Tôi đi làm công nhân- Bài 3:

Nỗi niềm nơi xóm trọ

TP - Sau khi vắt kiệt sức lực nơi công xưởng, những công nhân trở về xóm trọ tồi tàn với chất ngất nỗi lo cơm áo cũng những trăn trở về người thân...  
Mỗi lần mưa là nước ngập cả khu trọ. Ảnh: Việt Văn

Giữa guồng áo cơm

Khu trọ ở hẻm 447/5 đường Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) mưa to là ngập. Ngập cả lối đi, ngập cả phòng ở. Mọi người hì hụt tát nước đổ ra. Ngày nóng oi bức, phì phạch quạt mỗi khi cúp điện. Tiếng trẻ con khóc dai dẳng suốt đêm. Dù thế, những phận nghèo cùng nhau không nỡ trách mắng. Họ thiếp đi lấy sức cho ngày lao động mới. Chưa nói trộm cắp rình rập, sơ hở là mất. Anh Trương Văn Cần (33 tuổi, quê Cần Thơ) trọ gần 9 năm ở đây chứng kiến bao chuyện buồn vui, sướng khổ.

Năn nỉ mấy ngày, anh Cần mới cho tôi ở ghép để đi làm cho gần công ty. Phòng nhỏ hẹp, ba anh em ngủ đã chật, nhưng tôi chấp nhận ngủ ở dưới nền gạch. Vì thế anh không nỡ từ chối…

Hoàng (22 tuổi), em trai anh cùng làm chung công ty với tôi. Tan ca. Tôi với nó lội bì bõm về phòng trọ người ướt sũng. Sài Gòn dịp này mưa tầm tã. Ở đây, mưa là đường Hồ Ngọc Lãm ngập lút cả xe máy. Vào hẻm, dãy trọ đầu tiên đèn tắt tối thui. Cả 5 phòng đầu nước ngập sâu gần cả mét. Phòng vắng người. Cửa khóa. Lần nào mưa to cũng thế. Họ “chạy lũ” sang phòng bạn bè, đợi nước rút  mới về.

Từ đầu dãy trọ, đã nghe tiếng la hét từ phòng của vợ chồng chị Nga (29 tuổi, quê Long An): “Anh tát nước trong nhà vệ sinh nhanh ra, chậm nó tràn lên ngập phòng đó. Đừng lấy giẻ thấm nước. Không kịp đâu”. Từ ngoài nhìn vào, chị vợ hì hục múc nước vào xô. Ông chồng lúi cúi xách đổ ra ngoài. Trên gác, thằng con 4 tuổi khóc thét vì ba mẹ bỏ rơi. Vợ chồng anh chị không đủ thời gian để ý đến vì đang bận tát chỗ này, tát chỗ kia, nhanh tay dọn đồ đạc lên gác.

Dãy tôi ở phòng nào cũng ngập. Ngập từ trong ra ngoài. Nước từ dưới tràn lên. Khổ nhất là nước bồn cầu. Đi ngang phòng anh Phi Núi (42 tuổi, quê Kiên Giang), ngó đầu ra hỏi: “Ngoài hẻm ngập tới đâu mày? Chắc lút đầu?”.  Vừa hỏi anh vừa hì hục tát.

Tối đó, cả dãy cùng chạy lụt. Phòng chị Hằng (35 tuổi, quê Đồng Tháp) tát hoài vẫn không hết nước. Hai chị em hì hục bưng đồ lên gác. Ngoài dãy trọ, chị Ba (28 tuổi, ngụ Tiền Giang) cầm chai xịt gián. Cả dãy náo loạn tiếng la, tiếng thét thúc giục nhau. Người tát nước, người đuổi gián, bưng bê đồ đạc. Lại một đêm mất ngủ!

