> Xem Hải quân Việt Nam thao diễn bắn tên lửa
> Điểm danh tàu 'khủng' của Hải quân ASEAN
Các nhà nước liên quan quyền lợi ở biển Đông đang sắp xếp các tuyến truyền thông của mình. Trung Quốc, Philippines đang làm vậy và chúng ta cũng đang cố gắng tổ chức truyền thông của mình.
Người Trung Quốc tỏ ra khá nhất quán trong sử dụng phương tiện truyền thông khi đề cập đến biển Đông. Sự nhất quán ấy bộc lộ sự mềm dẻo, sự khôn khéo thậm chí tinh vi của các nhà chính trị Trung Quốc. Sự nhất quán một cách chủ động ấy còn bộc lộ những mong muốn chung của người Trung Hoa dù họ ở Đài Loan hay Đại lục.
Theo ông chúng ta đã có cái gọi là tuyến truyền thông về các vấn đề ở biển Đông một cách rõ rệt và nhất quán chưa?
Tôi cho rằng ở Việt Nam truyền thông trong đời sống hàng ngày bộc lộ tình cảm xã hội nhiều hơn là ý chí chính trị. Truyền thông của ta chưa mạnh mẽ, thiếu bài bản, chưa tạo thành một cuộc kháng chiến có chất lượng, với những mục tiêu rõ rệt trên mặt trận tuyên truyền. Đấy là những gì tôi quan sát thấy.
Chúng ta, phía bị xâm hại trong vấn đề biển Đông, chưa tạo ra được một tiếng nói mạnh mẽ, nhất quán trong xã hội đã đành, chúng ta cũng chưa liên kết được với các lực lượng ủng hộ trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, chúng ta có lẽ đang thua thiệt trong cái gọi là cuộc chiến truyền thông này.
Theo ông có cách gì thể hiện lòng yêu nước trong thời điểm hiện tại để vẹn được nhiều đường?
Nhà nước hay các tổ chức xã hội dân sự phải tổ chức các diễn đàn để người dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước, tập hợp thành sức mạnh giúp nhà nước căn cứ vào đó mà có các chính sách, các giải pháp chính trị cho những vấn đề trên biển Đông.
Nhưng trong chuyện này tôi nghĩ hãy khoan bàn về chính trị, trước tiên hãy bàn đến phẩm hạnh tự nhiên của con người. vẻ đẹp tự nhiên của một con người. Lòng yêu nước làm đẹp con người. Xã hội phải tôn vinh tình cảm đó.
Chúng ta có những bằng chứng lịch sử như các sắc phong của các triều đại và các bằng chứng khác chứng tỏ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam...
Theo quan sát của tôi, tất cả mọi cái chúng ta đều có, nhưng chưa được sắp xếp một cách có hệ thống để tạo ra sức mạnh tối ưu. Có nhiều loại cơ sở để xem xét vấn đề chủ quyền, lịch sử cũng là một trong những yếu tố.
Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam tồn tại từ nhiều thế kỷ rồi. Chúng ta cần phải nỗ lực công bố những quan điểm, và các bằng chứng không thể chối cãi, kết hợp với nhau trở thành một hệ thống có giá trị về mặt pháp lý.
Ông nghĩ gì về việc nghiên cứu về biển Đông ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Gần đây tôi nghe nói Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng thành lập một hội đồng nghiên cứu về biển Đông, trong đó nhiều luật sư rất có tiếng, có cả một số nhà nghiên cứu như anh Đinh Kim Phúc, anh Nguyễn Nhã, anh Hoàng Việt. Tôi nghĩ đấy là một động thái tốt. Nhưng con người chấp nhận lẽ phải còn bằng cảm tính, bằng bản năng.
"Ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng cùng nhau hạn chế, kiểm soát và đề kháng với mặt tiêu cực trong tham vọng của Trung Quốc là công thức tốt để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông…”
Hàng trăm triệu con người, hàng tỷ con người trên thế giới này không phải ai cũng tiếp cận lẽ phải bằng lý thuyết cả. Trong vận hành tòa án Hoa Kỳ thì bồi thẩm đoàn là nơi quyết định kết quả của vụ án chứ không phải ông chánh án, ông chánh án là một anh trọng tài giữ cho phiên xử ấy đi đúng các đòi hỏi của luật pháp.
