Nước mắt Gạc Ma và bằng chứng hùng hồn của những người lính đảo

TP - Trường Sa hôm nay sầm uất như một thành phố giữa biển Đông. Để bảo vệ chủ quyền quần đảo thiêng liêng ấy, nhiều chiến sĩ Quân đội Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngày 14/3/1988 như lời nhắc nhở: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, thế hệ con cháu Việt Nam có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ, gìn giữ chủ quyền.
Chiến sĩ Hải quân ngày đêm canh giữ trên đảo Cô Lin. Ảnh: Tuấn Cường

Nước mắt Gạc Ma

Đoàn công tác chúng tôi đến đảo Cô Lin vào trưa một ngày đầu tháng Năm. Xuồng CQ cập cầu cảng, ai nấy đều vỡ òa xúc động ngay khi nhìn một chiến sĩ tay cầm cờ hiệu kiêu hãnh hướng dẫn xuồng cập đảo. Chính trị viên, đại úy Lê Tiến Công dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo để chúng tôi hiểu được chính trên mảnh đất này, cách đó 26 năm về trước, đã diễn ra trận chiến bất tử, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Chúng tôi trèo lên sân thượng cao của đảo Cô Lin hướng mắt về phía đảo Gạc Ma, phần máu thịt của Tổ quốc, ký ức ùa về ứ nghẹn, mắt nhoà lệ. Tất cả chúng tôi lặng im giữa sóng cồn bờ đá.

Từ đảo Cô Lin trông về đảo Sinh Tồn, Gạc Ma nằm cách bên phải chừng ba hải lý. Qua ống kính TZK trong nắng rát bỏng giữa trưa, Gạc Ma thân thương nổi trên thềm san hô xanh ngắt. Ngay cạnh sát bên phải đảo, chiếc tàu Hải quân Việt Nam màu trắng vẫn nằm cạnh đấy. Trên con tàu ấy cách đây 26 năm, các chiến sĩ Hải quân đã chiến đấu và anh dũng hi sinh. Đại úy Lê Tiến Công tâm sự: “Ngày nào chúng tôi cũng nhìn về phía đảo Gạc Ma, vừa để quan sát mặt biển, vừa nêu cao tinh thần cảnh giác. Gạc Ma bị đóng chiếm trái phép nhưng vẫn sống mãi trong lòng chiến sĩ Hải quân, nó là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường để thế hệ chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng”.

Rời đảo Cô Lin, tàu HQ-936 chạy thẳng hướng đảo Sinh Tồn. Giọng thuyền trưởng vang lên trong ca-bin “Toàn tàu chuẩn bị làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ”. Sóng cấp 5, chúng tôi nhoài người qua ô cửa tàu hướng về Cô Lin. Giữa biển trời Tổ quốc, khói hương nghi ngút, tiếng nhạc chiêu Hồn tử sĩ da diết.

“Sự kiện Gạc Ma sống mãi trong lòng chiến sĩ Hải quân, nó là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường để thế hệ chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Đại úy Lê Tiến Công

Tiếng trưởng đoàn thăm thẳm sâu quyện vào sóng nước: “Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hi sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Trước lúc hi sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang quyết tâm: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã hòa tan vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ…”.

Cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

26 năm đã trôi qua, nghĩa trang xanh với 64 linh hồn liệt sĩ vẫn nằm tận biển sâu. Sự hy sinh kiên cường của 64 chiến sĩ Hải quân ngày ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử. Bản anh hùng ca ấy đang được thế hệ những người lính Trường Sa tiếp bước, tuổi trẻ cả nước noi gương, được nhân dân đời đời ghi nhớ.

Giữ biển đảo bằng sức mạnh dân tộc

Hải chiến năm 1988 là bài học luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào vẫn còn nguyên nóng tính thời sự.

Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn 125, có nhiều năm làm nhiệm vụ tại Trường Sa phân tích: “Không phải đến bây giờ chúng ta mới rút ra bài học kinh nghiệm, mà ngay lúc ấy, chúng ta đã có phương án chiến thắng kẻ thù. Đó là lòng yêu nước và tinh thần bám trụ, ý chí giữ biển đảo và quyết hy sinh bảo vệ biển đảo. Chính sự kiên cường bảo vệ đảo này mà chúng ta giữ vững các đảo Cô Lin, Len Đao. Tất cả các chiến sĩ đã ngã xuống đều là những anh hùng với tinh thần chiến đấu ngoan cường nhất”.

Theo vị cựu lính Hải quân ấy, trước hành động ngỗ ngược của Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, một lần nữa bài học lớn nhất cho Hải quân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ với mưu đồ thôn tính chủ quyền biển Đông của các thế lực. Xác định bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn dân, mà chủ lực là của bộ đội Hải quân.

Bên cạnh nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, mỗi cán bộ chiến sĩ Hải quân luôn mài sắc ý chí chiến đấu, dù gian khổ khó khăn, dù phải hi sinh đến tính mạng cũng kiên quyết bảo vệ đảo, đó là sứ mệnh cao đẹp nhất. “Giữ Trường Sa bây giờ trước hết phải bằng trái tim người lính mang sức mạnh của cả dân tộc”, ông Trình nói.