Bà chủ nhà trọ đến thu tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền internet. Bà thu vào ngày 20 hàng tháng. Vì thời gian này, mấy công ty ở khu vực tôi làm đến hạn trả lương. Bà tính sẵn tiền mỗi phòng cần phải đóng. Bà lấy ngay tiền tươi, không cho thiếu. Anh Cần móc bóp ra, đưa bà 1 triệu 553 ngàn đồng. Hiểu tính bà chủ, anh chỉ phàn nàn phòng lại ngập. Bà chủ bảo chịu thôi, ở đâu cũng vậy mà.

Tình cảnh đó không chỉ có ở chỗ tôi, mà ở xóm trọ trong hẻm 185 khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng tương tự. Tôi có người quen làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần. Tôi hẹn qua chơi. Bước vào khu trọ tôi choáng với những dãy phòng trọ như ma trận. Ở đây có hơn 200 căn phòng trọ thiết kế kiểu như mê cung, mưa không có chỗ thoát nên luôn ngập. Khu trọ  chỉ một lối đi ra vào nhưng trộm cắp vẫn tung hoành.

Đi lòng vòng hỏi mới tìm đến được phòng đánh số 98. Phòng của bạn tôi, anh Tâm (31 tuổi, quê Kiên Giang). Lâu ngày không gặp anh. Nhìn anh, tôi không nhận ra. Anh ốm và đen hơn trước. “Cuộc sống giờ thế nào rồi?”, tôi hỏi. “Có vợ! nhưng vẫn là kiếp công nhân. Làm đồng nào ăn đồng đó”. Rồi anh kể, hôm trước phòng kế bên mất xe máy, mất sạch tiền bạc trong phòng, cả điện thoại “cùi mía” bọn trộm cũng không tha. “Nó để ý những ai đi làm ca đêm về, cũng là lúc những người khác đi làm ca ngày. Khu trọ vắng. Mình về mệt, nhắm mắt tí, quên không khóa cửa, dắt xe vào phòng là mất, anh Tâm nói.

Vậy mới thấy, không chỉ khu trọ của tôi mà những khu trọ khác cũng trong tình cảnh tương tự, mưa ngập, mất trộm… đủ thứ trên đời.  Nhưng vì đồng lương công èo uột nên đành phải chọn ở những nơi như thế. Mình không ở đó thì ở đâu? Nghĩ vậy thôi, nhiều người chấp nhận sống chung với “lũ”. Quan trọng thích ứng với nó để cố gắng sống tốt. Bởi trước mắt còn nhiều nỗi lo khó nói thành lời, nó cứ thường trực trong đầu.

Anh kể chuyện anh nghe thật cám cảnh. Vợ anh ở tận Thanh Hóa vào làm cho công ty may Bông Cúc ở khu công nghiệp Sóng Thần cũng mới hơn 1 năm. Lương bèo bọt chưa đến 3 triệu. Tháng nào mệt, xin nghỉ là mất tiền chuyên cần.  Dù cưới nhau đã hơn 2 năm nhưng chưa dám sinh con. “Nuôi mình không nổi nghĩ gì đến chuyện nuôi người khác. Chắc phải dành dụm thêm vài năm nữa mới dám có con. Chứ sinh nó ra mà không lo được thì tội”, anh trăn trở.

Căn phòng đôi vợ chồng trẻ đơn sơ, không có gì quý giá ngoài những tấm ảnh hai người chụp lúc mới quen, dán lên tường làm kỉ niệm. Bữa cơm hôm đó, một con cá biển chiên, một dĩa rau xào đã nguội ngắt từ bao giờ. Anh bảo nấu từ lúc sáng. Chiều về ăn, tranh thủ tăng ca.

Tôi lại nhớ dãy trọ mình ở, hầu hết là người ở các tỉnh miền Tây. Đồng lương cũng không khá hơn mấy. Làm quần quật cả ngày lương cũng chỉ tròm trèm hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.

Mỗi tháng tiền phòng, tiền điện nước cũng gần 1,5 triệu. “Hoàn cảnh công nhân là vậy mà. Vừa lãnh lương xong thì không còn đồng nào dính túi. Cuộc sống cứ cuốn mình vào vòng luẩn quẩn. Bao nỗi lo đè lên vai”, anh Phong đúc kết bằng kinh nghiệm của mình sau những tháng ngày mưu sinh ở đất Sài thành.

