lược nguồn nhân lực tốt ở cấp quốc gia thì không thể và không chỉ trông chờ ở những nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương.

Do vậy, chuyện đang xảy ra ở Vĩnh Phúc rất đáng để các cơ quan chức năng, các địa phương suy ngẫm và hành động.

Theo Báo giấy