Những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua

TPO - Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang 2015; Cuộc đàm phán lịch sử giữa Mỹ và Cuba; Quốc vương Ả Rập Saudi qua đời; IS bắt cóc, doạ giêt 2 con tin người Nhật... là những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

PHIẾN QUÂN IS PHÓNG THÍCH 350 NGƯỜI YAZIDI

Khoảng 350 thành viên bộ tộc Yazidi được trả tự do. Ảnh: BBC

Ngày 17/1, các quan chức Kurd tiếp nhận khoảng 350 thành viên của bộ tộc thiểu số Yazidi được IS vừa phóng thích tại địa điểm gần thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq và đưa họ đến nơi an toàn.

Hầu hết những người được thả đều là những người già hoặc sức khỏe không tốt. Nhiều người đã được đưa tới các trung tâm y tế để điều trị.

IS tấn công vào cộng đồng thiểu số Yazidi hồi năm ngoái, giết hại và bắt giữ hàng ngàn người. Ước tính có khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em Yazidi vẫn đang bị IS giam giữ. (Xem chi tiết)

7 TRIỆU BẢN CHARLIE HEDBO ĐƯỢC PHÁT HÀNH

Một người cầm số mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo. Ảnh: Reuters

Số lượng phát hành ấn phẩm mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo sau vụ xả súng đã tăng lên đến 7 triệu bản. Theo ước tính của các phương tiện truyền thông Pháp, việc bán số tạp chí mới đã mang lại cho tuần san ít nhất 10 triệu euro.

Trên trang bìa của số tạp chí mới này có in biếm họa về nhà tiên tri Mohammed với vẻ mặt buồn, mặc áo trắng, cầm tấm biển “Je suis Charlie” ("Tôi Charly") trong tay. Phía trên đầu của ông là dòng chữ: “Tout est pardonne” ("Tất cả được tha thứ").

Nhiều phần tử Hồi giáo trên thế giới đã biểu tình phản đối tuần báo Charlie Hedbo vì đã tiếp tục đăng hình biếm họa nhà tiên tri của họ và cho rằng đó là “một sự sỉ nhục với người Hồi giáo”. (Xem chi tiết)

QUÂN ĐỘI UKRAINE TÁI CHIẾM SÂN BAY DONETSK

Sân bay Donetsk bị đạn pháo phá hủy

Quân đội Ukraine ngày 18/1 tuyên bố đã chiếm lại gần như toàn bộ khu vực sân bay Donetsk ở miền Đông Ukraine, từng nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai trong những tuần qua. Và do đó, cuộc tấn công hôm 18/1 không vi phạm thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng 9 năm ngoái ở Minsk.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người tập trung tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, Ukraine để cầu nguyện cho các nạn nhân bị trúng đạn tên lửa vào ngày 13/1 tại miền Đông Ukraine. (Xem chi tiết)

IS BẮT GIỮ, DOẠ GIẾT 2 CON TIN NHẬT BẢN

Hình ảnh chụp từ video đe dọa hôm 20/1 của tổ chức phiến quân IS. Ảnh: Daily Mail

Trong một video được tung trên mạng ngày 20/1, lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dọa giết hai con tin người Nhật nếu chúng không nhận được 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ tới.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ giải cứu con tin bằng mọi giá, đồng thời liên hệ với các quốc gia khác như Jordan, Israel… để hỗ trợ giải cứu con tin.

Tuy nhiên, tính đến tối ngày 24/1, lực lượng IS tuyên bố đã thực hiện hành quyết một trong hai con tin người Nhật Bản bị bắt giữ, sau khi chính quyền Tokyo không đáp ứng yêu cầu của IS trong thời hạn 72 giờ đồng hồ. Người Nhật xuất hiện trong video là nhà báo Kenji Goto. Ông cầm tấm ảnh, cho thấy một người có lẽ là Haruna Yukawa đã bị chặt đầu. 

Trong đoạn video dài ba phút, Goto cũng cho hay IS hiện không đòi tiền chuộc nữa mà yêu cầu trả tự do cho Sajida al-Rishawi, một nữ binh của al-Qaeda đánh bom tự sát bất thành vào một khách sạn ở Jordan năm 2005.

Phát biểu trên kênh truyền hình NHK, ông Abe yêu cầu IS thả ngay lập tức phóng viên Kenjo Goto và cho biết đang dùng mọi kênh ngoại giao và phương tiện để giải thoát cho con tin. (Xem thêm)

TỔNG THỐNG OBAMA ĐỌC THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2015

Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang 2015 trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ

9h sáng nay 21/1, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp Liên bang năm 2015 tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội, cùng với sự tham gia của hàng trăm khách mời và khoảng 30 triệu người trên khắp hành tinh qua sóng truyền hình trực tiếp.

Tổng thống Barack Obama đã đánh giá tình hình nước Mỹ trong một năm qua và trình bày các mục tiêu chính sách đối nội, đối ngoại trong năm thứ 7 làm Tổng thống.

Thông điệp Liên bang năm nay được đông đảo chính giới và dư luận Mỹ quan tâm vì đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ trình bày các chương trình nghị sự và các đường hướng chính sách của chính phủ trước một quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014.

