Những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận thời gian qua

TPO - Giáo viên mầm non dội nước vào đầu trẻ, cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh… là những vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ trong dư luận trong thời gian gần đây.  

Nghi án cô giáo dội nước vào đầu trẻ

Ngày 17/2, chị Hải Hà- phụ huynh của một bé trai 4 tuổi đang theo học tại trường mầm non Kitty (quận Lê Chân, Hải Phòng) đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc con mình kể lại với gia đình đã bị cô giáo dội nước lên đầu khi trót tè dầm ra quần ở lớp học.

Cơ sở trường mầm non tư thục Kitty.

Sau đó gia đình chị Hà có đến gặp lãnh đạo trường để phản ánh vụ việc. Tuy nhiên tại đây gia đình chị đã nhận được thái độ thách thức từ phía cô Hiệu phó Kim Anh. Quá bức xúc trước thái độ của cô Hiệu phó này, chị Hà đã trực tiếp quay clip và chia sẻ lên mạng xã hội.

Sau đó, clip này được lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được nhiều phản ứng từ các phụ huynh, nhất là những phụ huynh có con đang theo học tại trường mầm non này.

Ngày 23/2, UBND quận Lê Chân, TP.Hải Phòng ra quyết định tạm thời đình chỉ giáo viên đứng lớp, đồng thời bãi nhiệm hiệu phó trường mầm non tư thục Kitty (số 43 Dư Hàng, quận Lê Chân).

Đồng thời, quận Lê Chân đã đề nghị công an quận này vào cuộc làm rõ thông tin gia đình “tố” cháu bé bị cô giáo dội nước vì tè dầm.

Cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh

Vụ việc gây xôn xao dư luận diễn ra tại trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cụ thể, một tài khoản Facebook có tên Thanh Le đã đăng clip cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc lên trang cá nhân vào sáng 5/2. Tiếp đó là cảnh giáo viên dùng vòi nước xịt rửa cho các bé. Video cho thấy trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, các cô giáo ở trường thường xuyên có hành vi bạo lực và đe dọa trẻ nhỏ.

Ảnh cắt từ clip.

Chiều 5/2, cô Vũ Thị Tân - Hiệu phó kiêm quản lý trường Mầm non Sen Vàng - cho biết trường đã đình chỉ công tác và sau đó là chấm dứt hợp đồng đối với 2 giáo viên.

Ngày 6/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội. Thứ trưởng Nghĩa cho rằng: "Đây là hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ trẻ".

Ngày 7/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng khẩn trương làm rõ việc giáo viên mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ. Cùng ngày, đại diện trường Mầm non Sen Vàng đưa ra lời xin lỗi chính thức tới các bậc phụ huynh đồng thời bày tỏ ý định làm đơn xin giải thể trường.

Bảo mẫu đánh, trói, nhét giẻ vào miệng bé 15 tháng tuổi

Tháng 10/2016, qua camera của cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca thuộc phường Nam Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình), bố mẹ cháu Cù Hoàng Phi L. (15 tháng tuổi) phát hiện cháu bị các bảo mẫu của cơ sở trên có hành vi bạo hành. 

Theo đó, bố mẹ cháu L. đã đến tận nơi cháu L. đang gửi và chứng kiến các bảo mẫu Lê Thị Hoài Linh và Nguyễn Tú Anh có hành vi bạo hành cháu L. như dùng khăn trói hai tay, chân, nhét khăn vào miệng, dùng thìa inox đánh cháu L.

Bảo mẫu trói, đánh bé 15 tháng tuổi. Ảnh cắt từ clip.

Với hành vi trên, Công an TP Đồng Hới đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 bảo mẫu Lê Thị Hoài Linh (22 tuổi) thường trú ở Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình và Nguyễn Tú Anh (22 tuổi), trú Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình về tội “Hành hạ người khác”.

Cô giáo đánh tím mặt học sinh vì viết sai chính tả

Tháng 3/2016, cháu P.C.T. - học sinh lớp 1, điểm lẻ trường tiểu học xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) bị cô giáo T.T.T.Tr. đánh tím mặt mũi trong giờ học do em này viết sai chính tả và viết chậm khiến dư luận rất bức xúc.

Hình ảnh học sinh bị cô giáo đánh tím mặt.

Theo gia đình cháu bé, trước đó 1 tuần, cháu T. đã bị cô giáo Tr. đánh. Tuy nhiên, cô Tr. có đến xin lỗi gia đình. Không ngờ một tuần sau, cô giáo Tr. lại đánh cháu lần nữa. Một số em học sinh cùng lớp kể, trong giờ tập viết, T. viết bài chậm đã khiến cô giáo Tr. bực tức, nổi nóng và tát cháu T. nhiều cái vào mặt.

Tại buổi họp Hội đồng kỷ luật, cô giáo Tr. cho biết đã đánh học sinh T. vào đầu, thái dương... Vật dụng cô giáo dùng để đánh, được xác định là thước kẻ, gậy tre và điện thoại. Cũng trong buổi họp này, cô Tr. đã khóc và hối hận nhận ra hành động của mình với học sinh T. là quá tàn nhẫn.

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bát Xát, Hội đồng kỉ luật đã áp dụng mức xử lý cao nhất là kỉ luật và buộc thôi việc với cô giáo Tr.

Chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường, chuyên gia tâm lí Võ Thị Minh Huệ  cho rằng: Bạo lực học đường không đơn thuần là tổn thương về thể chất do đánh nhau mà có thể là tổn thương về mặt tinh thần do bị cô lập, bị ghẻ lạnh bởi bạn cùng lớp hoặc hình phạt của thầy cô giáo. 

Có trường hợp học sinh về nhà khóc thét khi thấy mẹ đi giày cao gót, hỏi ra thì mới biết cô giáo của con thường xuyên giơ gót giày ra dọa nạt con. Cha mẹ có thể dễ dàng kiểm soát vết thương thể chất của con cái nhưng lại rất khó nắm bắt tổn thương tinh thần. 

Bố mẹ nên là một thẩm phán công tâm trong phiên tòa giúp con giải quyết mâu thuẫn trong nhà trường. Con mình dù nguyên đơn hay bị đơn của một vụ bạo lực học đường thì vẫn phải kiên nhẫn lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trước khi đưa ra những quyết định giải quyết. 

Trên thực tế, phần lớn bố mẹ khi thấy con mình bị đánh đều ngay lập tức đến trường, tìm cách gặp người đã đánh con mình để trách mắng. Xử sự nóng vội của bố mẹ có thể vô tình tạo nên những đứa con hư.

Đẩy lùi bạo lực học đường không chỉ là giải quyết một sự vụ cụ thể mà còn là hành trình dài hình thành nhân cách cho con để con ngoài việc trở thành một người tài còn trở thành một người biết yêu thương. Muốn vậy, hãy bắt đầu từ mỗi gia đình nhỏ, một gia đình nhân văn là điều kiện để nuôi dạy một đứa con nhân văn.

Được biết, những chia sẻ này đã được thiết kế thành bài giảng trong khóa Đức dục do nhà giáo 85 tuổi Đàm Lê Đức phụ trách được phát hành miễn phí trên trang “10 năm mái trường HOCMAI”.

Theo Tổng hợp