Nỗi đau đảo ngọc

TP - Kể từ khi có QĐ 178/2004 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về qui hoạch phát triển đảo Phú Quốc thành “thiên đường du lịch” đến nay, Hòn Ngọc trên biển Tây Nam của Tổ quốc phát triển mạnh mẽ. 

Bên cạnh những gặt hái về KT-XH, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra. Tệ nạn xã hội nảy sinh, những băng nhóm “xã hội đen”  tràn về bảo kê đất đai, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi. Đất đai nóng bỏng kéo theo vấn nạn phá rừng, ngăn sông lấn biển để giành đất.

Trong vòng xoay về đất đai ấy chính quyền cũng bị cuốn theo, nhiều dấu hiệu cho thấy sự buông lỏng quản lý. Đã có những chủ trương, quyết định không phù hợp, cố ý làm trái; nhiều cán bộ bị kỷ luật, vướng vòng lao lý. Chưa đầy 1 năm, sau QĐ 178 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã phải “đau đớn” ngồi lại với nhau (ngày 24/5/2005) để rút kinh nghiệm về quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc.  

Không đau sao được, khi có đến 4 tổ chức cơ sở Đảng trên đảo bị cảnh cáo; Trên 50 cán bộ, đảng viên bị kiểm điểm, trong đó 14 người bị cảnh cáo, 7 người bị cách chức, 3 người bị khai trừ khỏi Đảng. Trong số cán bộ Đảng viên bị kỷ luật có tới 7/10 Ủy viên Thường vụ huyện Phú Quốc. Hàng loạt cán bộ bị khởi tố bắt giam, trong đó có nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện… Sai phạm chủ yếu là chia chác đất công, giao, cấp đất trái qui định, bao chiếm đất rừng, xây dựng trái phép… Liên quan vụ việc, Ban bí thư trung ương Đảng  ra quyết định cảnh cáo Ban cán sự Đảng tỉnh Kiên Giang; cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Phạm Long và nguyên Phó Chủ tịch ông Nguyễn Văn Tân.

 Những tưởng “Bài học sâu sắc” năm nào sẽ được các cán bộ các cấp thấm nhuần . Thế nhưng giờ đây, một lần nữa người ta phải chứng kiến nhiều cán bộ ở Kiên Giang tiếp tục đi vào vết xe đổ năm xưa. Lần này mức độ sai phạm, theo đánh giá của nhiều người là nghiêm trọng hơn nhiều, xét về tính chất lẫn qui mô. Sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng trái phép, lấp sông, lấn biển, chiếm rừng… bao trùm lên toàn đảo. Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì ngành chức năng tỉnh “ưu ái” cho một số DN. Đất nông nghiệp  bị “băm nát” tràn lan. Hòn đảo với khoảng 100 ngàn dân, trong vòng 15 tháng (từ 01/01/2016 – 09/6/2017) chính quyền đã cho tách  gần 2 vạn thửa đất nông nghiệp, có thửa chỉ rộng 16m2. Một siêu kỷ lục đáng buồn!   

Đúng 15 năm, sau ngày Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang họp rút kinh nghiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng ngày 15/5/2020 phát công văn hỏa tốc gửi đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh yêu cầu thực hiện kế hoạch “Tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ” liên quan đến sai phạm đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Lần này số lượng bị kiểm điểm đông hơn, rộng hơn. Cụ thể: Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh thời kỳ 2011 – 2017, hơn 10 sở ban ngành và các ban chuyên môn cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và chủ tịch các xã, Chủ tịch TP Rạch Giá… Tổng số cán bộ đảng viên phải kiểm điểm ước trên 100 người. Về hưu, chuyển công tác cũng sẽ bị hồi tố. 

Chắc chắn rằng, sau kiểm điểm sẽ có các hình thức kỷ luật, thậm chí xử lý bằng pháp luật đối với các cán bộ sai phạm. Và, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, sẽ tiếp tục họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thêm một bài học (bài học đã cũ) sẽ được rút ra. Nhưng nếu cứ tiếp tục rút kinh nghiệm về một việc đã từng rút kinh nghiệm không biết điệp khúc đó bao giờ chấm dứt.