NSƯT Minh Vượng: Nghệ sĩ có niềm kiêu hãnh riêng

Lâu lắm chị mới có một buổi chiều thảnh thơi ở nhà. Minh Vượng ngồi uống trà, nghe chèo cổ- một thói quen hàng ngày của chị. Chị vẫn thế, khảng khái, thẳng thắn và ngọn lửa đam mê trong tâm hồn chị chưa bao giờ ngừng cháy.

Sao Minh Vượng nghỉ hưu rồi mà lúc nào cũng thấy chị tất bật thế?

Bây giờ tôi còn bận hơn ngày xưa,  phải lên lịch trước cả tuần để có kế hoạch làm việc. Hôm nay mới thứ năm tôi đã phải lên lịch tuần sau rồi. Làm việc nhiều tôi thấy khỏe ra, rất vui. Tuần nào không có việc hoặc rỗi rãi là tôi cảm thấy như kiệt sức, sắp ốm. Lịch của tôi lúc nào cũng kín mít, đi dạy ở trường Cao đẳng Nghệ thuật, ở Trung tâm TPD, rồi dạy cả cho trẻ con các trường tiểu học biểu cảm ngôn ngữ, kỹ năng sống qua các câu chuyện. Nói chung là bận tít mù. Nhưng mà vui. Có những gia đình cả 3 thế hệ đều xem Minh Vượng diễn. Niềm vui của mọi người giờ là niềm vui của tôi. Tôi luôn tâm niệm một điều cho đi là nhận lại, kiếp này mình không chồng không con, nhưng mình rất nhiều con cháu và bạn bè nhân gian do nghề đưa lại. Thế là mình lãi chứ.

Sức khỏe chị có ổn không ạ, ai cũng biết chị đang chung sống với căn bệnh tiểu đường sáng nắng chiều mưa?

Lạy trời cũng nhì nhằng, tôi đi từ tang tảng sáng đến tim tỉm tối mới về. Càng làm việc càng khỏe ra. Vừa rồi tôi lên Vĩnh Phúc làm trung thu cho huyện Tam Sơn, rồi lên Tuyên Quang làm đêm hội cho các con. Mệt nhưng vui. Nhiều hôm về nhà chỉ được nửa tiếng, tranh thủ tắm giặt rồi đi. Mọi người bảo, tôi làm thật mà ăn thì ăn giả. Tôi chẳng có vướng bận gì nhưng hóa ra lại rất nhiều vướng bận vì lịch diễn cho bọn trẻ con. Lâu rồi không làm phim, vì làm phim thì liên miên đi. Nhiều khi cũng tiếc.

Năm ngoái đạo diễn Cường Ngô về làm phim Năm Cam, mời tôi tham gia nhưng lần đó tôi đang làm sân khấu học đường cho các trường ngoại thành Hà Nội, từ sáng đến tối. Mình không thể thỏa mãn niềm đam mê của cá nhân là đi làm phim mà bỏ các con được, mặc dù nó không mang lại cho mình tiền bạc. Làm phim vừa có danh vừa có tiền. Thôi vì các con. Ngay từ bé, ba nuôi luôn dạy tôi không được thất hứa. Với bạn bè Minh Vượng nổi tiếng chưa bao giờ thất hứa với ai. Ngay cả show cũng thế, có người trả cao hơn nhiều lần, nhưng tôi không bao giờ nhận khi đã nhận show rồi, dù trong giới nghệ sĩ không phải ai cũng đàng hoàng được như thế.

Một đời đắm say với nghề diễn như Minh Vượng, chị có nuối tiếc điều gì không?

Tôi đã sống hết mình với từng khoảnh khắc của cuộc sống nên không có gì phải tiếc. Vừa rồi Hoài Linh gửi ra cho tôi con cá, quý thế đấy. Niềm vui đôi khi đơn giản thế thôi. Tôi từng truyền cho Hoài Linh một bài thuốc bí truyền chữa bệnh tiền đình. Tôi được một ông cụ khán giả truyền cho. Một nắm lá tre, một nắm lá dâu và một nắm đậu xanh có vỏ đã xát đôi. Đun kỹ, chắt ra lấy nước uống. Nữ thì uống 9 ngày, nam thì 7 ngày. Năm 2009, tôi vào Sài Gòn gặp Hoài Linh đeo ống truyền dịch đi diễn, tôi mách cho bài thuốc đó. Hoài Linh khỏi bệnh và trồng lá dâu quanh nhà làm phúc.

Tôi cảm giác bây giờ cuộc sống của Minh Vượng là diễn cho những đứa trẻ. Hẳn phải một mối duyên nào đó?