Những chuyện buồn sau cửa phòng trọ

Anh Cần ở cùng phòng trọ với tôi đã ngoài 30 tuổi, sống cùng hai đứa em trai, cũng làm công nhân. Anh có người yêu. Người ấy cũng làm công nhân, lên Sài Gòn cùng với anh cách đây 8 năm. Dự định cuối năm nay hai người cưới nhau nhưng rồi họ... chia tay. Anh bảo quen nhau gần ấy thời gian, gia đình hai bên đã đồng ý tiến tới hôn nhân. 

Nhưng đời không may mắn, má anh ở nhà bệnh nặng ngay lúc gần cưới. “Bao nhiêu tiền dành dụm để cưới vợ phải lấy ra lo chạy chữa, thuốc men cho bà già. Nói với người yêu ráng đợi thêm hai năm nữa. Cô ấy bảo không đợi được. Cãi nhau rồi chia tay dễ dàng vậy đó”, anh buồn bã. Cầm điện thoại trên tay, anh kết nối mạng xã hội, tìm bạn trò chuyện giết thời gian. “Tuổi này đã lớn rồi, là công nhân, chẳng có tiền bạc thì ai dám theo”, anh ngậm ngùi.

Những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm. Ảnh: Việt Văn

Phận nữ công nhân càng ngậm ngùi hơn. Chị Hường (28 tuổi, quê Vĩnh Long) vào làm cho công ty Tân Lập Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) trước tôi khoảng 1 tháng. Trước chị làm công nhân ở quê nhưng hoàn cảnh éo le chị trốn lên đây. Chị không muốn ai biết hoàn cảnh của mình. Khó khăn lắm chị mới chia sẻ. Chị có quen một người làm cùng công ty.


Không lâu, hai người góp gạo thổi cơm. Biết chị mang thai, gã quất ngựa truy phong. Hàng xóm láng giềng khu trọ người nói ra, kẻ nói vào nên chị nghỉ việc. Sinh con xong gửi cho ông bà ngoại nuôi, chị bỏ lên Sài Gòn kiếm việc. Nhớ con, chị càng quần quật làm cho bớt nhớ. Hết ca, chị xin tăng ca kiếm thêm tiền gửi về quê mua sữa cho con.

Phượng (21 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhắc đến những mối tình chóng vánh, mối tình qua mạng xã hội của những nữ công nhân buồn đến nao lòng.

Để giết thời gian và gặm nhấm nỗi buồn, những công nhân tá túc ở đây không còn việc gì hơn là nhậu và đánh bài. Ông Tư (45 tuổi, quê Bến Tre) vừa tan ca về, ngồi ăn tô cơm nguội, vừa xem đánh bài. Ông bảo, ở đây ngày nào cũng gầy sòng, người này đi làm thì người kia chơi. Thay phiên nhau như thay ca làm ở công ty vậy. Tiền đánh không lớn nhưng ngồi cả ngày mà xui xẻo để thua không, là mất nửa tháng lương như chơi.

Ngồi từ sáng đến giờ còn có anh Hung (43 tuổi, quê Bạc Liêu).  Ông Tư bảo Hung gầy sòng chơi tối ngày. Tối đó, trong phòng Hải là chầu nhậu, ngoài cửa là sòng bài. Tiếng cười nói, tiếng chửi tục cứ vang ầm  khu trọ…

“Ở đây, người lên trước rủ người lên sau nên ngó đi ngó lại, toàn đồng hương hoặc dòng họ. Người tứ xứ, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam đều trôi dạt đến đây kiếm sống”, anh Tâm cho biết. Cả 4 anh em của anh lần lượt lên làm công nhân. Mỗi người thuê riêng một phòng. “Ở chung thì tiết kiệm tiền nhưng ai cũng có gia đình, có con, phòng lại chật”, anh nói.

Còn nữa...