Về hai chương trình nghệ thuật lớn dịp 2/9, NSND Lê Ngọc Cường:

Phải là cuộc chơi nghệ thuật

TP - NSND Lê Ngọc Cường, người chịu trách nhiệm hai kịch bản đặc biệt dịp 2/9 mới được Bộ VH-TT&DL phê duyệt, chia sẻ về ý tưởng mà ông cho rằng “phải mang tính nghệ thuật, chứ không chính trị khô cứng”a.
Đoàn rước rồng diễu hành tại Quảng trường Ba Đình năm 2010.Ảnh: Hồng Vĩnh

Được biết diễu hành nghệ thuật huy động đến 2.500 nghệ sỹ, ông có thể nói thêm về ý tưởng chương trình “Việt Nam-Khát vọng hòa bình”?

Kịch bản diễu hành nghệ thuật phải tôn vinh quá trình lịch sử, gồm ba mảng nghệ thuật. Đi suốt hành trình lịch sử lập quốc từ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, đến Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam cho đến quốc hiệu chính thức hiện nay. Phần này được thể hiện qua các khối xe mô hình.

Phần thứ hai tôn vinh hành trình văn hóa có chủ đề “Việt Nam bay lên dáng núi rồng tiên”, giới thiệu các loại hình di sản đã được ghi danh như nghi thức trống đồng và dâng cúng Hùng Vương, hát xoan, quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng, cồng chiêng Tây Nguyên, văn hóa Chăm, dù kê, múa bóng rỗi, cồng chiêng Hòa Bình, lễ cấp sắc người Dao, múa khèn của người Mông... Sau đó đến khối tôn vinh nghệ thuật truyền thống như rối, tuồng, chèo, cải lương, xiếc, kịch. Nghệ sỹ diễu hành đến trước quảng trường dừng lại khoảng một phút để trình diễn. 

Diễu hành nghệ thuật ban ngày, làm không khéo rất phô, cho nên từ mô hình đến đạo cụ phải đẹp, rực rỡ chứ không thể hàng mã. Mảng diễu hành nghệ thuật phải tạo dấu ấn, chứ lại cứ đi bộ, giơ tay, cầm nón vẫy vẫy thì xem làm gì. Thành thư, chương trình diễu hành tưởng đơn giản hơn nhưng có cái khó riêng. Kết cấu ngôn ngữ động tác, bố cục tạo hình không khéo thì sẽ rất bình thường.

Kịch bản đêm nghệ thuật đặc biệt mừng 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 có gì đặc biệt?

Chương trình nghệ thuật Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh tối 2/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia mang tính bán sử thi bằng hình thức ca múa nhạc, dùng hình tượng nghệ thuật để khắc họa tiến trình lịch sử cách mạng cho đến nay. Cách thức gọn chứ không theo diễn tiến quá trình 70 năm, chỉ chọn những mốc son và kết cấu lại bằng cách dựng khéo léo như những bức tranh kế tiếp nhau, kết nối bằng vài lời bình ngắn gọn. Năm nay, chúng ta làm nhiều chương trình lớn để tôn vinh các nhân vật lịch sử, nguyên thủ, tiền bối rồi. Tôi có đặt vấn đề làm sao để chương trình mang tính nghệ thuật, đừng chính trị quá cứng dù biết là kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Tôi sợ nhất kiểu nhìn sân khấu chẳng có hình tượng gì, nghe giọng mấy ông đọc lời bình ra rả là nổi da gà rồi.

Năm trường đoạn thì trọng tâm là thời kỳ đổi mới. Tôi không ôn nghèo kể khổ, không nhấn quá khứ nhiều vì nói được ngày nay tự khắc nói được quá khứ. Thời kỳ đổi mới tôi lấy hình tượng ông Kim Ngọc đưa khoán hộ về nông thôn và hình tượng Nguyễn Văn Linh kiên định đổi mới. Nếu được dựng, tôi lấy hai hình tượng này tạo thành giai đoạn bao cấp, vòng tròn kim cô giằng xé, tự trói buộc nhau để khi có ánh sáng đổi mới cắt ngang qua vòng kim cô đó. Lập tức đất nước như được cởi thoát.

Là người dựng rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn và nhiều kỳ Festival Huế, ông kỳ vọng sự đổi mới gì ở chương trình đặc biệt này?

NSND Lê Ngọc Cường

Tôi quan niệm phải khác và mới. Lúc đầu dự kiến làm ở sân vận động Mỹ Đình, nhưng ngại tốn kém và rủi ro thời tiết. Đưa vào sân khấu trung tâm rộng, nhưng lối thoát trên sân khấu không tiện lắm. Tôi đặt vấn đề là chưa có chương trình nào kết hợp nghệ thuật với công nghệ hiện đại âm thanh ánh sáng, kỹ xảo màn hình. Tôi xem những chương trình như Trương Nghệ Mưu làm Olympic Bắc Kinh, hay Olympic ở Sochi (Nga) thì thành công của nó chủ yếu là công nghệ. Đạo diễn chương trình 2/9 là NSƯT Quang Vinh đồng cảm với tôi ở điểm này. Chương trình muốn mới, hấp dẫn không nhàm chán, khô cứng thì phải kết hợp kỹ nghệ hiện đại.

Mong muốn mới lạ nhưng để kịch bản này khả thi hẳn tác giả cũng gặp khó?

Thì thế, vừa khó về kinh phí, lại cả ứng dụng công nghệ nữa. Thêm nữa, các nhà hát giờ tiếng là của Bộ, nhưng bắt đầu xã hội hóa. Trước kia muốn hô thế nào cũng được, giờ họ phải lo đời sống riêng. Đây vừa là trách nhiệm vừa là cuộc chơi nghệ thuật. 

Cảm ơn ông. 

Hòa nhạc “Giai điệu mùa thu”

Chương trình hòa nhạc giao hưởng, phong cách bán cổ điển, tập hợp một số giọng ca nổi tiếng nhằm phục vụ miễn phí quần chúng. Một số tiết mục chọn lọc về đề tài chiến tranh cách mạng như Khúc khởi nhạc của Trọng Bằng, Vinh quang hồn dân tộc của Đỗ Hồng Quân, Trường ca Sông Lô của Văn Cao.

Chương trình do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đảm nhận, chỉ huy là nhạc trưởng Honna Testuji. Nghệ sỹ: Bùi Công Duy, NSND Quang Thọ cùng các NSƯT Dương Minh Đức, Quang Huy, Thanh Lam, Quốc Hưng, Nhật Thủy, Trần Hồng Nhung.