Cuối cùng người ta vẫn để cho lẽ phải của tinh thần con người, lẽ phải tâm hồn con người quyết định. Chúng ta đang đối phó với một đối tượng có thật với một âm mưu có thật, với một tham vọng có thật, chúng ta phải có một sức mạnh có thật. Sức mạnh có thật của một quốc gia nhỏ chính là sự thống nhất ý chí, sự thống nhất tình cảm, sự thống nhất bản năng để từ đó mới có được một sức mạnh thống nhất.
Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của biển Đông đối với Trung Quốc?
Trong tất cả các vùng biển xung quanh nước CHND Trung Hoa thì Biển Đông là vùng biển sâu nhất, vùng biển kín nhất và là vùng biển tiếp cận với những đồng minh hoặc có khả năng tiếp cận với những đồng minh tiềm năng dễ nhất mà Trung Quốc có.
Trung Quốc nếu muốn nuôi dưỡng, phát triển tham vọng thống trị hoặc điều khiển thế giới thì Trung Quốc buộc phải có một vùng biển để phát triển hải quân. Biển Đông là chỗ tốt nhất để làm việc ấy. Về mặt sâu, về mặt kín, về mặt chịu đựng sức tiến công từ bên ngoài thì biển Đông tốt hơn biển Hoàng Hải rất nhiều.
Những đối thủ có mặt trong các vùng biển thì người Hàn Quốc và người Nhật Bản chắc chắn lợi hại hơn những người có mặt ở vùng biển Đông nhiều. Cho nên người Trung Quốc rất cần biển Đông.
Trung Quốc vốn thực dụng, họ cũng muốn khai thác tài nguyên, đánh cá, nhưng đấy không phải là mục tiêu chính. Người Trung Quốc nhắm đến biển Đông trước hết không phải vì tài nguyên. Biển Đông là địa điểm chiến lược, đấy là một chiến khu để chuẩn bị cho một lực lượng thỏa mãn tham vọng toàn cầu. Sự không may mắn của chúng ta là chúng ta ở cạnh một quốc gia có tham vọng ấy.
Tham vọng ấy có thể thay đổi được không, thưa ông?
Tôi lấy vợ đến bây giờ là 40 năm, nhưng nhìn những người đàn bà đẹp tôi vẫn có lòng tham. Đấy là tham vọng. Tham vọng ấy tồn tại cùng với tôi cho đến hơi thở cuối cùng, nhưng không có nghĩa là tôi hiện thực hoá các tham vọng ấy.
Vấn đề là Trung Quốc có thắng nổi bản thân mình không?
Một dân tộc mà không thắng nổi bản thân mình thì nó chẳng thành cái gì cả. Nó sẽ thắng được một khi nó thấy tính vô lý, tính bất khả thi của các tham vọng. Và người Việt phải làm công việc chứng minh tính vô lý và bất khả thi của tham vọng từ Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946 trong một gia đình trí thức ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì gia đình gặp biến cố, từ lúc là một cậu bé, ông Bạt đã có những ngày tháng phải bán nước chè dạo ở ga Hàng Cỏ kiếm sống... Năm 1963 ông xung phong đi bộ đội, 1973, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường và sau đó lấy bằng Luật ở Đại học Quốc gia.
Ông Bạt là người sáng lập ra Công ty Invest Consult công ty tư vấn đầu tư chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam khi có chính sách Đổi mới và làm cầu nối cho hầu hết các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài vào đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Ông đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề kinh tế và chính trị. Ông là tác giả của 5 cuốn sách: “Suy tưởng”; Cải cách và sự phát triển” ; “Văn hóa và con người”; Cội nguồn cảm hứng”; “Đối thoại với tương lai”
Phùng Nguyên thực hiện