Ông Dương Trung Quốc: Cử tri cần sự thay đổi

TP - “Việc có nhiều đại biểu trẻ tuổi hơn khóa trước là bằng chứng cho thấy cử tri cần đến sự thay đổi, cần đến những nhân tố mới. Đó là xu thế mà mỗi người phải ý thức về đòi hỏi của cử tri và chính cuộc sống”, nhà sử học Dương Trung Quốc, người lần thứ tư trúng cử đại biểu Quốc hội trò chuyện với phóng viên Tiền Phong.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường QH kỳ họp khóa XIII. Ảnh: Như Ý.

Tạo điều kiện cho người ngoài Đảng

Lần thứ tư trúng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH), ông chia sẻ gì về điều này?

Bước vào nhiệm kỳ này tôi cũng ở tuổi “cổ lai hy” rồi. Tuổi cao có thể có được sự tích lũy, kể cả một uy tín nào đó, nhưng cũng dễ gây cảm giác chán cũ nếu mình không có ý thức tự thay đổi. Bước vào cuộc bầu cử lần này tôi cũng cảm nhận được điều đó.

Kết quả bầu cử khóa này, việc có nhiều ĐB trẻ tuổi hơn khóa trước là bằng chứng cho thấy cử tri cần đến sự thay đổi, cần đến những nhân tố mới. Đó là xu thế mà mỗi người có tuổi phải ý thức về đòi hỏi của cử tri và chính cuộc sống.

Kết quả bầu cử cho thấy số lượng người ngoài Đảng trúng cử ĐBQH khóa XIV có giảm so với nhiệm kỳ trước. Là một trong số các ĐBQH là người ngoài Đảng, ông thấy sao?

Đó là một kết quả đáng suy nghĩ. Điều có thể nhận thấy, chủ trương muốn tăng số ĐB thuộc đối tượng này nhưng khi cuộc bầu cử vận hành thì kết quả cứ giảm thiểu dần. 

Món nợ lớn nhất có lẽ là ở chất lượng hoạt động của QH mà nguyên nhân cơ bản đã được nhiều vị ĐB và dư luận nói tới, đó là thiếu tính chuyên nghiệp. Đối với nhiều nước làm nghị sĩ đôi khi được hiểu như một nghề của các chính khách. Đã là nghề thì phải có tay nghề, có thâm niên, có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm”. 

Ông Dương Trung Quốc

Nhớ lại thuở mới xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa, Cụ Hồ vận động bộ trưởng là đảng viên, là Việt Minh rút lui “nhường ghế” cho người ngoài đảng, do vậy mới có những Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xiển, Vũ Đình Hòe... Bây giờ thời đại thay đổi, có thể không như cũ nhưng việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để tập hợp trí tuệ của quốc gia vẫn cần như xưa. Vấn đề là quan niệm về cơ cấu và cách tạo điều kiện cho người ngoài Đảng tham gia ứng cử, tổ chức vận động vẫn cần phải quan tâm để tìm giải pháp cho những khóa sau.

Trở thành người đại diện cho cử tri, tuy nhiên tại diễn đàn QH, bên cạnh các ĐBQH sẵn sàng nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân, song cũng có ĐB thường im lặng, ít phát biểu. Ông có thể lý giải về điều này? Ở đây có sự chi phối về lợi ích?

Mỗi người có một hoàn cảnh, tính cách và phong cách riêng nhưng trách nhiệm của mọi ĐBQH thì giống nhau. Tôi không muốn bình luận người khác nhưng cũng phải nói rằng phát biểu ở QH không phải là phương thức duy nhất mặc dù là rất quan trọng và được cử tri quan tâm hơn cả.

Bây giờ để được phát biểu tại các phiên họp toàn thể (lại có truyền hình trực tiếp) không dễ. Bấm nút nhưng xếp thứ tự ra sao để đến lượt phát biểu cũng là vấn đề ngoài tầm muốn của ĐB. Rất nhiều lần tôi cũng đăng ký nhưng đâu đến lượt phát biểu, thường thì tôi viết thành văn bản lưu ở QH... Nhưng đúng là có những lý do như nhà báo nêu lên.

Thời cuộc thay đổi, “món nợ” càng thêm lớn

Tại kỳ họp vừa qua, có ĐBQH cho rằng, QH khóa XIII vẫn còn “món nợ” với dân với nước. Theo ông “món nợ” nào lớn nhất và “món nợ” nào cần “trả” ngay tại nhiệm kỳ tới đây?

