Nồi bánh chưng nóng giữa Mátxcơva lạnh cóng

TP - “Khu tôi ở là một trong những khu tập trung nhiều gia đình Việt Nam tại Mátxcơva. Dù bận bịu đến mấy, chúng tôi vẫn thường tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, gói giò cùng bà con trong khu để các cháu nhỏ biết giữ phong tục Tết dân tộc mình”, anh Quốc Hùng tâm sự.

Khu tập trung nhiều gia đình người Việt ở Mátxcơva (Nga) như gia đình anh Hùng là khu của ngoại giao đoàn mà Cục phục vụ ngoại giao đoàn của Nga cho các sứ quán và công ty nước ngoài thuê (giống như khu Vạn Phúc ở Hà Nội). 

Những đứa trẻ xa quê thích thú học gói bánh chưng. Ảnh: Chu Thái

Anh Hùng sang Nga năm 1988 theo học ngành hóa, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh lại theo học kinh tế và bảo vệ Tiến sỹ kinh tế tại Viện kinh tế- Viện hàn lâm khoa học Nga. Chị Phạm Thanh Xuân, vợ anh cũng có 2 bằng thạc sĩ tại Nga: một về ngôn ngữ và văn học Nga và một về tiếng Anh. Hai cô con gái của anh chị đều từng đoạt giải nhất trong cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế dành cho học sinh nước ngoài tại Nga.

Những cái Tết trên giảng đường

Tròn 25 năm xa quê hương, cứ mỗi độ Xuân về ký ức về những ngày Tết lại ùa về với anh Quốc Hùng. Anh hồi tưởng: “Chúng tôi sang Nga học từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày mùng 1 Tết đầu tiên xa nhà, tôi đón Tết ở giảng đường. Những ngày Tết là những ngày sinh viên chúng tôi bước vào mùa thi. 

Người Việt lội tuyết vác mai về nhà

Đêm 30 Tết đầu tiên xa nhà chúng tôi vẫn phải chuẩn bị ôn thi, chỉ làm một mâm cơm nhỏ, một con gà luộc và một ít trái cây, thắp hương cúng tổ tiên ông bà. Cảm giác nhớ gia đình trở nên cồn cào, da diết… Lũ con gái thì ôm nhau khóc. Tụi con trai thì ngồi thẫn thờ, đứa thì giở ảnh gia đình ra xem, đứa thì lấy ghi ta chơi một bản Romance buồn, kể cả đứa gan lì nhất mắt cũng rưng rưng ngấn lệ… 

Nhưng rồi chúng tôi cũng vẫn phải gạt nước mắt để vùi đầu vào chồng sách vở, chuẩn bị để sáng hôm sau đi thi. Năm mới đến khi mà hoàn toàn không có cảm nhận năm cũ đã kết thúc. Tết đầu tiên xa quê hương buồn đến nao lòng…”.

Anh Hùng cũng cho biết, Tết của người Việt trong khu nhà anh cũng đầy đủ không thiếu thứ gì, có nhà còn làm các loại mứt tết như mứt dừa, mứt khoai tây, cà rốt... Nói chung không khí chuẩn bị rất tấp nập và bận bịu. 

Có lúc anh còn có cảm nhận, người Việt ở Nga chuẩn bị Tết còn chu đáo và bận bịu hơn cả ở Việt Nam vì ở Việt Nam bây giờ mọi người thường mua bánh chưng và mứt tết, còn ở đây bà con thường cố gắng tự làm nhiều thứ để có được không khí của ngày Tết quê hương trong mùa đông lạnh giá ở nước Nga.

Nhớ ao làng và tuổi thơ ở Hà Nội

Những năm sau này khi thế giới đổi thay, điều kiện thông thương cũng dễ dàng hơn trước, nhiều người Việt ở Nga đã có những cái Tết thật đầy đủ về vật chất, không kém gì ở Việt Nam. Mâm cỗ cúng giao thừa ngày Tết cũng đầy đủ bánh chưng xanh, giò lụa, măng, bóng, miến, xôi gấc… Tất cả những thực phẩm thiết yếu dành cho ngày Tết, không thiếu một thứ gì từ lá dong, đỗ xanh, gạo nếp, lạt, tôm, bóng… được bày bán khắp trong các chợ có người Việt Nam tại Mátxcơva như Liublino, Rưi bắc, Mê Công. Lịch Tết muôn hình muôn vẻ cũng được bày bán. Nếu bạn muốn có một cành đào hay một cây quất thì điều đó cũng không còn là quá khó…

Cảm giác nhớ gia đình trở nên cồn cào, da diết… Lũ con gái thì ôm nhau khóc. Tụi con trai thì ngồi thẫn thờ, đứa thì giở ảnh gia đình ra xem, đứa thì lấy ghita chơi một bản Romance buồn...

Giờ đây dù đã đầy đủ về vật chất nhưng anh Hùng tâm sự, cái Tết ở Nga vẫn còn thiếu một điều quan trọng nhất - đó là sự ấm áp của quê hương. Các con của anh rất nhớ ngày Mùng Một Tết được về thăm quê nội tại làng Nhân Chính, Hà Nội. Được ông bà dẫn đi thăm đình làng, ao làng và nghe ông nội kể về những kỷ niệm tuổi thơ của ông. Ông dẫn các cháu đi xem ao làng - nơi ông cùng các bạn bơi lội đùa nghịch ngày xưa, ông kể về các lễ hội của làng Nhân Chính và kể về những trò chơi của trẻ con thời xa xưa như bắt cá, bắn súng cao su...

Năm nay lại một cái Tết nữa gia đình anh Hùng ăn Tết tha hương. Một hồi chuông điện thoại và giọng nói thân thương của chị gái từ quê nhà vào một buổi chiều 30 Tết tĩnh lặng đã làm anh bật lên tiếng lòng:

“Tết này con đã không về được

Nhớ lắm con đường, nhớ bước chân…

Cha già, mẹ yếu, trời sương gió

Day dứt lòng con nỗi nhớ thương.

Tết này em đã không về được

Bỗng nhớ chị yêu đến nao lòng

Chiều nay chị gọi lòng xao xuyến

Ký ức dội về những ấu thơ…

Tết này con đã không về được

Đất Mẹ vào xuân nắng có hồng?

Biển đảo ngoài khơi anh có lạnh?

Xin gửi tấm lòng với nước non…”.

(Quốc Hùng- Mátxcơva)