Nóng việc xử lý sư tử đá

TP - Hơn nửa thời gian của cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ VHTT&DL sáng 26/8, dành cho phần trao đổi của lãnh đạo Bộ với báo chí quanh việc đưa hiện vật lạ khỏi di tích, cụ thể là sư tử đá Trung Quốc.
Ngoài sư tử đá Trung Quốc, di tích Việt còn phải hứng chịu làn sóng linh thú kỳ quái. Ảnh: T.Toan

Không để sư tử chạy quanh


Bộ có hướng dẫn cụ thể nào về việc xử lý sư tử đá? Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nói: “Hiện vật không phải của di tích mà đưa vào là không hợp lệ.

Cuộc thanh tra do Bộ chủ trì cuối tuần trước, lãnh đạo Bộ có khuyến cáo: Các cơ sở thờ tự, cá nhân tự nguyện đưa hiện vật ra trước tháng 12/2014, sau đó Bộ sẽ kiểm tra, xử lý. Còn để đâu, chủ nhân hiện vật chịu trách nhiệm”. 

Trở lại đôi sư tử đá ở chùa Gia Quất, theo nhà chùa người cung tiến “mang về cơ quan họ rồi”. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, chẳng lẽ chúng ta đuổi sư tử vòng quanh? “Quan điểm cá nhân tôi, hiện ta đang vận động đưa sư tử khỏi di tích, nơi công cộng, ta phải yêu cầu chủ nhân của hiện vật lạ không được đưa trở lại nơi công cộng khác”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói. 

Trường hợp biết rõ người cung tiến thì dễ. Tuy nhiên, nhiều nơi lúng túng khi phải đưa hiện vật không thuộc di tích ra ngoài. Hôm thanh tra đình Mộ Lao (Hà Đông), ông Bạch Ngọc Thụy của BQL đình cho biết, đôi sư tử đặt trong đình đã lâu, để “khuất mắt” đã chuyển ra ngoài đình. 

Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến nói: “Không biết rõ ai cung tiến, có nghĩa xử lý thế nào cũng được”. BQL đình bày tỏ băn khoăn, bởi không biết đưa đôi sư tử này đi đâu, cho ai.

Đưa hiện vật lạ khỏi di tích đương nhiên thuộc về người cung tiến, tuy nhiên nếu Bộ không hướng dẫn, thật khó cho người dân? “Cục Di sản sẽ tìm cách hướng dẫn, giờ nói đến phương án cụ thể ngay không dễ. Có thể xem xét hiện vật lạ này giống như đồ buôn lậu không. Giả sử là đồ buôn lậu như ô tô, thuốc phiện hay băng đĩa hình không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam, rõ ràng phải tiêu hủy”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói. 

Ông nói thêm, việc xử lý hiện vật lạ là chuyện lâu dài, có thể được điều chỉnh dần nhờ vận động, truyên truyền. Bộ sẽ nghiên cứu phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bất cập khác

Cuộc thanh tra của Bộ vừa qua, một số lãnh đạo địa phương nói rằng sẽ tập huấn ngay cho cán bộ để phân biệt sư tử đá Trung Quốc. Một phóng viên đặt câu hỏi về trình độ của cán bộ văn hóa-đến sư tử Trung Quốc cũng không phân biệt nổi? 

Chưa kể, nơi nơi tập huấn, lãng phí ngân sách. Ông Hồ Anh Tuấn: “Nơi nào cán bộ yếu thì phải tập huấn, lãng phí hay không phải mang so sánh với hiệu quả của việc tập huấn. Chỉ trừ khi cán bộ đã biết rồi mà vẫn tập huấn thì mới lãng phí”. Thứ trưởng Bích Liên trong khi kiểm tra di tích nói, để xảy ra hiện tượng hiện vật lạ vào di tích, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa.  

Mặt trái của xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích cũng được nhắc đến như bất cập gần đây. Đến di tích nào cũng dễ bắt gặp bia công đức gắn ngay tường của công trình. Dù chủ trương xã hội hóa giảm gánh nặng cho ngân sách nhưng lại khiến việc quản lý di tích gặp khó hơn. 

“Chúng ta đứng trước lựa chọn, người ta đóng góp thì đòi thứ này thứ kia- đúng là cám dỗ đó khó đấu tranh. Nếu thường xuyên kiểm tra, giám sát thì làm được thôi. Với những người công đức, có thể chọn giải pháp lập danh sách, đưa vào bia công đức chung chứ không gắn trực tiếp trên tường, công trình ở di tích nữa”, ông Hồ Anh Tuấn nói.

Trong cuộc thanh tra di tích mới đây do Bộ phối hợp Hà Nội thực hiện, không có đại diện nào của Cục Mỹ thuật. Đi khắp các di tích, dễ thấy hầu hết linh vật trên các bức bình phong đều phó thác cho thợ nề; đẹp-xấu là chuyện may rủi. Khiến nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, nghệ sĩ tạo hình bức xúc.

Trong họp báo thường kỳ này, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết ngày 3/9 sẽ chấm mẫu lễ phục, thống nhất kết quả để may trên vải thật.