Với tôi ngày hội là mồng một tháng 6 và trung thu, bởi tôi được hóa thân vào những em bé, thông qua những tác phẩm tôi tự viết, về an toàn giao thông, yêu thương bạn bè,... những tác phẩm như thế được bọn trẻ rất thích. Tôi nhớ năm 2008, năm đó mẹ tôi mất. Tôi đang đi diễn ở Ninh Bình, xong bắt xe vào Hà Tĩnh luôn để kịp diễn cho các con trong trại chất độc da cam ở Hà Tĩnh. Hàng trăm đứa trẻ ngơ ngác vui. Diễn xong tôi bắt ô tô đi ra trong đêm để kịp hôm sau 100 ngày mẹ. Lần đó về tôi ốm nặng. Tôi bỏ 8 show ở Hà Nội để vào Hà Tĩnh diễn show đó. Năm nay cũng vậy, mưa như trút nước, tôi diễn trong một chương trình nhân đạo cho thiếu nhi, hàng trăm trẻ con chờ đợi, háo hức nên tôi lao ra sân khấu diễn dù trời mưa, vì tôi nghĩ không thể ngắt niềm vui của các con. Sau đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tận nhà động viên, trò chuyện. Tôi rất cảm động.

Cái được lớn nhất trong cuộc đời đi diễn của chị là gì?

Đó là tình yêu mến của khán giả cho tôi được sống vui, sống khỏe. Cảm ơn nhân gian đã yêu tôi, họ đã tiếp lửa cho tôi đi tiếp con đường mà tôi tưởng như không đi được vì bệnh tật. Tôi là một nghệ sĩ không tỳ vết trong cuộc sống. Cuộc đời diễn của tôi rất nhiều kỷ niệm. Mình làm những tác phẩm cười, nhưng nhìn khán giả nhiều khi không cầm được nước mắt. Đó là những em bé bị máu trắng, tim bẩm sinh, diễn mà lòng cứ rưng rưng, không biết năm sau có gặp lại các em không.

Tôi nhớ có lần diễn cho các thương binh xem, tôi không dám nhìn vào họ, vì hòa bình rồi mà nhiều người vẫn cụt chân, cụt tay. Rồi diễn cho tù nhân vào những ngày giáp Tết, bên cạnh 2/3 khán giả cười, nhiều người vẫn lau trộm nước mắt, vì họ chợt chạnh lòng. Tôi nhìn thấy mấy cô mặc áo sọc lau nước mắt, tôi chực khóc òa. Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch mà đỉnh cao của bi kịch là hài kịch. Từ những em bé bị bệnh, đến những anh thương binh, rồi những con người lầm lỡ. Tôi diễn hài đấy mà lòng cứ rung lên như dây đàn, cảm thông, thương xót. Cuộc đời này ai cũng có nhiều ham muốn, nhưng hãy sống đúng là người, làm những điều mà chỉ có Người mới thực hiện được.

Tôi cứ hay ước mơ nhiều thứ. Với các trường nghệ thuật, dù thù lao ít ỏi, nhưng tôi luôn có tâm niệm, tổ nghề đã cho mình những thành công nhất định, trong thời buổi sân khấu khó khăn như thế này, tôi muốn mang chút tâm lực của mình truyền dạy cho thế hệ sau để một ngày không xa, sân khấu sẽ khởi sắc.

Điều gì giúp chị giữ được niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề như thế, điều mà hình như giới trẻ bây giờ không có được?

Nhiều đồng nghiệp thấy lạ khi tôi lên lớp cứ như nhập đồng ấy. Rút hết ruột gan ra để dạy cho học sinh. Tôi vẫn nói với học sinh, tôi không có gia đình, bao nhiêu tình yêu dồn cho nghề tổ, tôi muốn cho đi và muốn nhận lại sự say mê của học sinh. Nhưng bọn trẻ giờ thiếu nhiệt huyết và đam mê. Tôi mang máu thịt của mình ra để giảng bài. Ngày xưa học lớp 4 tôi đã đọc về nhà hùng biện Socrat của Hy Lạp. Ông sinh ra là một đứa trẻ èo uột, nhưng hàng ngày vẫn ra ngậm sỏi thi nói với biển, sau này ông trở thành nhà hùng biện. Vì thế khi tôi bị đột quỵ, miệng nói không thành tiếng, tôi tự đọc thơ cho nói sõi; nói sai tự tát vào mồm. Rồi tự vịn đi quanh nhà. Tôi nợ một lời hứa với Xuân Hinh, khi đến thăm tôi, muốn làm vở. Tôi bảo với Hinh cứ làm đi, đến ngày đó tôi sẽ khỏe. Và chính câu hứa với Xuân Hinh nên đúng ngày ra mắt vở do đạo diễn NSND Xuân Huyền làm, tôi lết chân đến, giọng còn ngọng. Mồ hôi chảy đầm đìa, ướt đẫm cả áo. Một tháng sau tôi đi diễn bình thường. Lần đó diễn vở "Vợ giỏi dạy chồng ngu". Ơn giời tôi khỏi bệnh và về với nhân gian. Lạ lắm, những lúc ốm, tôi chỉ khấn trời cho con khỏi bệnh, con còn những việc giang dở và nguyện sống tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thế mà tôi vượt qua được bao nhiêu cửa ải.

