Những thanh niên thay đổi diện mạo nông thôn

TP - Những thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm đang trở thành những nhân tố tích cực góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nên “chất mới” thực sự cho nông thôn hôm nay.
Mô hình trang trại vịt của anh Nguyễn Hữu Tình

Ông chu bãi sông

Anh Nguyễn Hữu Tình thoạt nhìn già hơn tuổi 30 của mình. Chưa vợ, nhìn rắn rỏi, nhiều người trong thôn quý chàng trai thật thà, tháo vát mà đánh mối nhiều chỗ nhưng dường như chàng thanh niên này đang say với công việc của mình. Sự say mê ấy bắt đầu từ ngay khi Tình còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tự lượng sức mình, chàng trai Nguyễn Hữu Tình (thôn Phấn Lôi, xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang) không đi thi đại học mà quyết tâm ở nhà làm giàu theo cách riêng của mình.

Bố của Tình là người gắn bó với đồng ruộng lâu năm vẫn khuyên con trai: Thắng Cương vốn là vùng đất không có nghề phụ, chiêm khê, mùa thối nên làm ăn không phải dễ. Nhưng nếu có chí thì ở đâu cũng có thể làm giàu được. Cũng năm ấy, xã tổ chức đấu thầu khu bãi bồi ven sông với diện tích hơn 2,5 ha, anh Tình mạnh dạn đứng ra nhận thầu. Tiền không có một cắc, anh phải đi vay mượn người thân rồi đi vay nặng lãi về đầu tư khu đất bãi này.

Anh Ngụy Văn Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cho biết, những mô hình như của Nguyễn Hữu Tình, Bế Văn Thái đang là những ngọn cờ đầu của thanh niên Bắc Giang trong việc cùng cả xã hội xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc khuyến khích, tuyên dương, nhân rộng các mô hình này, các cấp bộ đoàn Bắc Giang đã chỉ đạo củng cố và xây dựng mới 131 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn nông thôn với 2.609 ĐVTN tham gia trong đó đặc biệt chú trọng đến các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Từ một vùng đất lổn nhổn thùng vũng, cỏ dại mọc um tùm, anh Tình thuê máy xúc về móc thành hai chiếc ao lớn với dự định nuôi cá, chăn vịt siêu trứng. Vụ đầu, tiền lời lãi không được bao nhiêu nhưng cũng thêm được chút đỉnh, Tình lại đầu tư thêm xây dựng chuồng trại cẩn thận và đi học thêm ngành thú y ở một trường trung cấp gần nhà. Đến vụ thứ hai cũng là năm dịch cúm gia cầm tràn về khiến cho việc tiêu thụ ế ẩm.

Đàn vịt nhà anh không dính dịch, 600 con vịt cứ sòn sòn đẻ đều đặn mỗi ngày nhưng không có người mua, trứng vịt chất thành đống trong nhà. Khách đến, Tình biếu mỗi người vài chục quả, thậm chí mấy người dân gánh gạch thuê đi qua, Tình cũng mời vào nhà luộc trứng ăn chán thì thôi. Sau đận ấy, anh nản chí vào mấy tỉnh phía Nam làm thuê.

Nhưng rồi, đêm nằm cứ nghĩ tiếc công sức mình bỏ ra, anh quyết chí về quê, lại nuôi cá, vịt, lợn gà. Đó cũng là lúc Tình bắt đầu chú ý hơn đến việc phòng dịch và hợp tác làm ăn với những đơn vị có uy tín. Anh tìm cách liên hệ với Công ty CP để đơn vị này cung cấp con giống và kỹ thuật chăn nuôi, cùng chia sẻ khi rủi ro đồng thời chuyển sang nuôi vịt thương phẩm.

Trang trại của anh được gia cố thêm bằng hàng vạn viên gạch ở đáy hồ đồng thời tập trung thả các loại cá như trôi, trắm, chép… vừa ít bệnh tật, cho năng suất cao, vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Phía trên, anh Tình cấy thêm lúa, nuôi 2 nghìn con vịt thương phẩm. Đến nay, theo tính toán của gia đình, cứ 45 ngày là anh được xuất một lứa vịt, thu về khoảng 160 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng.

Mỗi năm, nguồn thu từ cá dưới lòng hồ cũng giúp anh Tình kiếm thêm vài trăm triệu đồng nữa. “Làm nông nghiệp về lâu dài vẫn không lo bị lỗ, chỉ là mình lãi ít hay lãi nhiều thôi. Đây vẫn là nghề làm giàu được” , anh Tình tâm đắc.

Bí thư chi đoàn làm giàu ở “vương quốc gà”

Yên Thế được biết đến là “vương quốc gà” với những hộ gia đình nuôi đến hàng vạn con gà mỗi năm. Nằm trong vùng chăn nuôi gà lớn nhất cả nước ấy, Bí thư chi đoàn thôn Tân Kỳ (xã Đồng Tâm, Yên Thế, Bắc Giang) Bế Văn Thái cũng luôn trăn trở về việc làm thế nào để duy trì đàn gà ấy, xây dựng thương hiệu “gà đồi Yên Thế” ngày càng vang xa hơn.

Anh Bế Văn Thái chăm sóc vườn vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap

Sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận thông tin là lợi thế của tuổi trẻ đã giúp anh Thái luôn thành công trong việc gìn giữ đàn gà của mình tránh khỏi các dịch bệnh thông thường, đầu tư số lượng gà hợp lý hạn chế những rủi ro về giá. Chính vì vậy, từ năm 2009 đến nay, anh Bế Văn Thái thường xuyên duy trì đàn gà của mình khoảng 13-14 nghìn con/năm. Thời điểm được giá, anh Thái cũng thu về hàng chục triệu đồng mỗi lứa.

Ngoài nuôi gà, với lợi thế vườn vải thiều gần 1 ha sẵn có, anh Thái cũng mạnh dạn đi đầu trong toàn thôn trong việc áp dụng mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Bên cạnh đó, anh Thái cũng tổ chức xây dựng mô hình Tổ liên gia phát triển kinh tế của thanh niên hoạt động khá hiệu quả. Với mô hình Tổ liên gia này, những thanh niên ở các địa bàn gần nhau thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau trong việc tiêm phòng, xử lý các công việc khác liên quan đến đàn gà vào những lúc cao điểm.

“Mô hình này giúp các bạn có thể hỗ trợ cho nhau, cùng phát triển và hạn chế rất nhiều rủi ro. Đây là mô hình chúng tôi sẽ nhân rộng trong thời gian tới” - anh Trần Đức Hải, Phó Bí thư Đoàn xã Đồng Tâm cho biết.