Món nợ lớn nhất có lẽ là ở chất lượng hoạt động của QH mà nguyên nhân cơ bản đã được nhiều vị ĐB và dư luận nói tới, đó là thiếu tính chuyên nghiệp. Đối với nhiều nước làm nghị sĩ đôi khi được hiểu như một nghề của các chính khách. Đã là nghề thì phải có tay nghề, có thâm niên, có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.

Tự soi vào mình đã thấy thiếu hụt, vậy mà mỗi khóa có tới gần 2/3 (khóa XIV này có 317/496) ĐB mới, những người có khả năng chuyên nghiệp nhất (ĐB chuyên trách) thì lại bị coi là công chức, đủ tuổi là hưu. Tôi là ĐB không chuyên trách thì lại không hạn chế tuổi tác... Cái nghịch lý ấy hạn chế chất lượng những văn bản luật ban hành, hiệu quả giám sát, cho dù phải nói rằng QH luôn nỗ lực khắc phục và phấn đấu.

Đời sống văn bản luật thường ngắn ngủi, sớm trở nên bất cập, còn nhiều kẽ hở... Cái điệp khúc “chưa có luật điều chỉnh”, hay “thiếu chế tài xử lý” khi đứng trước những biến động tiêu cực của xã hội là biểu hiện cái “món nợ” đó. Cường độ và tốc độ thay đổi của thời cuộc ngày càng mạnh mẽ sẽ khiến cái “món nợ” ấy thêm lớn. Không chống được tham nhũng, lãng phí một phần quan trọng trách nhiệm cũng thuộc về QH với những chức năng cao cả được nhân dân giao phó.

Một trong những quyền của ĐBQH là quyền giám sát. Cá nhân ông thường thực hiện quyền giám sát từ những “kênh” nào?

Chức năng giám sát của ĐBQH là quan trọng và cử tri thường đặt nhiều  hy vọng. Nó có thể thực hiện theo những chuyên đề hay các chương trình giám sát tối cao của QH, các cơ quan của QH (ví như tôi ở Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng); còn giám sát cá nhân thì thể hiện qua các phát biểu về báo cáo của Chính phủ, chất vấn các thành viên của cơ quan hành pháp, tư pháp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân hay những thông tin được phản ánh trong các cơ quan truyền thông hay dư luận xã hội...

Để thực hiện chức năng này, ngoài nỗ lực của cá nhân, tôi rất quan tâm đến việc xây dựng mối liên hệ với giới báo chí, giới chuyên môn, ví như các hội nghề nghiệp để phát hiện và thu thập thông tin, tham khảo ý kiến. Và khi đã cảm thấy chắc chắn thì đó chính là quan điểm của mình, mình phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ làm chức năng “phản ánh”, “chuyển ý kiến”... Đương nhiên cái “kênh” chính của tôi là những vấn đề văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, cụ thể hơn là những vấn đề như bảo tồn di tích, giáo dục lịch sử, bảo vệ trẻ em...

Chất vấn tại các phiên họp là một trong những “kênh” giám sát hiệu quả của QH. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, theo ông có cần thay đổi phương thức chất vấn hiện nay?

Quan sát 3 nhiệm kỳ qua có thể thấy được những thay đổi và hiệu ứng ngày càng mạnh mẽ của hoạt động chất vấn trong QH. Ngoài phiên chất vấn tại phiên họp toàn thể trong các kỳ họp, hình thức “điều trần” tại các phiên họp giữa kỳ của Ủy ban Thường vụ QH hay các cơ quan của QH không chỉ tăng thêm tần suất chất vấn mà có tác động tích cực đối với các nhà lãnh đạo và cơ quan hành pháp. Kết hợp với những yêu cầu giám sát việc thực hiện những lời hứa cũng như việc lấy phiếu tín nhiệm, việc chất vấn sẽ phát huy những hiệu quả tích cực.

Tại các phiên chất vấn và các phiên thảo luận, ông là một trong số các ĐBQH nêu vấn đề rất thẳng thắn, gai góc. Đã bao giờ ông bị “vỗ vai” dặn dò?

Đã nhiều người hỏi tôi câu này. Và câu trả lời của tôi là không hề. Tự tôi thấy rằng nếu mình hỏi thẳng thắn nhưng chân thành, lập luận chặt chẽ thay vì “móc máy” thì nếu có ai “vỗ vai” thì chắc chỉ để rủ...đi nhậu mà thôi (cười).

Trải qua 4 nhiệm kỳ, theo ông điều gì là quan trọng và cần thiết nhất của một ĐBQH?

Điều quan trọng và cần thiết nhất theo tôi là phải có ý thức học hỏi và thành tâm, tự tin khi hành động, bày tỏ ý kiến của mình.

Cảm ơn ông.