Cả cuộc đời lao động, cống hiến, nhiều người thắc mắc vì sao chị không làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu NSND. Những câu chuyện lùm xùm của danh hiệu có làm chị buồn?

Từ sau khi được NSƯT tôi có tham gia cuộc thi nào đâu, nên không có huân huy chương gì. Có làm hồ sơ cũng bị gạt ra thôi. Nhưng tôi nghĩ mình cũng may mắn rồi. Khi phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một tước hiệu của nhà nước đánh giá công lao của nghệ sĩ. Nhưng không có thì họ vẫn sống, vẫn làm việc cơ mà. Nhiều người đã cống hiến cả đời cho sân khấu, nghệ thuật, giờ đã mất, có người sống trong nghèo đói, nhưng họ không có danh hiệu gì, vì thế hệ họ không được học hành, không có cơ hội thi thố thì lấy đâu ra huân huy chương. Bà Hà Thị Cầu là một người như thế, đến khi cụ mất rồi thì cứ giá như, giá như. Rồi NSƯT Trần Hạnh, thế hệ đầu tiên của Nhà hát Kịch Hà Nội, một người đang sống trong nghèo khó. Hình tượng của ông một thời được rất nhiều người ngưỡng mộ. Sao không phong cho ông là NSND.

Những năm 1980, khi ông được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên, thế hệ chúng tôi rất ngưỡng mộ, nhìn ông và ước bao giờ mình mới được là NSƯT. Điều tôi nghĩ đó là sự quan tâm của nhà nước với đời sống của người nghệ sĩ chứ không phải danh hiệu. Nhiều người bảo tôi thiệt thòi, tôi bảo không, lớp chúng tôi còn may mắn hơn cha anh, chú bác. Như Chèo Nam Hà có chị Kim Liên, hát chèo nổi tiếng mà có danh hiệu đâu. Chị vẫn say mê làm nghề. Những người như chị mài mặt với sân khấu, có họ như người thắp lửa để cho sân khấu tồn tại. Hãy ghi nhận họ đi. Có một xẩm Hà Thành, xẩm tàu điện là nhờ Thanh Ngoan, rồi Minh Thu, Khắc Tư, Thúy Ngần... Tôi nghĩ là do cách ứng xử, các nghệ sĩ lên tiếng vì cảm thấy nghề của họ bị rẻ rúng, chưa có sự công tâm.

NSƯT Minh Vượng và bạn diễn - NSƯT Xuân Hinh.

Đời nghệ sĩ buồn vui, đôi khi mọi danh hiệu cũng chẳng có mấy ý nghĩa. Tôi biết những lúc buồn chị vẫn làm thơ. Tập thơ tình của chị đang dày lên theo năm tháng, chị có định xuất bản không ạ?

Đời nghệ sĩ nhiều nỗi niềm nhưng đáng sống, vì họ có niềm kiêu hãnh riêng. Tôi vẫn làm thơ những lúc buồn. Nhiều bài thơ tôi làm thương lắm, tôi tự thương mình. Tôi cứ viết để đấy thôi. "Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/ Trăng cuối tuần mùa hạ/Đường phố vắng không người qua/Ta đi lỗi lầm như kẻ lang thang/Không mái ấm không vòng tay chờ đón...". Nhiều khi đi diễn về 2,3h sáng. Trăng cuối tuần vàng ệch ra. Đạp cái xe kẽo kẹt trong đêm nghe rõ cả tiếng xích xiết vào líp xe. Ngày nào cũng như ngày nào. Sao mà không buồn. Mình vừa trên sân khấu, diễn những vai, những cảnh có chồng có vợ. Nhưng khi tẩy trang xong, chỉ còn lại một mình. Trong tập thơ của tôi chỉ có duy nhất một bài thơ vui, hồi đi diễn ở Tây Nguyên, mưa cả tuần không diễn được, chúng tôi ngồi kể với nhau ký ức tuổi thơ. Đó là những năm 1980. Bài này có một người nước ngoài phổ nhạc. Họ hỏi tôi có bán bài thơ này không. Tôi bảo tôi làm thơ không bán.  Viết để cho mình thôi. Ôi cuộc đời tôi nhiều chuyện lắm. Kể mãi cũng không hết được.

Vâng, cảm ơn những chia sẻ của chị và mong chị luôn giữ được sức khỏe để mang niềm vui cho mọi người.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu