Nông dân sáng kiến thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật làm bè qua sông

TPO - Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xong, bà con không tiêu hủy vỏ chai mà tiện tay vứt luôn trên đồng ruộng. Nhận thấy điều đó, một nông dân ở Hậu Giang đã nghĩ ra việc thu gom số phế liệu này để làm bè nổi qua sông, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra "phương tiện thủy" độc đáo.  

Ông Hiếu vớt vỏ chai thuốc BVTV trên đồng - Ảnh: KIm Hà.

Với địa hình kênh rạch chằng chịt, xung quanh đều là ruộng lúa. Do đó, người dân tại ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang phải thường xuyên đi thăm đồng bằng ghe xuồng. Hoặc có những ngôi nhà nằm tách biệt không có cầu qua lại cũng phải di chuyển bằng phương tiện này. Tuy nhiên, ghe xuồng lại có tuổi thọ ngắn, chỉ một vài năm là hỏng.

Chính vì vậy, một người nông dân ở ấp 4 đã có sáng kiến độc đáo, chế ra chiếc bè để lưu thông trên các kênh rạch bằng thứ phế liệu mà ai cũng cho rằng nó không còn giá trị sử dụng.

Thu gom bỏ vào bao tích trữ để làm bè - Ảnh: Kim Hà.

Trong những lần đi làm đồng, ông Lê Văn Hiếu (50 tuổi) phát hiện có nhiều vỏ chai thuốc BVTV bỏ vương vãi trên đồng ruộng nên đã thu gom về, với mục đích ban đầu là bán phế liệu kiếm ít tiền quà bánh cho con cháu. "Đang nằm võng thì thấy mấy đứa con lấy bao chứa vỏ chai nhựa mà tôi đã thu gom, rồi cột miệng bao lại đem xuống sông làm phao tắm. Tụi nhỏ trèo lên bao ngồi luôn mà nó không chìm nên tôi mới nghĩ tại sao mình không kết một chiếc bè từ mấy cái vỏ chai này thay thế cho chiếc xuồng cũ đã hỏng để đi lại qua sông." - ông Hiếu nói.

Vặn kĩ nút để thuốc thừa trong chai không đổ ra ngoài và nước không tràn vào khi thả xuống nước - Ảnh: Kim Hà.

Thế là ông Hiếu bắt tay vào đi thu gom thật nhiều chai nhựa đem về tích trữ trong bao nhưng không bán phế liệu nữa. Khoảng được 10 bao 2 giạ (mỗi bao khoảng 80 - 100 chai) thì ông vặn nút thật kĩ để không bị vô nước, rồi may một túi lưới dài khoảng 3m, ngang 2m để cho chai nhựa vào và may miệng túi lại.

Tiếp theo, ông Hiếu tiếp tục đóng thêm một tấm sạp bằng ván đặt lên trên "bè chai nhựa", cột lại cho chắc. Chỉ đơn giản vậy là hoàn thành một chiếc "xuồng giã chiến" có thể qua lại trên sông dễ dàng.

Bỏ chai nhựa vào túi lưới - Ảnh: Kim Hà.

May túi lưới để chai nhựa cố định không bị trôi ra ngoài khi thả xuống nước - Ảnh: Kim Hà.

Lắp sạp ván, rồi cột dây thật chắc - Ảnh: Kim Hà.

Chiếc bè phế liệu hoàn thành - Ảnh: Kim Hà.

Chai nhựa được văn nút kín nổi trên mặt nước - Ảnh: Kim Hà.

Để việc di chuyển được thuận tiện, ông còn nối một sợi dây dài từ bờ này sang bờ kia để ai muốn qua lại thì tự kéo dây để điều khiển. Với chiếc bè trên, có thể chở được khoảng 4 người. Thấy "phương tiện thủy" này rất vững chãi, không hề bị tròng trành khi lưu thông trên mặt nước. Ông Hiếu tiếp tục làm thêm chiếc bè lớn hơn chở được khoảng 15 - 16 người mỗi khi nhà có đám tiệc hoặc chở 1 - 2 chiếc xe gắn máy qua sông. Thậm chí, ông còn lắp máy nổ để làm phương tiện vận chuyển lúa giống đi sạ quanh đồng.

Từ những vỏ chai được cho là không còn giá trị sử dụng được người nông dân "hô biến" thành phương tiện qua lại trên sông - Ảnh: Kim Hà.
Thậm chí có thể lắp máy để vận chuyển lúa trên kênh rạch vô cùng thuận tiện - Ảnh: Kim Hà.
"Nếu như một chiếc xuồng gỗ tôi mua với giá 400 - 500 ngàn đồng mà chỉ xài được hơn 1 năm là hư rồi. Hơn nữa, mua về mình còn phải trét chai, trời mưa còn phải tát nước. Nhưng cái bè này chỉ cần bỏ chai vô lưới, rồi kết lại để nó không trôi. Cứ vậy mà xài 5 năm qua không hề hấn gì, có chăng nó chỉ hư lưới, thì mình thay lưới mới" - ông Hiếu chia sẻ.
Theo người nông dân này, việc làm một chiếc bè không khó nhưng để hình thành được một chiếc bè phải mất thời gian hơn 2 tuần để đi thu gom vỏ chai. Trong suốt 5 năm qua, ông Hiếu đã thu gom hàng trăm ngàn vỏ chai thuốc BVTV để cho ra đời khoảng 30 chiếc bè phế liệu. Việc làm này không chỉ tạo ra phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại đường thủy cho bà con trong vùng, mà còn cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người nông dân.