NSƯT Chí Trung: 'Tôi thường đến nhà hát từ 7h sáng và về vào 11h đêm'

TPO - "Tôi vẫn tâm niệm, làm giám đốc hay lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật trong thời điểm này là dễ nhất nhưng cũng khó nhất. Dễ vì sao? Vì nếu cứ ngồi ghế lãnh đạo, không làm gì sẽ chẳng sợ sai, có thể vẫn có danh hiệu. Nhưng khó khi nghĩ đến hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của mình phải mưu sinh hằng ngày", nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.
NSƯT Chí Trung nhiều trăn trở với Nhà hát Tuổi trẻ.

Chào anh, được biết anh mới nhận quyết định quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ?

Đúng vậy! Đó là vinh dự, là niềm tự hào nhưng cũng là trọng trách lớn lao mà người Anh, Giám đốc Trương Nhuận đã âm thầm gánh vác trong 5 năm qua hôm nay chia sẻ sang cho tôi. Nó không còn là câu chuyện chiếc ghế mà đó là những trăn trở để dìu dắt, chèo lái con tàu mang tên “Nhà hát Tuổi trẻ”.

Báo chí biết nhưng có lẽ nhiều khán giả không biết khi anh vẫn đứng cùng đội ngũ bảo vệ, nhân viên để đón các em nhỏ trong suất chiếu của Nhà hát Tuổi trẻ tối nay?

Tôi thường có mặt ở Nhà hát từ 7h sáng và ra về vào lúc 11h đêm khi những nghệ sĩ cuối cùng của Nhà hát xong suất diễn trên sân khấu và tôi. Những anh em diễn tỉnh lân cận, tôi sẽ ở đây đợi họ về đôi khi chỉ để gửi một lời chào, một lời cảm ơn tới họ. Như bạn đã thấy, tôi cũng đón khán giả và chào khán giả của mình như một nhân viên bình thường của Nhà hát.

Theo anh, làm Giám đốc một Nhà hát là dễ hay khó?

Tôi vẫn tâm niệm, làm giám đốc hay lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật trong thời điểm này là dễ nhất nhưng cũng khó nhất. Dễ vì sao? Vì nếu cứ ngồi ghế lãnh đạo, không làm gì sẽ chẳng sợ sai, có thể vẫn có danh hiệu. Nhưng khó khi nghĩ đến hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của mình phải mưu sinh hằng ngày. Khó khi vừa phải giữ người, giữ khán giả và giữ lửa nghề cho diễn viên vì “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Anh có thể tiết lộ thu nhập của các nghệ sĩ, diễn viên trong Nhà hát không?

Lâu nay tôi không nói vì tôi sợ nói ra người ta sẽ “sốc”. Người ta cho rằng chúng tôi kể khổ để lấy lòng thương hại. Thực tế thì nhiều diễn viên của Nhà hát chỉ đang hưởng mức lương 1,9 triệu đồng/ tháng, lương Vân Dung chỉ 2,5 triệu đồng/ tháng. Hay chính tôi, trừ các khoản phí cũng chỉ nhận về khoảng 6 triệu đồng/ tháng.

Bên cạnh đó, với mỗi một suất diễn, một vai chính nhận 200 nghìn đồng/ tối, các vai phụ chỉ từ 120-180 nghìn đồng/ tối. Trong khi các bạn ấy đi hát, đi diễn phòng trà có thể nhận thù lao cả triệu đồng.

Chênh lệch thù lao như thế, làm sao để anh “giữ chân” được họ?

Tôi nghĩ, mỗi người diễn viên, nghệ sĩ họ đều có tính hướng thiện. Họ cần một tổ chức để gắn bó với nơi đó mà không vụ lợi. Họ có thể diễn phòng trà tiền triệu nhưng khi Nhà hát cần thì họ sẵn sàng phục vụ chỉ để nhận về vài trăm nghìn. Những nghệ sĩ tên tuổi vẫn vào những vai con gà, con chuột mà không kêu ca, phàn nàn.

Chắc chắn, không người lãnh đạo nào giáo dục hay nhồi nhét được tính hướng thiện đó nếu bản thân người nghệ sĩ, diễn viên không tự có.

Tuy nhiên, một tập thể tốt chưa đủ. Chúng ta không thể chỉ nói về lý tưởng và sống qua ngày. Hay nói cách khác, không thể chỉ có sự thanh cao trên dòng sông thị trường hiện nay. Nếu không đủ ăn thì không thể diễn. Thế nên tôi mới nói, làm lãnh đạo dễ nhất mà cũng khó nhất.

Điều gì khiến anh trăn trở nhất?

Đó là diễn viên, nghệ sĩ còn nghèo quá! Nhân viên của tôi vừa làm Nhà hát vẫn phải bán hàng qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Họ yêu nghề nhưng họ vẫn phải ăn, phải uống, phải thuê nhà, phải nuôi con…

Thế nên là một người lãnh đạo, tôi không cho phép mình lợi dụng sự cả tin vào nghệ thuật của họ. Tôi có lỗi nếu lợi dụng niềm yêu của mọ mà không đem lại cơm áo cho những diễn viên của mình.

Trăn trở là thế, hành động thực tiễn của anh cũng như ban lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ là gì?

Một vài năm trở lại đây, chúng tôi liên tục tạo công ăn việc làm cho các diễn viên, nhân viên nhà hát bằng cách tạo ra các chương trình nghệ thuật có tính ngắn hạn và dài hạn. Có thể hôm nay đang diễn trên sân khấu nhưng phải nghĩ tiếp ngày mai sẽ làm gì, sẽ diễn gì để phục vụ khán giả cũng là để tăng thu nhập cho anh em.

Kế hoạch gần nhất của chúng tôi là Dự án “Thiên đường Tuổi thơ” diễn ra trong 3 tháng hè bắt đầu từ 4/6 đến 27/8.

Anh có thể nói rõ hơn về dự án này không?

Sân chơi của các em nhỏ mỗi dịp hè có thể là công viên, khu vui chơi, siêu thị, thậm chí chỉ là 4 bức tường. Thế nên, chúng tôi mới xây dựng dự án “Thiên đường tuổi thơ” để các em nhỏ có thể đến rạp vào 9h sáng chủ nhật hàng tuần tại Nhà hát Tuổi trẻ. Tại đây, các em nhỏ được vui chơi, khám phá đường hầm quanh nhà hát, qua những lâu đài kỳ bí, thác nước… để lên thiên đường chính là sân khấu nghệ thuật.

Dự án “Thiên đường Tuổi thơ” của Nhà hát tuổi trẻ sẽ khởi động với 4 vở diễn “Cậu bé Khổng lồ lạc vào hang Kiến”, “Mảnh Lego màu đỏ”, “Cuộc phiêu lưu của Gà Trống Choai”. Và “Con chim xanh”. Chúng tôi bán vé với mức giá chỉ 70-100 nghìn đồng. Nếu mua cả 4 vở diễn sẽ giảm còn 35- 50 nghìn đồng/ vé. 

Không chỉ mong muốn tạo sân chơi cho các em nhỏ, chúng tôi còn đặt kì vọng sẽ “nuôi một lượng khán giả mới”. Nhiều người cho rằng viển vông, xa vời nhưng nếu không làm sẽ không có kết quả, nếu không đi sẽ không đến được.

Hiện tại, dự án của Nhà hát chưa hề có sự tài trợ nào nhưng chúng tôi xác định dù khó khăn sẽ làm đến cùng để mang lại niềm vui, tiếng cười cho các em nhỏ trong dịp hè tới. Hi vọng khán giả sẽ đón nhận và xin đừng quay lưng với chúng tôi!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!