'Nịnh sếp', còn nhiều cách hiểu khác nhau

TPO -  Đề cập đến văn hóa công vụ, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, còn rất nhiều cách hiểu khác nhau khi lý giải thế nào là hành vi “nịnh sếp” vì động cơ không trong sáng.
TS. Lê Anh Tuấn

Cán bộ công chức còn nhiều vấn đề trong ứng xử

Theo kế hoạch, hôm nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị để triển khai quy định đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng thông qua. Tuy nhiên, hội nghị này được triển khai nội bộ.

Một trong những điểm mới, được báo chí và dư luận quan tâm trong đề án là quy định không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, Viện Khoa học tổ chức nhà nước được giao xây dựng đề án Văn hóa công chức. Viện này cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng Bộ Nội vụ triển khai đề án.

Theo ông Tuấn, đây là một đề án khó và còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, từ bản thân khái niệm văn hóa công vụ thế nào, cho đến các nội dung trong đề án liên quan đến các hành vi, chuẩn mực trong ứng xử của công chức ra sao.

Ông Lê Anh Tuấn cho hay, vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số báo có đề cập đến một số vấn đề về thuật ngữ, câu chữ liên quan đến đề án, chẳng hạn như thế nào là hành vi “nịnh sếp”, hay tham nhũng vặt? Theo ông Tuấn, nếu nói về câu chữ với nhau thì còn rất nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng đề án Văn hóa công chức vừa được Thủ tướng thông qua, có 4 nội dung chính.

Trước tiên, đề án nhấn mạnh đến tinh thần, thái độ làm việc của công chức. Điều này xuất phát từ yêu cầu, đặc điểm văn hóa công vụ, cần được phát huy, nâng cao hiệu quả trong công việc, cũng như tinh thần trách nhiệm của công chức. Điều này cũng đã được quy định trong luật rồi, và lần này quy định rõ hơn về hành vi chuẩn mực trong giao tiếp.

Theo ông Tuân, quy định trên xuất phát từ thực tế trong thời gian qua, một số cán bộ công chức, viên chức còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, chưa nhận thức được vai trò của văn hóa công vụ, nên quá trình ứng xử trong cơ quan với nhau, giữa cấp trên và ứng xử ra bên ngoài còn nhiều vấn đề, cần phải đặt ra chuẩn mực giao tiếp.

Cùng với đó là chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ công chức. Cũng như mọi công dân, trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ, cán bộ công chức phải nâng cao đạo đức, lối sống. Cuối cùng là trang phục của cán bộ công chức, đi kèm với đó là chế tài cũng như giải pháp thực hiện.

“4 xin, 4 luôn”

Liên quan đến tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức: Đề án Văn hóa công vụ quy định, cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân...

Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử: Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Với chuẩn mực đạo đức, lối sống: Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

Về trang phục: Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc đi dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.