Bên cạnh các vấn đề về nền Kinh tế trung lưu, giáo dục đại học, đột phá về kinh tế, an ninh mạng, thì chính sách đối ngoại của nước Mỹ với Nga, các quốc gia Hồi giáo, Cuba và Iran là những trọng tâm chính được Tổng thống Obama đề cập trong Thông điệp Liên bang năm 2015. (Xem chi tiết)

PHIẾN QUÂN HOUTHI CHIẾM ĐÓNG PHỦ TỔNG THỐNG YEMEN

Các tay súng Houthi

Ngày 20/1, phiến quân Houthi ở Yemen đã tấn công dữ dội và chiếm đóng Phủ tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi ở thủ đô Sanaa, làm gia tăng lo ngại đẩy quốc gia bán đảo Ả Rập này lún sâu vào khủng hoảng trầm trọng.

Tổng thống Hadi được cho là không có mặt trong dinh thự và hiện đang ẩn mình.

Trước đó, hôm 19/1, các tay súng Houthi cũng xả súng vào đoàn xe của Thủ tướng Yemen Khaled Bahah, song ông Bahah may mắn thoát chết. Dinh Cộng Hòa, nơi ở của thủ tướng, cũng bị bao vây sau đó. (Xem chi tiết)

HÀN QUỐC BỔ NHIỆM TÂN THỦ TƯỚNG

Ông Lee One-koo

Ngày 23/1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đề cử lên Quốc hội lãnh đạo Đảng cầm quyền Saenuri (Thế giới mới) bổ nhiệm ông Lee One-koo làm tân thủ tướng nước này.

Ông Lee One-koo (64 tuổi) được bổ nhiệm thay Thủ tướng Chung Hong-won, người đã nộp đơn xin từ chức để nhận trách nhiệm về vụ chìm phà Sewol hồi giữa tháng 4/2014 làm hơn 300 người thiệt mạng và mất tích. Ông Chung sẽ vẫn giữ cương vị thủ tướng cho tới khi có quyết định phê chuẩn chính thức của Quốc hội.

Ngoài vị trí Thủ tướng, vị trí Bộ trưởng Hàng Hải và Nghề cá Hàn Quốc đang bị bỏ trống từ tháng 12/2014 sau khi cựu Bộ trưởng Lee Ju-young xin từ chức để nhận trách nhiệm về vụ chìm phà Sewol. (Xem chi tiết)

CHIẾN DỊCH CỨU NẠN MÁY BAY QZ8501

Các túi khí khổng lồ được sử dụng để nâng thân máy bay QZ8501. Ảnh: AFP.

Đến nay, phần thân của máy bay số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia bị rơi ở biển Java, Indonesia khiến 162 người thiệt mạng đã được tìm thấy và đang được lực lượng cứu hộ trục vớt. Đây là phần được cho là có nhiều thi thể nhất. Hiện 69 thi thể đã được tìm thấy và đưa lên bờ.

Về nguyên nhân gặp nạn của máy bay này, qua phân tích 2 hộp đen, thông tin ban đầu cho thấy máy bay số hiệu QZ8501 gặp nạn vì tăng độ cao quá nhanh, thậm chí hơn cả chiến đấu cơ, rồi bỗng khựng lại trên không.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia thông báo sẽ công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn vào ngày 28/1 tới. (Xem chi tiết)

QUỐC VƯƠNG ARAB SAUDI QUA ĐỜI

Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdulaziz

Quốc vương Ả Rập Saudi là Abdullah bin Abdulaziz đã qua đời vào sáng sớm 23/1,  hưởng thọ 90 tuổi. Em trai của Quốc vương, Hoàng Thái tử Salman đã trở thành người kế vị ngai vàng tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này.

Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz sinh năm 1923, thừa kế ngai vàng năm 2006. Trước đó, ông đã điều hành đất nước trong ít nhất 10 năm với vai trò nhiếp chính sau khi vua Fahd, người anh cùng cha khác mẹ của ông bị đột quỵ và không còn khả năng trị vì. (Xem chi tiết)

MỸ, CUBA VÀ CUỘC ĐÀM PHÁN LỊCH SỬ

Phái đoàn Cuba (trái) và Mỹ trong cuộc đàm phán hôm qua ở Havana. Ảnh: Reuters

Một cuộc đàm phán lịch sử giữa Mỹ và Cuba được tổ chức tại thủ đô Havana (Cuba) trong 2 ngày (21-22/1) để thảo luận các vấn đề về nhập cư và bình thường hoá quan hệ sau 53 năm gián đoạn. Đây là cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Mỹ và Cuba suốt nhiều thập kỷ qua. 

Cuộc đàm phán diễn ra một tháng sau khi ông Obama và ông Castro nhất trí cải thiện quan hệ. Trong Thông điệp Liên bang hôm 20/1, tổng thống Mỹ đề nghị quốc hội chấm dứt lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.

Cuộc đàm phán lịch sử đã khép lại nhưng chưa đạt được kết quả nào cụ thể. Tuy nhiên, hai bên nhất trí sẽ gặp lại để tiếp tục tiến trình bình thường hóa quan hệ. (Xem chi tiết)